(Thethaovanhoa.vn) - Ngày nào cũng ăn cá sống và uống một ngụm nước biển – đó là cẩm nang để sống sót khi bị đắm tàu của Alain Bombard. Dĩ nhiên chẳng ai tin. Và người Pháp đó đã lấy chính mình làm “chuột bạch” cho cuộc thí nghiệm độc nhất vô nhị trên thế gian: Một mình vượt Đại Tây Dương trên một chiếc xuồng cao su.
- Video màn trình diễn ngoạn mục của tàu sân bay Mỹ trên Đại Tây Dương
- Lắp cáp quang siêu nhanh xuyên Đại tây Dương, Facebook sẽ thống trị thế giới
Ông hạ quyết tâm là chẳng sợ gì cả. Vì trước khi kiệt sức hay chết đói, chết khát, thì người ta bị nỗi sợ giết chết - đó là niềm tin của Allain Bombard.
Sức người không vô hạn
Nỗi sợ chính là kẻ thù lớn nhất của con người trong những hoàn cảnh tưởng như không lối thoát. Chẳng hạn như bị chìm tàu giữa đại dương và bám được vào thuyền cứu hộ, nhưng không rõ mình đang ở đâu và có tình cờ tàu thuyền nào đó xuất hiện, trước khi ta làm mồi cho cá?
Và cuộc thí nghiệm điên rồ này thực ra cũng chỉ để Bombard chứng minh sẽ sống sót nhờ sức mạnh tinh thần, khi con người lênh đênh giữa đại dương, cô đơn và không có gì trong tay ngoài những món quà của thiên nhiên: Cá, rong biển, nước mặn.
Nhưng sau 49 ngày trên chiếc xuồng cao su không ngừng lắc lư ngọn sóng, nhỏ xíu như vỏ đỗ giữa trời và đất, thì Allain Bombard tiếp xúc được với chính đối thủ mà ông muốn chế ngự: Nỗi sợ.
“Tôi bị tiêu chảy khủng khiếp, liêc tục đi ngoài ra máu, mất toàn bộ sức lực” - Bombard ghi nhật kí hôm 5/12/1952. “Tôi hầu như không dám ăn gì. Nếu cứ tiếp tục thế này thì tôi sẽ chết trước khi được một con tàu nào đó tìm thấy. Tôi hoang mang vô cùng, tôi không rõ mình đang ở đâu”.
Một đêm kinh hoàng trôi qua. Và khi bình minh hửng lên, ông ngồi viết di chúc giữa biển khơi. “Những kinh nghiệm mà tôi thu thập được, chúng có giá trị 50 ngày. Không nạn nhân đắm tàu nào được mất hi vọng sớm hơn - chỉ vì tôi đã chết” - bác sĩ Bombard bướng bỉnh ghi lại những suy nghĩ cuối đời - “50 ngày có lẽ là giới hạn của sức người”.
Lý sự ngang phè?
Có vẻ như đã đến lúc rút ra kết luận là một trong những thí nghiệm liều lĩnh nhất trong lịch sử y học đã thất bại thảm hại. Gã bác sĩ Pháp, ngay ở quê nhà đã bị đồng bào mình cho là tâm thần nặng, phải chăng sẽ được nhắc đến trong sách giáo khoa ngành y như một ví dụ bi thảm?
Khi Allain Bombard lần đầu đăng báo luận điểm của mình, đa số bạn đọc và các đồng nghiệp của bác sĩ trẻ ấy cho rằng Bombard nông nổi phổi bò. Mọi sách giáo khoa và cẩm nang đi biển đều tuyệt đối cấm uống nước mặn, vì nồng độ muối cao sẽ rút nước từ các tế bào và làm cơ thể chết khát từ bên trong. Ai từng đi biển hoặc hỏi các thủy thủ già dặn kinh nghiệm, sẽ biết ngoài khơi xa rất ít khi thấy cá.
Một mình một chiến tuyến, Alain Bombard đặt vấn đề khác hẳn: “Nạn nhân đắm tàu làm gì để chế ngự sự tuyệt vọng - vốn dĩ sẽ giết họ nhanh hơn và chắc chắn hơn là những lý do vật lý nào đó?”.
Một trong những ý phản biện mà ai cũng biết: Chẳng ai nhét tinh thần vào dạ dày để sống cả. Ngày đi làm, tối về là Bombard nghiên cứu mọi báo cáo về tai nạn tàu thủy, tìm các mẹo để sống sót. Rốt cục ông đưa ra một luận cứ táo bạo: Mỗi người đắm tàu được phép uống 0,9 lít nước biển hằng ngày, cùng với nước ép từ cá sống, vì trong cá có ít muối hơn nước biển. Và có thể phòng chứng bệnh scorbut (thiếu vitamin C do đi biển lâu ngày) bằng cách ăn sinh vật phù du trôi nổi.
Lên đường
Một ngày đẹp trời Bombard bắt đầu uống nước biển trộn… bia, và thấy không đến nỗi nào! Sau đó ông mua một chiếc xuồng cao su dài 6 mét để thử trải nghiệm đắm tàu.
