Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó

Thứ Hai, 23/10/2023 18:32 GMT+7

Google News

Coi mỗi cuộc triển lãm là một dấu mốc chuyển mình, họa sĩ Vũ Thái Bình vẫn cho thấy sức sáng tạo bền bỉ với giấy dó trong suốt hơn 20 năm qua. Mới nhất, anh trình làng triển lãm cá nhân Sắc dó 4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm trưng bày 20 tác phẩm với những mảng màu trầm ấm, mượt mà, nhưng mạnh mẽ, sắc nét. Những tác phẩm được trưng bày lần này cho thấy "độ chín" trong kỹ thuật làm chủ chất liệu giấy dó của Vũ Thái Bình.

Bền bỉ với dó

Hơn 2 thập niên một lòng dành cho dó, mỗi lần "nhô ra" lại thấy Vũ Thái Bình khác hơn, với những khám phá mới mẻ. Anh trưởng thành hơn với cái tôi ngày một sáng rõ trên hành trình chinh phục dó qua mỗi triển lãm.

Hành trình ấy bắt đầu từ năm 2016 như một dấu ấn chạm ngõ, sau nhiều thử nghiệm, Vũ Thái Bình tự tin với thành quả ở triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Sắc dó. Ở thời điểm này, tranh của anh chủ yếu là ký họa phong cảnh mang màu sắc trữ tình với khổ tranh nhỏ. Bức lớn nhất cũng chỉ khoảng 40 x 60cm.

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 1.

Họa sĩ Vũ Thái Bình

Đến năm 2018 với triển lãm Sắc dó 2, Vũ Thái Bình tiếp tục thay đổi với những khám phá mới mẻ về ý thức cái tôi nghệ thuật. Tiếp tục hành trình khai mở bản thân qua triển lãm Sắc dó 3 (2021), cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ với tính cá nhân nổi bật, rõ ràng hơn.

Đến Sắc dó 4, qua nhiều trải nghiệm trong đời, Vũ Thái Bình muốn kể câu chuyện của riêng mình nhiều hơn. Anh cho biết, "Đây là một câu chuyện lớn, ghi chép đầy đủ những câu chuyện nhỏ mà tôi đã kể trên quãng hành trình thăng trầm cùng giấy dó".

Ở những sáng tác mới nhất, thay vì chỉ ghi lại thật nhanh cảm xúc về những hình ảnh cũ kỹ của góc bếp, nếp nhà, hoặc những cảnh vật thiên nhiên từ nơi thôn dã đến miền sơn cước như vẫn thấy, anh còn có những hình tượng giàu suy tưởng từ những khoảnh khắc biến chuyển theo thời gian.

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 2.

Không gian triển lãm Sắc Dó 4 của Vũ Thái Bình

Đứng trước tác phẩm Mùa cây thay lá 3 (2021), Vũ Thái Bình bày tỏ: "Bức tranh vẽ rất đơn giản chỉ là những cành cây trơ trụi vào mùa thay lá. Thế nhưng với tôi, những luồng ánh sáng chiếu vào những cành cây đan vào nhau như những nốt nhạc len lỏi đầy sống động. Hơn thế, nó còn là một vòng tuần hoàn của sự sống".

"Hết mùa rụng lá, sau lớp cành cây khô khốc, khẳng khiu kia ẩn chứa một sức sống mãnh liệt của vô vàn những chồi non. Màu sắc, đường nét tạo ra một sức cảm riêng khác mà không đơn thuần là những câu chuyện được kể cụ thể. Đó là những cảm xúc và trải nghiệm đặc biệt với tôi".

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 3.

Tác phẩm “Mùa cây thay lá 3” (2021, 79 x 119cm)

Anh nói thêm: "Mỗi cuộc triển lãm của tôi như một lần đánh dấu sự thay đổi trên hành trình chinh phục và sáng tạo với giấy dó. Trên hành trình ấy, mỗi giai đoạn lại có những câu chuyện, những cảm xúc khác nhau để kể, để đặt vấn đề".

"Thời điểm của Sắc dó, Sắc dó 2 là những câu chuyện đơn giản về những hình ảnh cũ kỹ được vẽ ra như một cách để ghi lại thời gian, mà tính cá nhân chỉ mới chớm xuất hiện, chưa bộc lộ rõ… Chỉ đến khi Sắc dó 3 mới bắt đầu có những câu chuyện cá nhân khác đi. Và đặc biệt ở thời điểm hiện tại với Sắc dó 4, qua tất cả những thứ đã trải qua, tôi muốn kể câu chuyện của riêng mình như một bản nhạc có nốt thăng, nốt trầm".

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 4.

Tác phẩm “Chuông gió” (2023, 75 x 105cm)

Mượn dó thả tình chi?

Thế nhưng xem tranh giấy dó của Vũ Thái Bình từ Sắc dó cho đến Sắc dó 4, dễ thấy dù với cách đặt vấn đề nào đi chăng nữa thì những câu chuyện vẫn luôn trực diện và không đánh đố người xem.

Bởi anh quan niệm: "Tranh là người. Con người tôi không thích sự loằng ngoằng. Tranh của tôi cũng vậy, không đánh đố. Đó cũng là thế mạnh của tôi. Tôi không làm khác đi được. Vì tôi tin nếu làm khác mình, không phải là mình, thì không thể đi xa".

