Thế giới cờ vua đang xôn xao khi Magnus Carlsen, kỳ thủ số một thế giới được mệnh danh là "Vua cờ", khuấy động sự chú ý bởi những quyết định gây sốc.
Từ vụ việc vi phạm quy định trang phục tại Giải cờ nhanh và cờ chớp thế giới 2024 (World Rapid & Blitz Championship 2024) đến quyết định chia sẻ danh hiệu vô địch cờ chớp cùng bạn thân Ian Nepomniachtchi, những động thái của Magnus Carlsen đang làm dấy lên nhiều tranh cãi về sức ảnh hưởng quá lớn của anh trong môn thể thao trí tuệ này.
Từ chiếc quần jeans đến chức vô địch bị chia sẻ
Ngày 27/12, Magnus Carlsen (sinh ngày 30/11/1990) bước vào Giải cờ nhanh và cờ chớp thế giới 2024 ở New York trong trang phục quần jeans và áo sơ mi. Tuy nhiên, quy định của Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) nghiêm cấm các kỳ thủ mặc quần jeans tại các giải đấu chính thức. Khi bị phát hiện, Carlsen được yêu cầu thay quần áo để tuân thủ quy định và nộp khoản tiền phạt 200 USD. FIDE đồng thời không sắp xếp cho Carlsen đánh vòng 9 nội dung cờ nhanh vì anh đã vi phạm quy tắc trang phục.
Carlsen phản ứng với FIDE, gọi quy tắc của cơ quan này là "vấn đề về nguyên tắc". Đồng thời, anh tuyên bố rút lui khỏi nội dung cờ chớp diễn ra từ ngày 30/12 đến 31/12 ở cùng địa điểm. Sau quyết định đầy bất ngờ của Carlsen, FIDE có động thái nhượng bộ. Đích thân Chủ tịch FIDE Arkady Dvorkovich đàm phán với "Vua cờ" người Na Uy, quyết định nới lỏng quy định trang phục. FIDE trong thông báo cho biết cơ quan này sẽ "thử nghiệm cách tiếp cận mới" linh hoạt hơn trong việc đánh giá sự phù hợp của trang phục thi đấu. Các kỳ thủ vẫn được yêu cầu tuân thủ quy định chung về trang phục chính thức, nhưng những sai sót nhỏ như mặc quần jeans mà vẫn đảm bảo phù hợp vẫn được cho phép.
Ngay sau cuộc trò chuyện "có kết quả" với Chủ tịch FIDE, Carlsen xác nhận trở lại thi đấu ở nội dung cờ chớp giải vô địch thế giới. Sự việc này không chỉ khiến người hâm mộ đặt câu hỏi về quy định của FIDE mà còn làm bùng lên tranh cãi về cách Carlsen thách thức tổ chức này. Nhiều người cho rằng sự thay đổi này là minh chứng cho sức ảnh hưởng vượt trội của Carlsen đối với FIDE.
Trong một video trên YouTube, đại kiện tướng người Mỹ Hans Niemann đã gián tiếp công kích Carlsen, cho rằng tranh cãi ở New York có lợi cho dự án Freestyle Chess Tour của kỳ thủ Na Uy.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Ngày 31/12, Carlsen và bạn thân Ian Nepomniachtchi quyết định chia sẻ danh hiệu vô địch cờ chớp thế giới sau khi hòa 3 trận liên tiếp trong loạt đấu sinh tử. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cờ vua thế giới.
Sự việc trở nên phức tạp hơn khi một đoạn video hậu trường lan truyền cho thấy Carlsen và Nepomniachtchi thảo luận về việc "chơi những trận hòa ngắn cho đến khi FIDE chấp nhận để họ cùng chia sẻ danh hiệu". Điều này dẫn đến cáo buộc "dàn xếp tỷ số", làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của giải đấu. Trước áp lực từ dư luận, Carlsen lên tiếng giải thích những gì anh nói với Nepomniachtchi chỉ là "trò đùa", nhưng lý lẽ đó không đủ thuyết phục cộng đồng yêu cờ vua đang lên án mạnh mẽ những gì đang xảy ra ở giải đấu lớn nhất thế giới.
Kỳ thủ người Ấn Độ Srinath Narayanan không giấu được sự bất bình, gọi đây là "hành động sai lầm ở nhiều cấp độ, cho thấy Magnus đã sử dụng sức ép để buộc FIDE phải chấp nhận quy định theo ý anh ấy".
Người đổi mới hay kẻ gây tranh cãi?
Thực tế, vấn đề nằm ở hệ thống quy tắc của FIDE. Quay ngược lại thời gian, lịch sử cờ vua đã chứng kiến một trận đấu cân tài cân sức hiếm có giữa hai kỳ thủ Karpov và Kasparov (1984-1985). Họ đã đối đầu tới 5 tháng ở Moskva mà vẫn bất phân thắng bại. Trận đấu chỉ tạm khép lại do lo ngại về vấn đề sức khỏe của Karpov. Một năm sau, trận đấu tái khởi động để tìm ra nhà vô địch.
