Vườn hoa mang tên Đại tướng trên đảo Sơn Ca

Thứ Bảy, 26/11/2016 11:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trên đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa), hòn đảo có cái tên thật đẹp, có vườn hoa đặc biệt mang tên: Khuôn viên Võ Nguyên Giáp. Trong vườn trồng năm cây tra, hai cây dừa, một cây phong ba và rất nhiều loài hoa đẹp.

Đặc biệt, vườn có một cây kim giao trong vườn nhà Đại tướng (ở 30 - Hoàng Diệu, Hà Nội). Cây kim giao đã đi trên chuyến tàu cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và do sư thầy Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa đích thân mang ra đảo Sơn Ca.

Nơi tạo thêm sức mạnh

Khi đoàn chúng tôi vừa đặt chân lên cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca, Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca đã dẫn ngay đến vườn hoa để được tận mắt chiêm ngưỡng “cây kim giao ở vườn Đại tướng” đang được ươm trồng.

Trung tá Đỗ Thế Tuyến cũng kể ngay với thủ trưởng đoàn công tác rằng: Cây kim giao đang được chăm sóc theo "chế độ" đặc biệt, nghĩa là chiến sĩ trên đảo có thể thiếu nước dùng, nhưng cây vẫn được "uống" nước hằng ngày.


Một góc Khuôn viên Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca

Không chỉ cây kim giao, cả khu vườn cũng được chăm sóc đặc biệt bởi hệ thống nước tận dụng dẫn từ các khu vực tới để tưới cây. Trong khi vườn hoa được xây dựng, mỗi cán bộ chiến sĩ về đất liền công tác, khi ra đảo đều góp công sức để làm đẹp bằng cách mang theo những cây hoa, hạt giống...

"Khuôn viên Võ Nguyên Giáp" rộng khoảng 100m2 nhìn ra phía biển, nằm ở bên trái đường vào sở chỉ huy đảo, được các chiến sĩ xây dựng và hoàn thiện trong 103 ngày công để tỏ lòng tưởng nhớ vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài tấm biển đề khuôn viên, ngay bên trái lối vào vườn hoa còn có khẩu hiệu: “Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca ra sức học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Vườn hoa rợp mát bóng bàng vuông, bóng dừa, với những chậu cây sanh, những khóm hoa vàng, đỏ, trắng... nhiều màu đẹp mắt được các chiến sĩ chăm sóc, uốn tỉa hàng ngày. Sau giờ làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ thường vào ghế đá trong vườn nghỉ ngơi, nói chuyện tâm tình, đọc sách.


Đoàn công tác được đảo trưởng Đỗ Thế Tuyến giới thiệu về cây kim giao trong vườn Đại tướng

Đêm xuống, cũng như nhiều khu vực trên đảo, toàn bộ vườn hoa được chiếu sáng bởi ánh điện gió, điện mặt trời.

Sơn Ca là đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa có sáng kiến làm một khu vực riêng tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đây, mô hình này đang được nhân rộng ra các đảo tiếp theo.

Cùng với Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài Trần Hưng Đạo, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Vườn hoa mang tên Đại tướng không chỉ đơn thuần là những địa chỉ văn hóa, tâm linh, mà còn là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, nơi tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho các cán bộ, chiến sỹ và các thế hệ người dân trên quần đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Phải nói rằng, chính nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cũng như cả nước đang ngày đêm làm đẹp thêm những công trình truyền thống đó.

Những viên gạch chủ quyền

Cũng  trên đảo Sơn Ca, lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy những viên gạch chủ quyền in hình quốc huy nước CHXHCN Việt Nam. Theo Trung tá Bùi Xuân Lệ, đây là những viên gạch được thiết kế rất dày và nặng dùng để xây dựng các công trình mới trên các hòn đảo chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa mấy năm gần đây.


Xây những viên gạch chủ quyền trên đảo Sơn Ca

Trên đảo Sơn Ca, ngoài vườn hoa Đại tướng, một ngôi chùa mới cũng vừa được xây dựng xong. Những viên gạch còn lại được các chiến sỹ tận dụng lát sân, xây thêm những bậc tường hoa cho đẹp.

Cầm trên tay một viên gạch này, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, người 4 lần ra Trường Sa kể rằng: “Khi khai quật Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ phát hiện ra những viên gạch đời Lý có hình con rồng  Lý, lá đề - một đặc trưng tiêu biểu của mỹ học đời Lý. Sang đến đời Trần, nhiều mô - típ hoa văn hoa sen, hoa cúc...  xuất hiện trên gạch được cách điệu. Thời Lê, gạch lại dập nổi chữ lên trên. Thời Mạc cũng đều có hình hoa văn, muông thú trên gạch. Thời Nguyễn lại có nhiều kiểu gạch phong phú. Đa phần thời nào cũng để lại dấu ấn mỹ học trên gạch lát nền và các vật liệu xây dựng. Cũng như ở đảo Sơn Ca này, những viên gạch có hoa văn thường để trơ ra không trát vữa hay xi măng lên trên...”.

“Thời gian sẽ phủ lấp những viên gạch này, nhưng sau này con cháu chúng ta có đào lên được sẽ xác định được niên đại của gạch và thêm tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Ý nghĩa sâu sắc của viên gạch chủ quyền thời nay là thế” – nữ họa sĩ xúc động - “Mỗi viên gạch nhỏ bé ở Trường Sa hôm nay đang mang trong mình hình hài Tổ quốc là ý thức khẳng định chủ quyền biển đảo, đồng thời đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam”.

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›