(Thethaovanhoa.vn) - Thảm bại không tưởng 1-7 trước đội tuyển Đức thực sự là một cú sốc cho Brazil và báo động về chất lượng nền bóng đá vẫn luôn tự hào là giàu truyền thống nhất trong lịch sử này. Chúng ta sẽ thử trao đổi điều này với các khách mời là nhạc sĩ Hà Quang Minh và bình luận viên Lý Chánh.
“Có cả Neymar lẫn Thiago Silva thì Brazil vẫn thua thôi!”
Phạm An: Tôi không thể tin được vào những gì vừa xảy ra, còn các anh thì sao?
Lý Chánh: Làm sao tin được đây. Brazil phạm nhiều sai lầm quá, đương nhiên bây giờ nói thì dễ hơn. Họ cố tấn công phủ đầu trong khi với thực lực hai bên, điều đó là không thể.
Hà Quang Minh: Nhưng anh Chánh ơi, nếu Brazil không phủ đầu từ đầu, họ cũng không có phương án nào khác. Họ ý thức rằng hàng thủ không còn vững chắc nên buộc họ phải dồn lên hòng kiếm bàn thắng sớm. Nhưng họ lại không có được thứ họ cần và Đức thì quá nguy hiểm. Giả sử, Brazil may mắn có bàn thắng sớm, họ sẽ co về ngay và trận đấu có thể sẽ rất giằng co, nhọc nhằn dù Đức sẽ vẫn thắng.
Phạm An: Nếu có Thiago Silva và Neymar, tình hình có thể sẽ đỡ tồi tệ hơn, nhưng kết quả liệu có thay đổi không, thưa các anh?
Lý Chánh: Theo tôi nghĩ, Brazil có Neymar và Silva vẫn có thể thua Đức, và ngược lại, không có họ Brazil cũng chưa chắc đã thua nếu có cách tiếp cận trận đấu tốt hơn. Algeria còn gây được khó khăn cho tuyển Đức nhờ tốc độ trong những pha phản công của họ.
Hà Quang Minh: Tôi vẫn giữ quan điểm của mình từ đầu giải tới giờ, Đó là Brazil vào bán kết là đủ rồi, và may lắm rồi. Còn có cả Neymar lẫn Silva thì cũng thua Đức thôi.
Lý Chánh: Vậy Minh và An nghĩ rằng đây là một World Cup không có khoảng cách giữa các đội bóng hay ngược lại?
Hà Quang Minh: Tôi nghĩ là bóng đá hôm nay, khoảng cách giữa các đội đã xích lại khá nhiều. Nhưng không có nghĩa là ngang tầm nhau hết. Trong các đại gia ở tứ kết gồm Brazil, Đức, Argentina, Hà Lan, tôi cho là Brazil đuối nhẩt. Có Neymar và Silva, họ chỉ thua ít thôi chứ không thắng nổi Đức đâu.
“Chất lượng con người của bóng đá Brazil có vấn đề”
Phạm An: Tôi thì nghĩ là về mặt tổ chức, Đức ở một đẳng cấp cao hơn hẳn Brazil và đa số các đội lớn ở World Cup lần này. Khi Brazil thiếu đi những cá nhân xuất sắc làm điểm tựa thì chắc chắn họ sẽ phải thua những đội bóng có tổ chức vượt trội như Đức. Brazil hôm qua tôi nghĩ là không khác gì Argentina 4 năm về trước. Đức là đội phơi bày tốt nhất những đội bóng không có chất lượng và lối chơi tập thể. Họ đã thắng Argentina 4-0 ở World Cup 2010, thắng BĐN 4-0 ở trận mở màn World Cup lần này và giờ thì 7-1 trước Brazil.
Các anh có cho rằng chất lượng con người hiện tại của Brazil thật sự có vấn đề không? Họ đang đứng ở đâu? Tôi thấy đội hình Brazil hiện tại tương đối tầm thường, nhất là ở hàng tiền vệ.
Hà Quang Minh: Chất lượng đào tạo của Brazil đang có vấn đề. Họ thiên về kiểu cũ, huấn luyện những “siêu nhân” trong khi nền bóng đá bây giờ cần những cầu thủ “thông minh” hơn là khéo léo.
Lý Chánh: Có thể, làn sóng cầu thủ Brazil sang châu Âu từ sớm đã sớm triệt tiêu những tư chất riêng rất đặc thù của các cầu thủ Brazil. Oscar là một điển hình bị châu Âu hóa sau hai năm ở Chelsea.
Phạm An: Nếu là cách đây 10 năm, Neymar chỉ đáng ngồi dự bị hoặc thậm chí "đánh giày" cho các đàn anh, chứ không phải là người hùng dân tộc đến mức mà chấn thương là cả nước lo lắng, khóc thương.