Bombard tự tin đặt tên nó là “L'Hérétique” - “Kẻ dị giáo”: Giordano Bruno đã sẵn sàng lên giàn lửa, chứ không rời bỏ ý định mở rộng Thuyết Nhật tâm với vầng Thái dương làm trung tâm vũ trụ.
Ngày 25/5/1952, Allain Bombard cùng người bạn Jack Palmer người Scotland rời bờ biển Monaco. Dòng chảy và gió, theo dự tính, sẽ đẩy chiếc xuồng có buồm đến quần đảo Baleares. Nhưng vạn sự khởi đầu nan: Mấy ngày liền đôi bạn không câu được lấy một con cá duy nhất! Sau hai tuần Bombard buộc phải vẫy một con tàu đi ngang qua để xin nước ngọt và đồ hộp. Trung tuần tháng 6 họ cập đảo Menorca thuộc Tây Ban Nha.
Báo chí đăng rùm beng vụ này, nhưng không theo ý Bombard: Không ai tin thí nghiệm này thành công, và nhà tài trợ quan trọng nhất cắt hợp đồng, khiến nhiệt tình của người bạn đối với giai đoạn 2 - vượt Đại Tây Dương từ Morocco - giảm sút hẳn.
Bombard điên tiết: “Ai muốn thành công thì phải tin vào thành công. Tạm biệt Jack!”. Ông đi dọc mép nước đến Casablanca, nghỉ lấy hơi vài hôm rồi ra khơi. Vận may có vẻ mỉm cười với ông.
26/8: “Bắt cá lúc hoàng hôn - tuyệt vời.”
27/8: “Trừ hôm Chủ nhật, mỗi ngày tôi đi được 60 hải lý.”
31/8: “Ngày nào cũng câu được cá thu to. Đã quen dần, thấy cá sống rất ngon. Nước biển ở đây ngon hơn Địa Trung Hải, nhạt hơn, trị khát tốt”.
Sinh nhật buồn thảm
Rồi cũng đến lúc Bombard, vốn không hề thạo kĩ năng hoa tiêu trên biển, thấy nghi ngờ. “Thường là tôi không rõ mình đang ở đâu”. Tuy nhiên đến đầu tháng 9 thì ông tới Gran Canaria và thấy lạc quan trở lại. Được tin con gái chào đời, ông bay vội về Pháp thăm vợ con, rồi từ 19/10 lại ngồi trong xuồng cao su, trước mặt còn 4.000 cây số Đại Tây Dương và cuộc chiến chống lại sự cô đơn khủng khiếp.
Mấy cuốn sách của Molière, Nietzsche và Rabelais đã đọc xong, đài thu thanh cạn pin, và mấy tuần liền không hề thấy tàu bè nào ở đường chân trời. Sau những giờ lê thê độc thoại, Bombard bắt đầu nản chí. “Sự cô đơn” - ông viết nhật ký - “có thể giết ta”. Ngày 27/10 là sinh nhật thứ 28 của Bombard: “Chưa bao giờ tôi trầm cảm đến thế”. Ông luôn tay làm gì đó để quên buồn, xắt cá thành miếng nhỏ và ép nước qua lớp vải sơ mi. Hoặc tự bắt mạch, kiểm tra nước tiểu và phân. Cứ chợp mắt là lại mơ đến bàn ăn trĩu nặng sơn hào hải vị, rượu bia như suối…
Nhưng tệ nhất là sự phấp phỏng: “Tôi rời bờ biển 40 hải lí rồi, hay đã 600?”, ông viết hôm 1/12. Một tuần sau ông thấy một tàu chở hàng và muốn bỏ cuộc. Các thủy thủ cho biết là ông đã tính sai 10 độ kinh tuyến và thương hại đãi ông một bữa hoành tráng. Tuy nhiên sau 2 tiếng Bombard lại về xuồng: “Thí nghiệm của tôi nhằm cứu mạng người, tôi phải thành công!”.
Hai tuần sau, hòn đảo Barbados hiện ra, và Bombard lên bờ như một anh hùng dân tộc của Pháp. Ông giảm đi 25 cân dọc đường, sau này phải phẫu thuật xương sống, “nhưng tôi đã chiến thắng đói và khát trên biển. Đại dương cho ta đủ đồ ăn và thức uống!”.
Hannes Lindemann, một bác sĩ Đức, hết sức khâm phục Bombard. Ông vượt Đại Tây Dương hai lần bằng thuyền bọc bạt và thuyền độc mộc! Ông xác nhận nỗi cô đơn thê thảm, và cả quyết: Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất để sống sót. Tuy nhiên Lindemann đem theo đủ nước ngọt dự trữ. Ông cho biết bị phù ngay sau mấy ngày uống nước biển!
Bombard chỉ là huyền thoại? Không ai biết được. Nhưng Bombard bằng xương bằng thịt đã một mình vượt Đại Tây Dương bằng xuồng cao su nhỏ xíu để bảo vệ một luận chứng khoa học. Và ông xứng đáng được đồng nghiệp cũng như đồng bào của ông gửi gắm lòng tin.
Lê Quang
Tags