(Thethaovanhoa.vn) - Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei theo yêu cầu của các nhà chức trách Mỹ đang chứng tỏ một điều là Mỹ cứng rắn hơn trong việc đối phó với các công ty công nghệ của Trung Quốc trong bối cảnh những lo ngại lâu nay về gián điệp mạng, nhưng cũng gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết xung đột vốn ngày càng sâu sắc với nước này.
Bà Meng Wanzhou bị bắt tại Canada ngày 1/12 và đối mặt với yêu cầu dẫn độ từ phía các nhà chức trách Mỹ trong cuộc điều tra do nghi ngờ tập đoàn công nghệ Trung Quốc sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để "né" các lệnh trừng phạt Iran. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, khẳng định bà Meng không vi phạm quy định của Mỹ cũng như của Canada.
Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra ít nhất là từ năm 2016 về việc liệu Huawei có xuất khẩu các sản phẩm xuất xứ từ Mỹ tới Iran và các nước khác, vi phạm các quy định về xuất khẩu và lệnh trừng phạt Iran của Mỹ hay không. Gần đây, cuộc điều tra cũng nhằm đến việc xác định xem tập đoàn này có sử dụng HSBC Holdings Plc để tiến hành các giao dịch bất hợp pháp liên quan đến Iran. Các công ty không được phép sử dụng hệ thống tài chính Mỹ để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các tổ chức bị trừng phạt.
Nếu Huawei thực hiện những giao dịch như vậy và khiến HSBC lầm tưởng về bản chất của những giao dịch này, hãng sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại di động của Trung Quốc có thể bị cho là đã gian lận.
Động thái của Mỹ có thể sẽ làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc, trong khi quan hệ giữa hai nước đã chịu sức ép do những lo ngại về các hoạt động thương mại không công bằng, Trung Quốc đánh cắp các bí mật thương mại và tấn công mạng. Trước mắt, vụ bắt giữ bà Meng làm gia tăng thêm nghi ngại về thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đạt được hồi cuối tuần trước tại Argentina.
Giáo sư luật tại Đại học Indiana, David Fidler, cho rằng các cáo buộc liên quan đến các biện pháp trừng phạt Iran nhưng Trung Quốc sẽ gắn với mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ông cho rằng sự leo thang căng thẳng thương mại sẽ khiến cả hai bên cùng chịu tổn thất và Trung Quốc có thể sẽ đặt thêm những rào cản đối với các tập đoàn công nghệ của Mỹ có hoạt động tại nước này. Theo ông, Trung Quốc có kế hoạch B nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, nhưng không chắc Mỹ cũng đã có sự chuẩn bị như vậy.
Vụ bắt giữ gây chấn động nói trên sẽ còn gây ra những tác động lớn vượt xa cả việc áp thuế hay tiếp cận thị trường. Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc đua giành vị thế thống trị kinh tế và chính trị trong nhiều thập niên tới. Chuyên gia Amanda DeBusk về thương mại quốc tế tại Dechert LLP nhận định đó sẽ là một vấn đề lớn hơn nhiều một cuộc tranh chấp thương mại là nước nào sẽ dẫn dắt thế giới.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia Mỹ và nhiều chuyên gia nước ngoài khác, Trung Quốc đã dấn thân vào một cuộc đua để bắt kịp địa vị thống trị của Mỹ trong vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu và công nghệ. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã thực thi những chiến lược buộc các công ty Mỹ và nước ngoài khác phải chuyển giao các bí mật thương mại để đổi lấy sự tiếp cận thị trường Trung Quốc cho tới gián điệp mạng.
Luật được ban hành gần đây của Mỹ đã cấm chính phủ và quân đội sử dụng các thiết bị do Huawei và tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE sản xuất do lo ngại về vấn đề an ninh và các nhà chức trách liên bang đang trong quá trình thực thi các quy định về cấm Huawei triển khai dịch vụ mạng thế hệ thứ năm (5G), ở Mỹ.
Huawei đã phủ nhận các mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc nhưng có những quan ngại tại Mỹ về điều đó. Ông James Lewis, người đứng đầu bộ phận công nghệ và chính sách công của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ, cho rằng Huawei được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn vì những lý do về tình báo.
Theo ông, tập đoàn này cung cấp sản phẩm được trợ giá tới những nơi mà vấn đề giá cả được đặt lên trên vấn đề an ninh. Ông nhận định Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nếu có các chính sách khắt khe hơn bởi các hệ thống 5G của nước này đều cần tới chip và các linh kiện khác do các tập đoàn ở Thung lũng Silicon sản xuất.
Huawei bị soi xét tại Mỹ trong hơn 10 năm qua. Năm 2007, tập đoàn bị từ chối gói thầu mua công ty về thiết bị truyền thông 3Com và năm 2010 đã thất bại trong nỗ lực nâng cấp mạng không dây Sprint. Đầu năm nay, Huawei sẵn sàng cho việc thông báo về việc hợp tác với AT&T để phân phối điện thoại thông minh tại Mỹ nhưng đã hủy kế hoạch này.
Tuy nhiên, Huawei đã vượt Apple lên vị trí thứ hai toàn cầu về sản xuất điện thoại thông minh, dù doanh số bán tại Mỹ hạn chế và trở thành một trong những tập đoàn dẫn đầu về hạ tầng 5G trên thế giới. Huawei đang đối mặt với nguy cơ bị cấm ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ 5G ở Australia và New Zealand và tập đoàn viễn thông của Anh là BT ngày 5/12 cho biết đang tháo thiết bị của Huawei ra khỏi mạng di động của mình.
Các quan chức và nghị sỹ Mỹ từ lâu bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc sử dụng các công ty công nghệ để đánh cắp bí mật thương mại và Trung Quốc bị coi là thủ phạm chính trong vụ lộ thông tin của hàng triệu nhân viên trong Chính phủ Mỹ năm 2015. Một báo cáo năm nay cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc có thể cài chip do thám vào nhiều sản phẩm công nghệ của Mỹ, đưa đến nguy cơ tấn công chuỗi cung ứng.
Một cuộc điều tra tương tự cũng được tiến hành đối với đối thủ của Huawei là ZTE. Năm 2017, tập đoàn này đã nhận vi phạm luật của Mỹ trong việc hạn chế cung cấp công nghệ của Mỹ cho Iran và đã nộp phạt 892 triệu USD. Năm nay, Mỹ cho rằng ZTE đã thừa nhận đưa ra các thông báo giả về việc kỷ luật các giám đốc chịu trách nhiệm trong vụ sai phạm và cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện và phần mềm cho tập đoàn này. Sau khi dừng các hoạt động chính, ZTE đã nộp 1 tỷ USD theo thỏa thuận để Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm.
Cũng tương tự như với bà Meng, Giám đốc tài chính của ZTE đã bị giữ lại ở sân bay Logan của Boston khi Mỹ tiến hanh cuộc điều tra tập đoàn này. Các nhà chức trách Mỹ đã tịch thu máy tính xách tay của vị này làm vật chứng cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của ZTE ở Iran.
TTXVN/Lê Minh (Tổng hợp)
Tags