Lý Chánh: Tôi nghĩ, cách đào tạo ở Brazil kiểu gì cũng cho ra lò các cầu thủ ham bóng. Quan trọng là môi trường kiếm sống làm ảnh hưởng đến lối chơi của họ như thế nào.
Như Neymar, dù không xuất sắc như các thế hệ trước, nhưng vẫn là cầu thủ chơi đậm chất Brazil nhất, và Neymar mới chỉ sang châu Âu một mùa thôi.
Hà Quang Minh: Chúng ta cũng nên xem lại trung tâm hàng tiền vệ Brazil. Các cầu thủ như Fernandinho-Luis Gustavo-Paulinho là những cầu thủ đang đá ở các CLB nào? Họ có đủ tầm lọt vào Top 10 tiền vệ trung tâm xuất sắc của các CLB châu Âu hiện nay không?
Phạm An: Cầu thủ Brazil kỹ thuật thật sự giờ không có nhiều, và đạt đến đẳng cấp thế giới là không có, đặc biệt là ở các vị trí tiền vệ tấn công. Họ không còn những người chuyền bóng, mà chỉ có những hậu vệ cánh và tiền đạo cánh.
Hà Quang Minh: Brazil bắt đầu khó kiếm sống quá, và cầu thủ Brazil sang châu Âu quá sớm nên họ học theo lối chơi châu Âu nhiều hơn. Anh Chánh có công nhận là từ khi sang Chelsea, Oscar bắt đầu Âu hóa nhiều hơn không?. Bắt đầu chú trọng đến pressing, tắc bóng hơn là những kỹ thuật cá nhân khác.
Lý Chánh: Đồng ý với An. Brazil chuyển hướng cũng vì trào lưu bóng đá thế giới chuộng các tiền vệ trung tâm thiên về cơ bắp, các đội bóng châu Âu cũng chọn mua các cầu thủ như thế. Điều đó cũng kích thích các cầu thủ trẻ Brazil chọn các vị trí này khi bắt đầu bước vào môi trường được đào tạo?
Phạm An: Còn các anh để ý các tiền vệ trung tâm Brazil mà xem: Thể hình của họ hợp với chạy marathon hơn là bóng đá, Ramires và Luiz Gustavo là những ví dụ điển hình.
Hà Quang Minh: Thực tế, chúng ta phải thấy là khi pressing lên ngôi, cơ bắp cũng lên ngôi và kỹ thuật cá nhân theo kiểu ngẫu hứng cũng bị xem nhẹ hơn.
“Brazil thực dụng vẫn phải giữ được linh hồn Samba”
Phạm An: Brazil có cần một cuộc cách mạng như người Đức đã làm hay không? Người Đức đã cần rất nhiều thời gian để dứt bỏ được cái tự hào về truyền thống tinh thần và lối chơi sắt thép của mình, khi nhận ra những hạn chế và lạc hậu của nó so với thời đại?
Lý Chánh: Tôi nghĩ, Brazil cần phải trở lại với truyền thống của mình: Đá kỹ thuật, phối hợp bật tường nhanh, và đột phá trung lộ. Tôi vẫn thấy đó mới là Brazil.
Phạm An: Nhưng sức ép đêm qua đã buộc Brazil phải tấn công và như đã thấy, họ đã sai lầm khi cố tấn công. Đêm qua, chỉ cần Brazil đá đúng với những gì họ có, thì chí ít, họ cũng có thể làm được như... Algeria.
Lý Chánh: Brazil đá như một đội bóng châu Âu với Fred to con ở trong vòng cấm chờ các quả tạt từ biên. Rõ ràng đá kiểu đó, Brazil không thể là mình, và nếu là một đội châu Âu thì họ không thể là đội bóng số 1 được nếu phải so với Đức, Hà Lan, hay thậm chí là Pháp.
Phạm An: Năm 1994, 2002 thật ra đều là những Brazil rất "châu Âu" đăng quang đó thôi, các anh?
Hà Quang Minh: Nhưng họ lại có các ảo thuật gia như Romario, Bebeto, Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo mà.
Lý Chánh: Nên nhớ là năm 1994, trên hàng công là cặp tiền đạo siêu hạng Bebeto-Romario, còn năm 2002 thì khỏi nói: Ronaldo-Ronaldinho-Rivaldo-Adriano.
Phạm An: Giờ thì chỉ còn Neymar và đến trận đêm qua thì đến Neymar cũng không còn. Vậy thì ít nhất, dù có xù xì đến mức nào, Brazil vẫn phải biết nhảy Samba, dù chỉ là nhón 1 ngón chân, phải không các anh?
Hà Quang Minh: Đúng thế. Brazil có thể thực dụng hơn, nhưng ít ra vẫn phải giữ được cái chất của họ, kỹ thuật siêu đẳng và sự ngẫu hứng. Mất đi những điều đó, Brazil chỉ là tầm thường trước các đội châu Âu mà thôi!
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags