(Thethaovanhoa.vn) - Quá nửa khuya, rạng sáng ngày 7/5/2020, cái tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từ trần lan truyền nhanh trên mạng. Ai nấy đều bàng hoàng: Bầu trời âm nhạc Việt Nam đã vừa vụt tắt một ngôi sao - Sao Biển!
Cái ấn tượng đầu tiên khi gặp mặt Vũ Đức Sao Biển là nụ cười thân thiện của anh, một nụ cười kèm theo những vết chân chim nơi đuôi mắt. Anh có vóc dáng nhỏ nhắn, hay hút thuốc (có lẽ là nguyên nhân căn bệnh ung thư vòm họng sau này), tận tâm hướng dẫn lớp đàn em chúng tôi về nghiệp vụ báo chí, thân mật gọi “em” xưng “qua”.
Dân Quảng, nhưng “kết” dân ca Nam bộ
Cách đây khoảng hơn 40 năm, lũ thanh niên thôn quê chúng tôi thường tụ tập đàn hát, trong các tập nhạc chúng tôi sưu tầm được, có bản nhạc của Vũ Đức Sao Biển mà chúng tôi rất thích (bản Thu, hát cho người). Những thanh niên, thiếu nữ thời ấy vẫn thường hát 2 bản nhạc trên để “lấy le” với chúng bạn (thường chỉ thích hát nhạc boléro), để chứng tỏ mình “chơi” nhạc “đẳng cấp” hơn.
Riêng bản thân tôi đã bị dòng nhạc của Vũ Đức Sao Biển mê hoặc từ dạo đó, nhưng luôn nghĩ: “Ông Sao Biển này như là sao sa ngoài biển, đời mình chắc chẳng bao giờ gặp mặt”... Vậy mà trời đất run rủi, tôi vào TP.HCM làm báo mà “sếp” của tôi lại là anh Vũ Đức Sao Biển.
Anh là một nhạc sĩ-nhà báo, còn tôi là phóng viên chuyên trách mảng văn nghệ nên 2 anh em thường có nhiều dịp trao đổi một cách tâm đắc...Nói đến Vũ Đức Sao Biển là phải nhắc đến ca khúc Thu, hát cho người.
Anh kể: “18 tuổi, tôi rời Quảng Nam - xa luôn người bạn gái đầu đời nhà ở cuối sông Thu. 20 tuổi (1968) tôi trở lại vùng quê Thăng Bình (Quảng Nam) và biết rằng đã mất cô ấy mãi mãi. Tôi ôm cây đàn guitar lên đồi sim xưa- chút tình đầu ngây thơ, cứ dằn vặt day dứt mãi trong tâm hồn tôi... Thuở ấy tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa Thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng giữa mùa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế? Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy lên, viết Thu, hát cho người. Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng bay một lần không trở lại nữa), tôi lấy ý thơ của người xưa để nói đến cố nhân... Bài hát được viết theo thể loại bán cổ điển, điệu slow, cung Rê thứ. Ngay khi viết xong tôi đã hình dung được đây sẽ là bài tình ca hay của đời mình...”.
Từ thành công của Thu, hát cho người -Vũ Đức Sao Biển đã chọn cho mình một khuynh hướng sáng tác là những bài tình ca mang giai điệu bán cổ điển, sang trọng nhưng rất gần gũi với dòng nhạc tiền chiến, thí dụ các ca khúc: Chiều mơ (1970), Bài thơ hoa cúc (1973), Cõi tiêu dao (1989), Đường về, Mẹ ơi (2000)...
Tuy thế, giai đoạn sau này, Vũ Đức Sao Biển chuyển hướng sáng tác sang các tác phẩm mang âm hưởng dân ca Nam Bộ và đã rất thành công với các ca khúc: Đau xót Lý chim quyên (1994), Tiếng quốc đêm trăng (1995), Điệu buồn phương Nam (1996)... Nguồn cảm hứng từ dân ca Nam Bộ là do anh có đến hơn 5 năm dạy học ở Trường Trung học Công lập Bạc Liêu (từ năm 1970). Những chuyến đi qua sông Tiền, sông Hậu; những tháng năm rong chơi khắp đồng bằng, những lần nghe âm nhạc tài tử hoặc Dạ cổ hoài lang đã cho anh một nguồn cảm xúc dạt dào về phương Nam để anh viết thêm những ca khúc: Trên sóng Cửu Long, Gửi về nơi cuối đất, Phượng nhớ Hoàng...
Đặc biệt sau khi anh được UBND tỉnh Bạc Liêu nhờ ký âm lại bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ tiền bối Cao Văn Lầu, phải nói là Vũ Đức Sao Biển đã “nhập tâm” bản cổ nhạc này, để rồi anh đã làm một việc mà ít có nhạc sĩ nào nghĩ tới là sử dụng các đoạn của Dạ cổ hoài lang (nhạc và lời) vào tác phẩm mới của mình. Vũ Đức Sao Biển đã lấy 2 đoạn khác nhau của Dạ cổ hoài lang đưa vào đoạn giữa của các ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang và Trở lại Bạc Liêu. Phải nghe 2 ca khúc này mới thấy được sự tài hoa của Vũ Đức Sao Biển bởi sự hài hòa, nhuần nhuyễn của dòng nhạc - dù được lồng ghép nhưng không hề khiên cưỡng cả về mạch cảm xúc lẫn giai điệu...
