(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/12, Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP.HCM năm 2015 đã bế mạc với đa phần tác phẩm được hoàn thiện. Rất lâu rồi TP.HCM mới tổ chức trại điêu khắc nên có vài bất cập này kia, nhưng nhìn chung là đã có được những tác phẩm chất lượng, đó mới là điều đáng kể nhất.
- Trại điêu khắc Quốc tế TP.HCM: 'Đại công trường' đang nhộn nhịp
- Thiếu quy hoạch điêu khắc trong không gian đô thị
Trại với chủ đề TP.HCM - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập có sự tham gia của 39 nhà điêu khắc trong nước và 11 nhà điêu khắc nước ngoài, đến từ Nga, Iran, Bulgaria, Ukraina, Bỉ, Nhật…
Ra đường hoa Nguyễn Huệ trước
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, các tác phẩm điêu khắc dự định đặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, công viên đầu đường Võ Văn Kiệt và một số không gian dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc hai đường Trường Sa, Hoàng Sa). Qua tư vấn của Hội đồng nghệ thuật, trước mắt thành phố sẽ chọn từ 15 đến 20 tác phẩm có hình thức và nội dung phù hợp để phối hợp trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ trong dịp Tết Nguyên đán này, sau đó mới tính đến việc trưng bày cố định”.
Tại lễ bế mạc, BTC đã trao giải Xuất sắc cho 3 tác phẩm: Đời cá (Ngô Liêm), Kết nối (Đỗ Thế Thịnh) và Nghiên cứu triết học III (Fabian Saeren, người Bỉ). Bên cạnh đó là 4 giải Khuyến khích cho các điêu khắc gia Trần Việt Hà (Việt Nam), Lyudmyla Mysko (Ukraina), Bogdan Adrian Lefter (Romania) và Yury Tkachenko (Nga).
Sẽ còn 14 tác phẩm nữa (nhưng chưa có danh sách cụ thể) được cho trưng bày cùng 7 tác phẩm đoạt giải này tại đường hoa Nguyễn Huệ. Khoảng 30 tác phẩm còn lại sẽ xin ý kiến UBND TP.HCM để tìm nơi thích hợp trưng bày.
Bogdan Adrian Lefter cho biết anh ít thấy trại nào mà các điêu khắc gia sướng như trại này, vì họ được các nghệ nhân hỗ trợ và thao tác phần lớn, trong khi các trại quốc tế khác thì tác giả phải tự làm gần như tất cả. “Tôi rất tò mò về việc tác phẩm được đặt đâu đó ngoài phố, nếu tác phẩm của tôi được chọn, tương lai tôi sẽ trở lại để xem. Thật hãnh diện”.
Vẫn chưa có quyết định sau cùng?
Việc sáng tạo một tác phẩm điêu khắc phù hợp với không gian công cộng đã khó, nhưng càng khó hơn khi đưa nó ra trưng bày cố định, nhất là ở các đô thị đất chật, người đông như TP.HCM. Bởi việc này liên quan đến nhiều quyết định và nhiều hội chuyên ngành khác nhau như tài chính, kiến trúc, giao thông, đô thị…
Tại hội thảo Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM ngày 9/9/2015, ông Hứa Ngọc Thuận (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết, thành phố đang thiếu nghiêm trọng các tượng về văn hóa nghệ thuật. Tỷ lệ tượng đài điêu khắc hướng văn hóa nghệ thuật chiếm chưa tới 3% tổng số tượng đài lịch sử, chính trị trên địa bàn. Cho nên trong tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ liên tục đặt hàng các điêu khắc gia sáng tạo để bổ túc cho quy hoạch.
“Thiếu một không gian đúng nghĩa cho điêu khắc cả bên trong lẫn bên ngoài đời sống đô thị. Hiện nay, không có không gian cho điêu khắc cộng đồng tại các thành phố lớn, kể cả ở Hà Nội lẫn TP.HCM, chỉ có không gian cho tượng đài, mà tượng đài chỉ là một phần trong quy hoạch tượng ngoài trời của một thành phố.
Không có không gian đồng nghĩa với việc thiếu sự ủng hộ phát triển từ phía chính quyền cho loại hình điêu khắc đô thị... Các dự án sáng tạo cho điêu khắc ngoài trời chỉ là những phác thảo và ai cũng hiểu rằng một phác thảo không bao giờ là hiện thân cho một tác phẩm trong không gian thật được” - ông Bùi Hải Sơn nói.
Cái mới của Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 là có thể đóng góp được nhiều tác phẩm hoàn chỉnh, chất liệu bền vững (như đá, kim loại và khuôn đúc đồng), chứ không phải là các phác thảo hoặc tác phẩm với chất liệu tạm bợ.
Tuy nhiên, cũng tại hội thảo đã đề cập ở trên, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân rất có lý khi cảnh báo việc dùng trại sáng tác để làm nơi đơn đặt hàng lấy sản phẩm là ảo tưởng và bất khả thi. “Chúng ta có đội ngũ tác giả mạnh, có thể chọn được 30 tác giả ưu tú nhất để đặt hàng, song tác phẩm tốt nhất hiếm khi là sản phẩm của một trại sáng tác ngắn hạn, chỉ trong khoảng 30 ngày. Nếu quá phụ thuộc vào trại dễ dẫn đến sự dễ dãi trong nghiệm thu, chưa đẹp chấm thành đẹp, không phù hợp ép thành phù hợp, vì lỡ đặt hàng rồi. Hậu quả là khi đã đưa tác phẩm ra công cộng, muốn sửa chữa, thay thế sẽ rất khó và tốn kém”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags