(Thethaovanhoa.vn) - Khi Italy tỏ ra lúng túng trước các pha bứt tốc của Danny Welbeck và Daniel Sturridge nhắm vào hai cánh, Antonio Candreva lên tiếng bằng một cú sút xa. Cú đá không thành bàn. Nhưng đủ làm khổ Joe Hart. Và về mặt tâm lý, chắc chắn có tác động tích cực lên tuyển Italy.
Khi Italy vừa bị gỡ hòa, Candreva lại lên tiếng. Anh tạt bóng bằng chân trái không thuận cho Mario Balotelli đánh đầu ghi bàn. Trước đó, Candreva đã tạt 7 đường bằng chân phải trong hiệp Một. Nhưng đến hiệp Hai, thay vì dốc bóng rồi tạt bằng chân phải như thói quen, anh ngoặt lại bằng chân trái khiến toàn bộ hàng thủ tuyển Anh bất ngờ. Một lần nữa, Candreva tạo đột biến.
Pirlo điều chỉnh nhịp độ. Verratti phân phối bóng. De Rossi tranh chấp. Đó đều là những tiền vệ giỏi, những trụ cột và đều có vai trò rất nổi bật. Nhưng người tạo đột biến cho Azzurri là Candreva. Anh được HLV Cesare Prandelli giao nhiệm vụ đột phá và tạo những cú đấm bất ngờ bên cánh phải. Candreva hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng các pha chồng biên liên tục với Darmian và tạt bóng ngay khi có thể. Sự khôn ngoan của anh thể hiện ở chỗ, khi các pha xử lý đã tạo thói quen cho hậu vệ đội Anh, thì lập tức anh thay đổi theo cách đã nói. Đó là sự thông minh và tinh quái của cầu thủ này.
Ở đội Italy thời Prandelli, Candreva rất ít khi lên tiếng. Anh dường như không có "bạn" khi là cầu thủ Lazio duy nhất được ông Prandelli triệu tập dự World Cup 2014. Nhưng là cầu thủ Lazio tài năng nhất. Candreva là thủ lĩnh của Lazio 2 năm qua, từ thời HLV Petkovic cho đến Reja. Candreva chơi được mọi vị trí ở hàng tiền vệ, thậm chí cả tiền đạo cánh hoặc tiền đạo lùi. Tranh chấp giỏi. Tốc độ tốt. Sút xa siêu hạng. Sút phạt tuyệt vời... Vì thế, anh là tất cả những gì một đội bóng cần ở một tiền vệ.
Tại các kỳ giải lớn, tuyển Italy luôn trông đợi vào những ngôi sao ẩn mình như Candreva. Gần nhất là Diamanti tại Confederations Cup 2013, hoặc chính Candreva ở kỳ giải đó, giải đấu lớn đầu tiên anh được tham dự cùng đội tuyển. Xa hơn là Mario Balotelli, Antonio Cassano tại EURO 2012. Xa hơn nữa, Fabio Grosso tại World Cup 2006. Toto Schillaci ở World Cup 1990, hoặc Paolo Rossi tại World Cup 1982...
Bản thân lối chơi của Candreva đã tiềm ẩn sự bùng nổ rất lớn: Khi anh bất thần tăng tốc, hầu hết các hậu vệ không kịp trở mình để đua theo. Khi anh bất thần tung một cú sút xa nửa nẩy, các thủ môn chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Candreva có một vũ khí rất đáng sợ là sự ẩn mình. Pirlo sẽ được nói đến nhiều nhất. Mario Balotelli chắc chắn được tung hô sau bàn thắng hạ tuyển Anh. Nhưng ít ai nhớ rằng Candreva là người tạt bóng và đã xử lý tinh quái thế nào. Anh là họng súng giấu kín của Prandelli.
Gia Hưng
Tags