Sắc dó 4 vẫn gặp những hình ảnh bình dị và thân thương đến lạ. Đó là bình vôi nhuốm màu thời gian, là góc bếp đỏ lửa ấm ngày Đông sang, là nếp nhà len lỏi khói bay bên nhành cây mùa thay lá, là ruộng bậc thang ngút ngàn mùa nước đổ, là cơn giông miền biển cặm cụi những tần tảo…

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 5.

Tác phẩm “Cơn giông” (2023, 40 x 110cm x 3)

Còn nhiều hơn thế những cảnh, rồi vật, rồi người cứ hiện lên nhẹ bỗng, nhưng tự tình biết mấy. Đúng như họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cảm thán rằng: "Dó Việt đâu còn là dó của ngày hôm qua. Vũ Thái Bình vật vã hay lặng thinh, ngọn bút vẫn mượt mềm muôn nét lạ. Đĩa màu xin thiên nhiên, bút vội vàng sợ nhạt. Vũ Thái Bình mượn dó thả tình chi?"…

Chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh: "Dó Việt cứ phơ phất đấy, mà ai được duyên thì người ấy được. Bởi vậy mà Vũ Thái Bình, cho đến hôm nay đã là Sắc dó 4. Mỗi lần anh nhô ra lại một lần gây bất ngờ cho đồng nghiệp".

"Cuộc sống bình dị của người Việt muôn đời khó cũ và tôi nghĩ rằng dường như hồn dó, hồn Việt đã được Vũ Thái Bình cất giữ. Bởi vậy tranh dó của anh cũng như tiếng lòng của bất cứ một người Việt Nam nào. Ở Bình, không phải là kỹ thuật vẽ giấy dó, mà là xúc cảm, cách nhìn, cũng như sự rung động của ngọn bút khi xử lý trên mặt dó. Mềm đấy, nhưng mà khi cần nó cũng đáo để đấy, để nói câu chuyện của xã hội Việt Nam đương đại" - ông Đoàn nói.

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 6.

Tác phẩm “Bà mùa Đông” (2021, 79 x 119cm)

Để nền dó tự cất tiếng nói

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, tranh phong cảnh của Vũ Thái Bình như một bản hòa tấu ngập tràn những vạt "nắng hanh" - không phải màu nắng được vẽ vào tranh, mà là nắng bật lên, biến ảo từ chính nền giấy dó.

"Trên dưới 20 năm vẽ giấy dó, Vũ Thái Bình có thể làm chủ các "sắc nắng" trên mỗi loại mỏng/dày, vàng/trắng, đậm/nhạt của giấy. Từ bóc một (loại dó mỏng nhất) cho tới bóc mười (dày nhất), anh đều biết cách để nền giấy tự cất tiếng nói, mộc mà lao xao tỉ mỉ, mộc mà tĩnh lặng đằm thắm…" - Huy Thông nói.

Vũ Thái Bình thêm duyên cùng dó - Ảnh 7.

Tác phẩm “Mùa nước đổ” (2023, 75 x 105cm)

Chính điều này cho thấy một phần nào kỹ thuật làm chủ chất liệu giấy dó của Vũ Thái Bình, là kết quả sau nhiều năm anh kỳ công thử nghiệm. Xử lý giấy dó, anh chỉ dùng duy nhất màu nước với lối kỹ thuật chồng nhiều lớp, nhuộm màu nước trên giấy dần dần từ nhạt đến đậm.

"Cách của tôi là nhuộm giấy và không dùng màu trắng. Vì giấy rất mỏng nên muốn màu tươi thì phải vẽ dày lên, tạo ra những va đập màu sắc thật mạnh. Hơn nữa, với tôi, màu tự nhiên của giấy dó vốn đã rất đẹp nên khi vẽ, tôi không vẽ kín màu mà luôn đề chừa những phần giấy nguyên bản. Để lại màu giấy kết hợp với kỹ thuật chồng nhiều lớp bằng phương pháp nhuộm màu đến độ xuyên sang cả 2 mặt khiến màu mới thắm, càng để lâu, càng đẹp" - Vũ Thái Bình cho biết.

Để có Sắc dó 4, Vũ Thái Bình mất 3 năm qua vẽ, rộng hơn là hơn 20 năm nặng lòng với giấy dó. Nhưng được nhất với anh vẫn là: "Khi làm việc với giấy dó, tôi được trải ra tất cả cảm xúc, tâm tư, tình cảm… Với dó, tôi thoải mái. Tôi thăng hoa. Tất cả quyện vào nhau, cuốn vào nhau cho tôi được là chính mình. Đó là sự hạnh phúc khi tôi chọn dó để gửi gắm lòng mình".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn họa thơ cùng Vũ Thái Bình ngay triển lãm:

"Dó Việt muôn thuở vẫn gọi gió lành.

Ai được duyên vẫn thêm duyên cho dó.

Sướng hay khổ là đời mình, nghiệp phận mình đừng sợ.

Tâm hồn Việt ngàn đời có cũ được đâu.

Trần gian vẫn trần gian muôn màu.

Sắc sắc không không cứ tự nhàn mà thả nét.

Ai đĩa màu không màu

Ai đĩa màu ngũ sắc

Mắt đã khó già, cứ tự biết mà đi…".

Công Bắc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›