Bạn tự hỏi vì sao kẻ gian biết số điện thoại hay thông tin cá nhân của mình để gọi điện với ý định lừa đảo. Không ai khác, chính bạn là người đã cho chúng biết.
Mối họa đằng sau chiếc điện thoại vứt đi
Theo các chuyên gia bảo mật, rác thải điện tử như những chiếc laptop, điện thoại cũ khi vứt ra ngoài bãi rác hoặc bán cho cửa hàng cũ có thể gây ra mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với chính chủ sở hữu, khi kẻ gian có thể lấy cắp thông tin cá nhân trên các thiết bị này.
Theo Kurt Gruber, giám đốc sáng lập của công ty dọn dẹp trên môi trường mạng WV Technologies, những thứ được tìm thấy trên các thiết bị cũ "tồi tệ hơn những gì có thể tưởng tượng".
Trong các thiết bị cũ mang đi tiêu hủy, công ty này tìm thấy toàn bộ bảng tính Excel có tên, địa chỉ, số điện thoại di động và chi tiết thẻ tín dụng cá nhân được các nhà bán lẻ lớn lưu lại, cũng như mã báo động của hàng chục cửa hàng từ một công ty.
"Chuyện này quá quen thuộc và chúng tôi không bất ngờ với điều đó", Gruber nói.
Nghiên cứu được thực hiện bởi công ty tư vấn PwC, cùng với WV Technologies, cho thấy có nguy cơ vi phạm dữ liệu lớn xuất phát từ việc xử lý rác thải điện tử không đúng cách.
PwC đã mua một chiếc điện thoại di động và máy tính bảng với giá dưới 50 USD từ một nhà bán đồ cũ để xem tìm được những gì. Tác giả báo cáo Rob Di Pietro đã mô tả kết quả là "gây sốc".
Họ có thể truy xuất 65 mẩu thông tin nhận dạng cá nhân (PII) từ điện thoại, trong khi máy tính bảng của một công ty chứa ghi chú có thông tin đăng nhập để truy cập vào cơ sở dữ liệu 20 triệu bản ghi PII nhạy cảm.
Chất thải điện tử mỗi năm đang tăng lên nhanh chóng với khối lượng chất thải điện tử toàn cầu sẽ vượt quá 70 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
WV Technology ước tính rằng cứ 250 ổ cứng rơi vào tay họ thì có một ổ không được xóa đúng cách, chính điều này đã góp phần tiếp tay cho tội phạm mạng uy hiếp người dùng.
"Không phải ngẫu nhiên khi bạn trở thành đối tượng của các cuộc tấn công ransomware ngẫu nhiên hoặc là cuộc gọi, email lừa đảo, bởi tin tặc biết thông tin về bạn", Di Pietro cho biết.
Chuyên gia này tin rằng "rất có thể" các cuộc tấn công mạng được thực hiện từ dữ liệu tìm thấy trên các thiết bị cũ vì bọn tội phạm đi theo con đường "dễ nhất" để thực hiện các hoạt động của chúng.
"Thay vì gặp rắc rối khi cố gắng xâm nhập vào hệ thống để đánh cắp danh tính, chúng có thể làm điều đó chỉ với giá 20-30 USD trên các gian hàng đồ cũ. Tội phạm mạng có khả năng sẽ theo đuổi các thiết bị cũ được bán trên mạng".
Làm gì trước khi vứt bỏ đồ công nghệ?
Để tránh nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân trước khi vứt bỏ máy tính hay điện thoại, hãy thực hiện các bước sau đây.
Đầu tiên, hãy đảm bảo đã sao lưu mọi thứ bạn cần. Những thông tin sao lưu có thể bao gồm các tập tin quan trọng của công ty, dữ liệu cá nhân như danh bạ, hình ảnh, tin nhắn và nhật ký cuộc gọi.
Bạn có thể sao lưu trên đám mây bằng cách sử dụng Google Photos, Google Drive, OneDrive của Microsoft, DropBox hoặc bất kỳ dịch vụ đáng tin cậy nào hoặc có thể chuyển sang ổ cứng ngoài hay SSD.
Tiếp theo, đăng xuất khỏi tất cả các ứng dụng và tiện ích đang có tài khoản. Khôi phục cài đặt gốc sẽ xóa mọi thứ trên điện thoại thông minh nhưng không đăng xuất khỏi tài khoản như Google.
Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đăng xuất khỏi tất cả các tài khoản Google và các tài khoản trực tuyến khác trước khi thực hiện khôi phục cài đặt gốc. Điều này cũng làm tương tự trên máy tính. Hãy đảm bảo thoát hết các tài khoản sau đó xóa dữ liệu.
Với máy tính, cách an toàn duy nhất để dọn dẹp sạch mọi dữ liệu là định dạng lại ổ cứng. Quá trình này tốn nhiều thời gian nhưng cần thiết trước khi bạn vứt bỏ máy tính hoặc bán cho ai đó. Đừng quên kiểm tra và tháo thẻ nhớ.
Cẩn thận một cách tối đa, sau khi định dạng lại ổ cứng, hãy cài đặt lại hệ điều hành để thiết bị trở về nguyên bản. Lúc này, bạn có thể gần như không còn lo ngại dữ liệu cá nhân rơi vào tay kẻ xấu.
Tags