(Thethaovanhoa.vn) - Người hâm mộ bóng đá Việt Nam gần như đã "cầu được ước thấy", khi lá thăm đưa thầy trò HLV Park Hang Seo nằm vào bảng B, với các đội bóng bao gồm Nhật Bản (nhóm 1), Australia (2), Saudi Arabia (3), Trung Quốc (4) và Oman (5), về lý là dễ đá hơn so với bảng A có Hàn Quốc và Iran...
Phải nói luôn rằng, do đội tuyển Việt Nam xếp vào nhóm hạt giống thứ 6 vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, tức là nhóm yếu nhất bao gồm cả Lebanon nên việc rơi vào bảng đấu nào cũng là bảng "tử thần cả". Chúng ta sẽ phải chiến đấu với khả năng tốt nhất có thể.
Phát biểu sau kết quả bốc thăm, cả Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và các tuyển thủ quốc gia như Duy Mạnh, Quang Hải, Xuân Trường…, đều rất từ tốn. Theo đội phó Lương Xuân Trường, tất cả các đội bóng lọt vào đến vòng đấu loại cuối cùng FIFA World Cup 2022, đều sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất và Việt Nam, thật may mắn khi không phải đụng Hàn Quốc hay Iran, những đối thủ cực mạnh.
Với Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, cơ hội sẽ trở lên rõ hơn với Việt Nam, nếu VCK FIFA World Cup 2026 được mở rộng lên hơn 40 đội, thay vì chỉ 32 như hiện tại.
Trở lại với kết quả bốc thăm. Theo quan điểm của người viết, việc nằm chung bảng đấu với những Nhật Bản, Australia và Trung Quốc sẽ giúp đội tuyển Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều, nếu thể thức thi đấu sân nhà/sân đối phương được duy trì. Thứ nhất, đây là những đất nước mà cộng đồng kiều bào người Việt sinh sống rất đông đảo nên đội bóng sẽ được cổ vũ rất nhiệt tình.
Trong bóng đá, được tựa lưng vào khán đài để thi đấu và chiến đấu là một diễm phúc. Hẳn không một ai quên ký ức Thường Châu 1/2018, khi đội tuyển U23 Việt Nam đã được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh từ khán đài, để có thể đứng vững trước các đợt bão tuyết mà đi đến trận đấu cuối cùng. Trở lại sân nhà thì đương nhiên rồi, chính tại Mỹ Đình, chúng ta đã từng 2 lần quật ngã UAE, từ ASIAN Cup 2007 đến lượt đi Vòng loại thứ 2 FIFA World Cup 2022.
Thứ hai, lá thăm bóng đá không hoàn toàn như việc người ta chơi xổ số, với mã số (6) đã được quy định từ khâu phân loại hạt giống, và phần còn lại khá đơn giản, chỉ là xem chúng ta rơi vào bảng đấu nào mà thôi. Chúng ta sẽ chỉ "đi xa" xét về mặt cảm tính, với 2 trận đấu làm khách trên sân của Saudi Arabia và Oman mà thôi.
Tất cả đều đã biết, đội tuyển Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á có thể chen chân vào Vòng đấu loại cuối cùng của một kỳ World Cup, khu vực trước Á. Trước đó, vào các VCK 2014 và 2018, Thái Lan đã từng có vinh dự này, nhưng thậm chí họ đã không thể tìm được nổi một chiến thắng. Đó là lý do cựu danh thủ Kiatisuk Senamuang, người đã giúp bóng đá Thái Lan lấy lại được vị thế số 1 khu vực kể từ năm 2012, buộc phải rời ghế HLV trưởng đội bóng.
Thẳng thắn mà nói, chúng ta chỉ đang tạm nắm thế thượng phong ở Đông Nam Á, sau các chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 và giành HCV SEA Games 2019, chứ nói vượt trội hơn hẳn Thái Lan là hơi khập khiễng.
Qua 2 trận đấu gần nhất với họ ở vòng loại thứ 2 FIFA World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ tìm được 2 trận hòa, với thế trận thậm chí có phần lép vế. Bóng đá Thái Lan từ bao năm qua luôn là một thước đo tương đối chuẩn mực của Việt Nam và kinh nghiệm của họ ở đấu trường vòng loại World Cup rất đáng để tham khảo.
Các trận đấu ở bảng B sẽ khởi tranh từ tháng 9/2021 đến 3/2022 và từ nay đến đó, thầy trò HLV Park Hang Seo, cũng như bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Sự thành bại của một chiến dịch được quyết định từ khâu chuẩn bị, chứ không phải việc cứ ngồi đó rung đùi mà kỳ vọng sẽ có được kết quả khả quan. Nên nhớ rằng, các đối thủ tại bảng B, tất cả đều là những "ngọn núi".
Tùy Phong
Tags