Khi Carlsen đấu với Ian Nepomniachtchi, trải qua loạt đấu sinh tử nhưng liên tiếp có kết quả hòa, đó cũng là lúc sắp tới thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới. Đề xuất của Carlsen không hề phi lý, trong bối cảnh các kỳ thủ, ban tổ chức, khán giả đều đứng trước nguy cơ bỏ lỡ khoảnh khắc giao thừa. Điều cần nhìn nhận lại ở đây là sự cần thiết phải thay đổi quy tắc tie-break của FIDE. Trong khi nhiều giải đấu khác sử dụng Armageddon (quy tắc tàn cuộc) - ván đấu duy nhất để phá vỡ thế trận hòa trong loạt tie-break để tìm ra người chiến thắng một cách nhanh chóng hơn, FIDE vẫn chưa áp dụng phương thức này. Sự thiếu rõ ràng trong các quy tắc đã tạo điều kiện cho những tình huống bất ngờ xảy ra.
Về phía Carlsen, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của anh với làng cờ vua thế giới.
Là đại kiện tướng ở tuổi 13, Carlsen trở thành kỳ thủ số một thế giới năm 2011 và giành chức vô địch thế giới đầu tiên vào năm 2013 trong bộ sưu tập 5 danh hiệu. Cho tới nay, hơn 10 năm trôi qua, Carlsen vẫn giữ vị thế đỉnh cao. Sức ảnh hưởng của anh được đánh giá hơn cả những huyền thoại như Garry Kasparov của Nga và Bobby Fischer của Mỹ.
Nhưng những năm gần đây, động lực giành danh hiệu của Carlsen dường như đã giảm dần. Thay vào đó, anh tập trung vào việc đưa cờ vua đến gần hơn với khán giả đại chúng, định hình lại cách người hâm mộ tương tác và thưởng thức môn thể thao này.
Năm 2014, Carlsen đã hợp tác để cho ra mắt Play Magnus, ứng dụng mang lại cho người chơi cơ hội đấu với một công cụ cờ vua mô phỏng phong cách của chính Carlsen. Sau nhiều năm phát triển, Play Magnus đã trở thành một hệ sinh thái ứng dụng lớn và được Chess.com - trang web cờ vua lớn nhất thế giới, mua lại với giá 80 triệu USD vào năm 2022.
Carlsen tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình trong làng cờ vua bằng việc ra mắt ứng dụng mới Take Take Take vào năm 2022, kết hợp cùng công ty Fantasy Chess. Với sự ra mắt của ứng dụng Take Take Take, Carlsen mang đến một cách tiếp cận mới mẻ để theo dõi và hiểu các trận đấu cờ vua. Ứng dụng này không chỉ cung cấp tính năng xem trực tiếp mà còn giải thích các trận đấu theo cách đơn giản, dễ tiếp cận hơn. "Đây sẽ là một không gian với bầu không khí thoải mái hơn, giúp mọi người cảm nhận cờ vua một cách gần gũi", Carlsen chia sẻ.
Bên cạnh đó, Carlsen còn quảng bá biến thể Chess960 (hay cờ vua Fischer Random), nơi các quân cờ được xếp ngẫu nhiên, nhằm tạo ra sự sáng tạo và loại bỏ các khai cuộc quen thuộc. Những sự kiện như Freestyle Chess G.O.A.T. Challenge do Carlsen hợp tác tổ chức đã cho thấy tiềm năng của biến thể này trong việc làm mới chiến thuật và tăng tính hấp dẫn cho người xem. Carlsen và doanh nhân người Đức Jan-Henric Buettner còn lên kế hoạch mở rộng sự kiện thành giải đấu chính thức mang tên Freestyle Chess Grand Slam Tour, với khoản đầu tư 12 triệu USD.
Xuyên suốt nhiều năm liền, mọi sáng kiến của Carlsen đều hướng tới mục tiêu đổi mới để thu hút khán giả. Anh và đội ngũ của mình tin rằng với công nghệ hiện đại và những thay đổi mang tính sáng tạo, cờ vua có thể vượt ra khỏi phạm vi của một trò chơi trí tuệ để trở thành một môn thể thao giải trí được yêu thích trên toàn thế giới. Với những người phản đối, họ e ngại rằng sức ảnh hưởng đang ngày càng quá lớn của Carlsen sẽ làm suy yếu vị thế của FIDE. Trong khi đó, những người ủng hộ tin rằng "Vua cờ" đang muốn tạo nên sự thay đổi vì sự phát triển của môn thể thao trí tuệ này.
Sau chức vô địch thế giới là hôn lễ
Carlsen (34 tuổi) chuẩn bị bước sang một chương mới trong cuộc đời khi sắp kết hôn với bạn gái lâu năm, Ella Victoria Malone (26 tuổi). Họ đã xác nhận tin vui này với người bạn thân Magnus Barstad.
Theo thông tin được tiết lộ, lễ cưới dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần tới. Tuy nhiên, cả Carlsen và Malone đều quyết định không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể, với mong muốn ngày trọng đại của họ diễn ra trong không khí yên bình và riêng tư.
Ella Victoria Malone, vị hôn thê của Carlsen, có bố là người Mỹ, mẹ là người Na Uy nhưng lớn lên ở Singapore. Hiện tại, Ella và Carlsen sống cùng nhau tại khu vực Tjuvholmen, Oslo, nơi "Vua cờ" sở hữu một trong những bất động sản của mình.
Tags