(Thethaovanhoa.vn) - Con đường từ Samara đến Ulyanovsk không thực ra xấu, nhưng chuyến xe cũ rích đưa tôi đến đấy đã mất tới hơn 5 tiếng cho một chuyến đi chỉ dài hơn 170 cây số, sau khi dừng lại ở không biết bao nhiêu là chặng. Người lái xe lắc lắc đầu và cười sau khi biết tôi đến Ulyanovsk để làm gì. "Cậu là một người vô sản chân chính, giống như tôi", anh cười to, "nhưng trong khi tôi phải lái xe để kiếm sống, thì anh lang thang rong chơi". Anh kết luận: "Chúng ta là hai dạng vô sản khác nhau".
- 'Đấu trường Zenit' xứng đáng là biểu tượng mới của thể thao Nga
- Trên những nẻo đường nước Nga: Samara, với trái tim rộng mở
- Bên lề World Cup: Đội tuyển Nga và niềm cảm hứng bóng đá xứ sở Bạch Dương
"Lenin sống mãi trong chúng ta"
Ở quê hương của người lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, các biểu tượng của chủ nghĩa tư bản từ lâu đã xuất hiện và ngày càng lan tràn. Con đường tôi đi đến căn nhà, nơi Vlidimir Ilich Ulianov, tên thật của Lenin, sinh ra, có không ít các của hiệu Mac Donald's và Subway. Một thanh niên hiếm hoi biết tiếng Anh ở đây đã phì cười khi tôi hỏi về mối liên quan nào đó, nếu có, giữa một thành phố có biểu tượng là Lenin và chủ nghĩa tư bản: "Có những thứ đã thuộc về quá khứ. Có những thứ là của hiện tại và tương lai. Chúng ta không thể lùi lại và mãi hoài niệm về những gì đã qua".
Cậu sinh viên ấy nói đúng, nhưng ở thành phố này, sự hoài niệm xuất hiện ở mọi nơi. Ở những thời kỳ khó khăn của Liên Xô trước đây, người ta luôn nói, "Lenin luôn sống mãi với chúng ta". Nhưng ngay cả bây giờ, Lenin vẫn tồn tại với chúng ta. Người đón chào chúng ta từ sân bay Baratayevka và nhà ga trung tâm. Người giơ tay chào chúng ta ở quảng trường trung tâm thành phố. Người xuất hiện ở tên của một ban nhạc khá tiếng tăm của thành phố này. Người xuất hiện trong hàng chục đài tưởng niệm và các di tích có gắn biển chỉ dẫn đây là nơi gắn bó với Lenin. Những sách du lịch có phần viết về gia đình Ulyanov đều nói rất kỹ về các chi tiết liên quan đến Lenin, người sinh ra ở đây và sống đến năm 17 tuổi trước khi đến sống ở Samara với gia đình, nhưng không nhắc đến anh trai Aleksandr của Lenin, người đã bị hành hình vào năm 1887 do một âm mưu sát hại Sa hoàng Aleksandr III bất thành. Khi ấy, thành phố này có tên Simbirsk, và được đổi tên như bây giờ để tưởng nhớ Lenin sau khi người mất vào năm 1924.
Đối với không ít người, khu phức hợp tưởng niệm Lenin là một miền đất thánh để hành hương. Các thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có tới khoảng 200 nghìn người tới đây để thăm viếng nơi người đã sinh ra vào năm 1870 (con số những năm trước khi Liên Xô tan rã cao hơn nhiều), trong một khu nhà gỗ lớn vẫn được gìn giữ đến bây giờ, nhưng không còn quá nhiều thứ để xem xét và tìm hiểu nữa. Chính họ là những người khách du lịch đem lại sức sống cho một thành phố chỉ còn sống bằng quá khứ gắn liền với thời thiếu niên của vị lãnh tụ vô sản, khi hầu hết những người đến đây như tôi, bằng xe bus, hoặc bằng tàu hỏa, nhiều khi là bằng các con tàu chở hành khách dọc sông Volga, là để tìm đến với nhà Lenin. Người ta có thể thấy ở đây những kỉ vật của gia đình Lenin, mặt nạ thạch cao đắp lên mặt Người khi Lenin qua đời, thậm chí có cả một tấm ảnh chụp Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm nơi này vào năm 2002.