Tôi hỏi: “Anh là người gốc Quảng Nam, sao không chọn dân ca miền Trung, dân ca Khu 5 làm chất liệu sáng tác mà lại chọn những giai điệu phương Nam?”. Anh bảo cũng đã viết khá nhiều bài dựa trên dân ca nhiều vùng miền khác như: Hò đua ghe, Lý vọng phu, Hoài niệm Trường Giang (dân ca Khu 5), Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, Nhớ Quảng Nam (dân ca Quảng Nam), Ngàn năm Mỹ Sơn (dân ca Chăm), Tìm em (dân ca Jarai)... nhưng xem ra những bài hát đậm chất dân ca Nam Bộ là thành công hơn cả.
Vĩnh biệt Vũ Đức Sao Biển nhiều tài hoa
Vũ Đức Sao Biển là một nhạc sĩ tài hoa - cái đó đã hẳn - nhưng Vũ Đức Sao Biển còn là một nhà báo, một nhà nghiên cứu với những góc nhìn tinh tế, lập luận xác đáng và bút lực dồi dào khiến không chỉ bạn đọc mà cả giới đồng nghiệp cũng phải nể phục. Vào trang Wikipedia, đọc bản kê các tác phẩm (ngoài âm nhạc) của anh đã thấy “choáng”.
Ngoài bút danh Vũ Đức Sao Biển, anh còn ký tên Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại trên hàng trăm tác phẩm với đủ các thể loại: Tiểu phẩm trào phúng, biên khảo, phóng sự, bút ký, hồi ký, tản văn, kỹ năng sống, truyện ngắn... mà nổi bật là bộ biên khảo Kim Dung giữa đời tôi.
Anh kể: “Hồi còn học trung học tôi rất mê đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, lên đại học lại được học Triết Đông phương và Hán văn nên tôi càng “lậm” tác giả này. Theo tôi, Kim Dung đã tạo ra được một thế giới ngoài cái thế giới hiện thực, đúng như người Trung Quốc thường nói “Thiên ngoại hữu thiên” - một thế giới của bọn hào sĩ giang hồ, vượt xa những “truyện Tàu” cũ nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống hiện thực, rất người, rất nhân bản...”.
Thế nhưng cuộc đời của người “nhạc sĩ - nhà báo - nhà văn” tài hoa này không phải chỉ rắc toàn hoa hồng. “Mỗi cành mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Gia đình của Vũ Đức Sao Biển cũng có những tai ương không lường được hết. Để khắc phục những khó khăn, anh đã phải bán căn nhà ở Cư xá Thanh Đa để về cư trú tại một con hẻm đường Tân Thới Nhất (Q.12, TP.HCM), tuy nhiên các loại bệnh tật hầu như đuổi theo anh như hình với bóng.
Năm 2008 - nhân “kỷ niệm” anh tròn 60 tuổi (sinh năm 1948), một cơn tai biến mạch máu não khá nặng đã đưa anh vào cấp cứu tại Bệnh viện 115 (Q.10, TP.HCM). Dạo đó, tôi và nhà báo Trần Hoàng Nhân (báo Thể thao và Văn hóa) có vào bệnh viện thăm anh và cùng đưa tin anh bị tai biến lên báo.
Trong 2 năm trở lại đây, anh bị ung thư vòm họng phải nằm điều trị dài hạn ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM), nhiều người ái mộ và học trò cũ đến thăm anh. Anh không nói được (tiếng nói nghe khào khào trong cổ họng) phải dùng “bút đàm” viết vào cuốn số... (cuối cùng bệnh viện cho về và anh đã từ trần ở nhà riêng vào lúc 23h25 ngày 6/5/2020).
Năm 20 tuổi, khi viết Thu, hát cho người Vũ Đức Sao Biển đã có những cảm nhận về số phận con người và sự xa biệt. Nay, anh cưỡi “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ...” ở tuổi 73. Xin được hát tiễn anh bằng chính những câu nhạc anh viết: “Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người/ Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi/ Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi/ Nhạc hoài mong ta hát vì xa người...”.
Anh đi, thanh thản anh nhé!
Tác giả “Thu, hát cho người” cưỡi hồng hạc bay xa Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh ngày 12/2/1948, quê quán ông tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn… Ở lĩnh vực ca khúc ông được đông đảo công chúng biết đến qua các bài hát như: Thu, hát cho người; Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Điệu buồn phương Nam… Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời vào 23h25 ngày 6/5 tại nhà riêng ở TP.HCM. Linh cữu của nhạc sĩ quàn tại nhà (22/7 Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 15h ngày 7/5. Lễ động quan lúc 6h30 ngày 10/5, linh cữu được an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. |
Hà Đình Nguyên
Tags