(LTS) PGS-TS Trần Hữu Tá, nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đã qua đời cuối tuần qua, thọ 86 tuổi. Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân.
1. Ở các nhóm người từng theo học môn ngữ văn đại học ở Hà Nội những năm 1960-1970, người ta thường nhớ một phân biệt rất nhỏ, có vẻ chả có mấy ý nghĩa, dường như chỉ để ghi địa chỉ, ghi cái xuất xứ học hành viết lách của từng người mà thôi. Phân biệt ấy là: Người này thuộc cánh "văn Tổng hợp", người kia thuộc cánh "văn Sư phạm"!
Nếu hỏi người "văn tổng hợp" khác người "văn sư phạm" thế nào? Có khi người ta ngẩn ra không trả lời được! Hoặc cóthì đó là: Ai từng qua "văn Sư phạm" thì hay chú trọng bình văn giảng văn, còn ai từng qua "văn Tổng hợp" thì chú trọng tìm tòi nghiên cứu!
Có thể người ta đã dựa vào những mục tiêu đào tạo hơi khác nhau của cùng một bộ môn ở hai trường để nêu ra nhận định trên. Nhưng trên thực tế, mỗi trường hợp người hoạt động cụ thể sẽ cho thấy những dáng nét cụ thể, chưa hẳn trùng khít với nhận định kia!
Tôi học ngữ văn bên Đại học Tổng hợp, dăm năm sau khi ra trường bắt đầu viết phê bình nghiên cứu gửi đăng các báo. Thế nhưng trong hoạt động dường như lại thường cộng tác với bên Sư phạm nhiều hơn! Có thể vì bên khoa Văn, trường Sư phạm thường tổ chức hội thảo về các đề tài văn chương đương đại, dễ thu hút sự tham dự của ngòi bút tôi hơn. Lại nữa, tôi làm công tác biên tập sách phê bình nghiên cứu ở nhà xuất bản của Hội Nhà văn, nên thường được tiếp xúc các nhà giáo ngữ văn có nhu cầu in sách.
Tôi nhớ, đã quen các nhà giáo của khoa văn Sư phạm như Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Trần Hữu Tá, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Long, Lê Bảo, v.v… do những cơ duyên của sách, dù có bản thảo thành sách, cũng có trường hợp bất thành.
Được dịp giúp chút ít cho các nhà giáo, thì cũng có lúc phải nhờ đến các anh. Nhớ khoảng giữa những năm 1980, tôi chuyển chỗ ở từ ngoại thành vào trong phố, nên cần chuyển trường cho con. Tôi hỏi anh Trần Hữu Tá, anh bèn dẫn tôi đến gặp người anh trai của anh, cũng là một nhà giáo kỳ cựu. Nhờ sự chỉ dẫn của ông, tôi biết cách xin chuyển cho con vào một trường tiểu học trong phố. Cũng từ đấy, tôi có dịp gặp anh Tá nhiều hơn, không phải về chuyện học của các con, mà lại về chuyện của giới làm sách.
"Tôi cũng được nghe kể, PGS Trần Hữu Tá, những ngày tháng trên giường bệnh, đã nhắn gửi đồng nghiệp trong ban biên soạn gắng tổ chức công việc để bộ sách "Từ điển văn học"theo kịp thông tin của thời đại mới. Nỗi niềm đó như một ủy thác, một căn dặn" – nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân.
2. Tôi vẫn nhớ chuyện được anh Tá, anh Mạnh rủ tham gia nhóm soạn một bộ toàn tập Vũ Trọng Phụng. Đấy là khi bộ "Tuyển tập" tác phẩm của nhà văn này, do Nguyễn Đăng Mạnh và Trần Hữu Tá biên soạn, ra mắt (1987), được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt, lại có thêm các hội thảo khoa học tại Hà Nội và TP.HCM gây tiếng vang.