Ngọn gió của đổi thay
Simbirsk có lẽ cũng sẽ mãi chỉ là một thành phố tỉnh lẻ bên sông Volga nếu như nơi này không gắn bó với Lenin và có tên Ulyanovsk như bây giờ. Đương nhiên, thành phố này có những tên tuổi khác, như nhà thơ, sử gia Nikolai Karamzin, nhà văn Ivan Goncharov hay chính trị gia Aleksandr Kerensky, một kẻ thù của Lenin, người đứng đầu chính phủ lâm thời của Nga vào năm 1917, trước khi bị chính cuộc Cách mạng tháng Mười do chính Lenin lãnh đạo lật đổ. Trên thực tế, cha của Kerensky là thày giáo của Lenin và gia đình Kerensky và Ulyanov khá thân nhau.
Ở Ulyanovsk này, bất chấp sự xâm lăng của những biểu tượng của chủ nghĩa tư bản như Mac Donald's, người ta đang đấu tranh để giữ được tốt nhất và lâu nhất có thể những gì gắn liền với quá khứ, hoặc đúng hơn, ý thức hệ của những năm tháng đã qua. Không khó tìm được Trung tâm tưởng niệm Lenin, bởi chỉ cần tra bản đồ, thấy những nơi nào tập trung nhiều nhất những cái tên như phố Karl Marx, Engels, phố Lenin, đồi Lenin, phố Vô sản, là sẽ thấy nhà của Lenin ở đó. Và ở đây, bất cứ ai cũng có thể chỉ cho bạn đường đến nhà Lenin, với một sự hãnh diện không thể che giấu. Đơn giản, vì họ tự hào được sống trong thành phố của Lenin, đã được học và đọc khá nhiều về con người vĩ đại này, nhưng cũng một cách rất thực dụng, biết ơn Người vì chính Lenin đã đưa mỗi năm nhiều khách du lịch đến đây, những người có lẽ sẽ không bao giờ ghé qua nơi này, nếu không có Lenin.
Đương nhiên, không phải mọi điều đều ổn. Sự thay đổi của thời đại, với sự tan rã của Liên Xô cũng để lại một số dấu ấn không hay ho lắm, khi không phải ai ở đây cũng muốn ca ngợi Lenin. Chẳng hạn tấm biển trước trường tiểu học mà Lenin đã theo học không nhắc đến tên Người, mà chỉ nói đại loại, "Vladimir Ulyanov, người đứng đầu chính phủ của Xô Viết Nga và Liên Xô từ 1917 đến 1923" đã học ở đây. Khu bảo tàng Lenin, thuộc loại lớn nhất ở nước Nga, đã mất kinh phí của nhà nước từ sau năm 1991 và hiện đang sống nhờ nguồn ngân sách ít ỏi của tỉnh Ulyanovsk. Nhưng họ đang hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn và lượng du khách, vốn đã giảm mạnh trong những năm qua, sẽ tăng lên vào năm 2020, với một loạt các hoạt động nhằm kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của Lenin.
Hồi tháng Tư vừa rồi, chính quyền thành phố đã thông qua một quyết định nhằm đổi tên quảng trường Lenin thành quảng trường Nhà thờ chính tòa, tên cũ này của quảng trường từ thế kỷ 19 cho đến 1936, khi nhà thờ Chúa ba ngôi ở đây bị phá đi. Quyết định này đã gây tranh cãi trong các đảng phái đối lập ở Ulyanovsk. Người ta sợ rằng, ở nơi được cho là thánh địa cuối cùng của vô sản ở nước Nga, những gì gắn liền với Lenin có thể sẽ dần dần bị đụng đến. Nhưng trên nước Nga, có một sự thật là ở thành phố nào cũng có tượng của Lenin, có đường Lenin, quảng trường Lenin, ở những nơi trang trọng nhất và đẹp nhất. Lịch sử gắn liền với Người vẫn được gìn giữ, bất chấp làn gió đổi thay và những ý đồ nhằm xóa dấu vết của quá khứ gắn với Lenin.
Vĩ thanh
Từ Moskva đến Ulyanovsk không khác gì ngồi trên một chiếc tàu đi vượt thời gian để về quá khứ. Moskva đã thay đổi hoàn toàn trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, đã lột xác mạnh mẽ trong cuộc cách mạng của tư bản Nga. Chỉ có những người hoài cổ là bị gạt sang bên lề. Ulyanovsk, dù đã thay đổi một phần hình hài, thì vẫn có vẻ như chưa hề có Glasnost và Perestroika, và vẫn sống với những ký ức Lenin. Một ông già vừa uống một ngụm bia vừa cười với tôi và chỉ tay lên bức chân dung Lenin đặt trang trọng trong một quán bar ở Ulyanovsk. Ông muốn nói gì khi đó? Một chỉ dấu rằng Lenin đang chứng kiến những người như ông sống trong một thế giới mới, khác với những gì mà Lenin đã từng mơ ước và phấn đấu xây lên?
Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Samara, Nga)
Tags