(Thethaovanhoa.vn) - Thụy Sĩ nằm ở vùng núi Alps, giáp với Đức, Pháp, Italy còn Thụy Điển lại kề biển Baltic, láng giềng của Na Uy, Đan Mạch. Họ khá tách biệt nhau về địa lý, nhưng lại có khá nhiều điểm tương đồng.
- Đoản khúc World Cup: Hỡi những Samurai, liệu có còn chút gì để nhớ?
- Đoản khúc World Cup: 'Trái tim dù biết hát, nhưng tình đời dễ đâu...'
- Đoản khúc World Cup: Đường dài, đơn độc, nhẹ dạ, tôi ngã vào ‘nhan sắc’
Hai đất nước ấy cùng ở phía Bắc châu Âu nơi mà mùa Đông nhiều hơn các mùa khác, đều có dáng vẻ mảnh dẻ, cao, tóc hung vàng, khuôn mặt thanh tú thông minh và ánh mắt phiêu diêu. Đều ưa sự tĩnh lặng, thích đơn giản và có cuộc sống tương đối khép kín…
1. Với bóng đá, Thụy Sĩ được thừa nhận là quốc gia có nền bóng đá lâu đời, với câu lạc bộ đầu tiên được thành lập từ 1879 và vẫn tồn tại đến ngày nay là FC St.Gallen chỉ sau câu lạc bộ được coi là đầu tiên tại châu Âu do các sinh viên Anh lập năm 1860.
Cho đến nay, quốc gia có 8 triệu dân này đã có 11 lần dự các kỳ World Cup, lần đầu tiên là năm 1934 và đây cũng là 1 trong 3 lần mà họ có thành tích tốt nhất khi vào đến tứ kết cùng hai kỳ 1938 và 1954. Các chàng trai từ dãy Apls đã đến với World Cup 2018 bằng chiếc vé vớt qua trận đấu play-off của đội nhì bảng có thành tích cao nhất (27 điểm). Vào giải đấu, họ đã thắng Serbia, Costa Rica và hòa Brazil để đi tiếp vào vòng 16 đội, mang tham vọng sẽ đi tới tứ kết để ít nhất là lặp lại thành tích cách hơn nửa thế kỷ.
Tương tự, tuyển Thụy Điển có mặt khá sớm ở các VCK bóng đá thế giới. Họ đá trận quốc tế đầu tiên cách đây đúng 110 năm, khi đè bẹp Na Uy 11-3. Về thành tích, so với Thụy Sĩ, thì Thụy Điển “giàu có” hơn, họ đã từng giành vị trí Á quân World Cup 1958, và hai lần cán đích ở vị trí thứ 3 vào World Cup 1950 và World Cup 1994. Tại vòng bảng, đội quân Bắc Âu đã thắng Hàn Quốc ở trận ra quân, thua tuyển Đức ở những phút bù giờ trước một pha tỏa sáng của Toni Kroos và thắng thuyết phục Mexico 3-0 để giành ngôi đầu bảng F.
2. Nhắc đến Thụy Điển, không thể không nói đến một điểm đặc biệt đó là đây là quốc gia không dính líu đến một cuộc chiến nào hơn 200 năm nay (chính xác là từ năm 1814). Từ đó đến nay, Thụy Điển đã áp dụng một chính sách hòa bình nhất quán, là cơ sở cho nền trung lập của Thụy Điển. Thời gian 200 năm hòa bình của Thụy Điển là độc nhất trên toàn thế giới đầy rãy những biến động.
Nhưng, chính ở môi trường mà quyền riêng tư, sự độc lập được tôn trọng hàng đầu khiến những con người Thụy Điển ngày càng khép kín, sự kết nối với cộng đồng xung quanh ngày một ít đi. Vì vậy, họ đã được gọi là “Những người cô đơn nhất thế giới,” và điều này có thể thấy rõ ở cả trong bóng đá, nơi mà sự kết dính, hoạt động nhóm là yếu tố hàng đầu.
Ngay cả khi ăn mừng bàn thắng, các chàng trai áo xanh vàng nhảy lên, ôm choàng lấy nhau, nhưng ánh mắt của họ lại như nhìn về đâu đâu, dường như chẳng thể tìm thấy bóng dáng nụ cười trong đáy mắt. Trên đường phố Thụy Điển, hiếm khi gặp cảnh những đám bạn già hoặc trẻ ngồi túm năm tụm ba bên bàn bia hay trong quán bar, trong những công viên… Hình ảnh quen thuộc đó là những trí thức ăn mặc chỉn chu, một mình thả bước chậm rãi trong các bảo tàng.
Người Thụy Sĩ thì có khác đôi chút, có lẽ do những nước láng giềng của họ Đức, Pháp, Italy… đều có tính cách khá sôi nổi, ham vui, phóng khoáng. Không cô đơn, cũng không náo nhiệt, Thụy Sĩ toát lên một dáng vẻ khá mâu thuẫn. Xen kẽ những căn nhà mái ngói đỏ nhọn theo kiến trúc gotic - trụ sở của nhà băng, những cửa hàng đồng hồ đắt tiền trưng bày toàn máy móc tinh xảo là những quán ăn nho nhỏ, nơi bạn có thể thưởng thức các món ăn tuyệt ngon, tinh tế cùng một ly vang tươi theo mùa. Là hình ảnh đàn thiên nga vẫy cánh trên hồ, xa xa dãy núi Alps với lớp băng tuyết thi thoảng chợt lấp lánh trong ánh nắng hiếm hoi xứ Bắc Âu…
Và Thụy Sĩ còn có Heidi - nhân vật biểu hiện cho sự thiện tâm trong sáng, lòng vị tha của được yêu thích trên toàn thế giới ngay từ khi nữ tác giả Johanna Spyri giới thiệu đến độc giả lần đầu tiên hơn 100 năm trước. Cô bé Heidi mồ côi sống trên đỉnh núi cao bỗng một ngày bị đưa về thành phố để từ đó nảy sinh ra biết bao câu chuyện dở khóc dở cười. Cuối cùng Heidi đã được về với núi rừng, với khung cảnh quê hương quen thuộc để cùng bạn em, cậu bé chăn cừu Peter làm nên những điều kỳ diệu cho xóm làng thân yêu.
Tôi tin trận cầu giữa Thụy Sĩ và Thụy Điển hôm nay sẽ diễn ra vô cùng kỳ lạ, phóng khoáng và chính xác, cởi mở đấy mà khép đóng ngay lập tức. Và Heidi - sẽ rời gót trước để về với Alps đẹp bình yên. Những thực thể cô đơn ngay cả giữa đô hội áo xanh vàng sẽ rời Nga sau đó một nhịp.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Tags