(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2019, sáng 28/6, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực; năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển trong những tháng tiếp theo.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%. Tăng trưởng quý II/2019 thấp hơn tăng trưởng quý II/2018 chỉ 0,02 điểm phần trăm nhưng cao hơn tăng trưởng quý II các năm 2011-2017 .
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%. Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với mức tăng 6,45%, ngành thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất của 6 tháng trong 9 năm trở lại đây với sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng Sáu tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 660,9 nghìn tấn, tăng 8,6%; sản lượng trứng gia cầm 6 tháng đạt gần 7 tỷ quả, tăng 11,4%.
Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: gieo trồng lúa Đông Xuân năm nay đầu vụ thuận lợi về thời tiết, sau đó thời tiết trái vụ, nắng nóng kéo dài làm giảm năng suất. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13% so với cùng kỳ năm trước; ngành xây dựng tăng 7,85%.
Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế với mức tăng 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017 ; sản xuất và phân phối điện tăng 10,63%; cung cấp nước tăng 7,79%; đặc biệt ngành khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78% sau 3 năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Trong khu vực dịch vụ, các ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế hầu hết 6 tháng đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng khá: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,9%; vận tải, kho bãi tăng 7,89%...
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,55% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21%.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế: Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số PMI của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì mức 52 điểm – mức cao hơn các nước trong khu vực, các nhà sản xuất cho rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới và kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) Việt Nam một lần nữa đạt mức kỷ lục trong quý I/2019 khi tăng 7 điểm so với cuối năm 2018, vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới, điều này thể hiện sự lạc quan về khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt Nam.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý II/2019 cũng cho thấy đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2019 với 88,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và ổn định (52% doanh nghiệp dự báo tốt lên và 36,6% dự báo ổn định)…
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017 , khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp của Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Thúy Hiền/TTXVN
Tags