NXB Văn học và gia đình nhà văn bèn lên kế hoạch lập một nhóm biên soạn để đi tới sưu tầm tái xuất bản toàn bộ các tác phẩm của nhà văn. Cùng với hai soạn giả bộ "Tuyển tập", một loạt soạn giả mới được mời: Nguyễn Hoành Khung, Hoàng Thiếu Sơn, Văn Tâm. Tôi được mời tham dự và được dự kiến phân công sưu tầm những tác phẩm cỡ nhỏ và những tác phẩm chưa hoàn thành của Vũ Trọng Phụng. Người đại diện NXB Văn học lúc đó là nhà thơ Lữ Huy Nguyên, và lúc đó người con gái duy nhất của Vũ Trọng Phụng, chị Vũ Mỵ Hằng và chồng là Nghiêm Xuân Sơn đều còn khỏe mạnh; cả gia đình và nhà xuất bản đều tin rằng bộ toàn tập sẽ sớm hoàn thành!
Năm 1999, bộ sách dự kiến ấy đổi nơi đứng tên sang NXB Hội Nhà văn; tôi vừa đảm nhận vai trò thư ký của nhóm soạn, vừa là người biên tập của nhà xuất bản. Nhóm biên soạn thu lại chỉ còn một Nguyễn Đăng Mạnh: Ông sử dụng các bản in đã có, và soạn lời nói đầu cùng các bài dẫn giải cho các nhóm thể loại tác phẩm. Bộ "Toàn tập" ấy gồm 5 tập (T.1: phóng sự; T.2, 3, 4: tiểu thuyết; T.5: truyện ngắn, kịch, tạp văn).
Anh Trần Hữu Tá không tham gia biên soạn bộ "Toàn tập" Vũ Trọng Phụng kể trên, có lẽ vì thời gian ấy, anh cũng đang dồn công sức và theo dõi việc in chuyên đề do anh sưu tầm biên soạn nhan đề Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (NXB TP.HCM, 1999).
3. Cùng các nhà giáo, nhà biên khảo như Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Huệ Chi, anh Trần Hữu Tá là đồng soạn giả bộ Từ điển văn học (NXBKHXH, T. 1: 1983; T. 2: 1984). Đây là công trình của một nhóm (gọi như hiện nay là một dự án tư nhân) các nhà giáo, nhà nghiên cứu Việt Nam, bao quát một phạm vi rộng rãi là văn học thế giới trong tầm nhìn nhận và hiểu biết của giới nghiên cứu giảng dạy văn học người Việt, tuy trọng tâm mô tả vẫn là văn học Việt Nam.
Tôi được các soạn giả Trần Hữu Tá, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Huệ Chi ký tặng tập 2. Và khi ban biên soạn lên ý tưởng đưa in lần hai, các vị đã nhắn tôi tới, "đặt hàng" tôi chừng 100 mục từ. Lần ấy, anh Tá đang ở Sài Gòn, nhưng các thành viên ban biên soạn ở Hà Nội cho biết quyết định mời tôi tham gia có ý kiến tán thành của anh Tá.
Tôi đã từng chứng kiến nỗi đau đáu trông chờ sự ra mắt Bộ mới Từ điển văn học của giáo sư Đỗ Đức Hiểu; ông đã sửa lại và viết mới không ít mục từ và chỉ mong sao được thấy chúng trong bản in nhưng không kịp thấy. Đỗ Đức Hiểu mất ngày 27/2/2003, chừng 1 năm trước ngày Từ điển văn học bộ mới ra mắt (2004). Tôi cũng được nghe kể, PGS Trần Hữu Tá, những ngày tháng trên giường bệnh, đã nhắn gửi đồng nghiệp trong ban biên soạn gắng tổ chức công việc để bộ sách theo kịp thông tin của thời đại mới. Nỗi niềm đó như một ủy thác, một căn dặn.
Xin nghiêng mình vĩnh biệt nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá.
Hà Nội, Đông 2022
Tags