(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã qua đời ở tuổi 58 lúc 13 giờ 40 phút ngày 18/4 tại Bệnh viện E (Hà Nội).
Sự ra đi của nhà phê bình Chu Văn Sơn để lại niềm tiếc thương đối với người thân, bè bạn, giới văn sĩ và cả những người mộ điệu nét văn chương tài hoa của ông.
Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết của thạc sĩ Nguyễn Phi Nga (Giảng viên Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội) về nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn:
***
Tôi “gặp” Chu Văn Sơn lần đầu tiên là qua những trang viết phê bình của anh mà tình cờ tôi có được, khi tôi còn là cô học sinh cấp 3 đầy tò mò và háo hức đến với văn chương bằng một sự ngây thơ và trong trẻo.
Có thể nói, những trang viết ấy gieo vào tôi những ấn tượng khó quên về những cảm xúc tinh tế, những kiến giải sâu sắc, tỉ mỉ và cách dùng chữ tài hoa hiếm thấy của người viết. Rồi từ đó, tôi bị hút vào tất cả những gì anh viết, Ba đỉnh cao thơ mới, Thơ – điệu hồn và cấu trúc, Chân dung các nhà văn hiện đại (viết chung),… Rồi từ đó, Chu Văn Sơn đối với tôi đã như một người thầy, người thầy trong tâm tưởng.
Mãi sau này, khi đã gặp anh, con người thực ở ngoài đời, những ấn tượng đó về anh lại càng thêm sâu sắc. Anh lịch lãm, nhẹ nhàng trong giao tiếp, nói năng. Anh điềm đạm, từ tốn trong bất kì một tình huống nào, dù trang trọng hay thân mật. Anh thông minh, sắc sảo và độc đáo trong bất kì một tranh luận nào dù lớn hay nhỏ. Và hơn hết, người ta luôn thấy ở anh một nụ cười hiền hòa, dễ mến; một tấm lòng trân trọng con người và nâng niu cái đẹp.
Tôi cũng may mắn được làm “học trò” của anh khi cùng sinh viên của mình lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết, sắc sảo của anh về thơ mới, về Nguyễn Duy, về Thanh Thảo, về lí thuyết thẩm bình truyện ngắn,…Với cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, riêng biệt, anh đã gợi mở, dẫn dắt chúng tôi từng bước khám phá những vẻ đẹp của văn chương. Quan trọng hơn, qua đó anh đã truyền cho các bạn sinh viên một nguồn cảm hứng mới mẻ và tình yêu với văn chương, một điều ngày càng hiếm hoi trong xã hội hiện đại này. Tôi nhận thấy thêm ở anh phẩm chất của một con người hào hiệp, khi anh vui vẻ đến với chúng tôi chỉ vì lòng yêu quý các bạn trẻ có lòng yêu văn chương mà thôi, nghĩa là anh cũng vì lòng yêu cái đẹp mà đến. Chúng tôi luôn trân trọng những điều đó ở anh. Mỗi dịp tiếp xúc với anh như vậy, chúng tôi được học hỏi và mở mang rất nhiều…
Vậy mà,…!
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi nhận được hung tin rằng, anh mắc bệnh hiểm nghèo. Mới chỉ cách đây gần hai năm, sau chuyến đi Châu Âu khá dài của anh. Bàng hoàng, xót xa không nói nên lời, tất cả chúng tôi đều im lặng thở dài. Tiếng thở dài như cùng xác nhận một điều có vẻ như là chân lí rằng tài hoa thì mệnh bạc. Không ai nói ra nhưng có lẽ ai cũng mang một dự cảm chẳng lành, rằng chẳng còn nhiều thời gian nữa đâu…Tất cả chúng tôi chỉ biết cầu nguyện phép màu sẽ đến với anh!
Rồi mới cách đây ba tuần, chúng tôi được gặp anh trong giờ phút hiếm hoi mà anh tỉnh táo sau một chuỗi ngày vật vã với những cơn đau. Thân thể anh tiều tụy nhưng đôi mắt thông minh hóm hỉnh của anh vẫn ánh lên niềm vui khi gặp lại bạn bè, đồng nghiệp. Bàn tay anh gầy gò nắm chặt lấy tay mỗi chúng tôi, anh chỉ nói được đôi ba lời đứt quãng vì những cơn đau đã làm anh tê liệt ý thức. Mắt ai nấy cũng đỏ hoe mà không ai dám khóc, chỉ sợ anh nhìn thấy và nản chí. Thương anh vô cùng…!
Chiều nay, tin dữ đến chỉ ít phút sau khi anh lặng lẽ đi. Vẫn biết là không thể khác nhưng sao đau xót thế này? Vậy là, thêm một người tử tế đã rời xa chúng ta, rời xa cõi tạm. Anh đã đến chốn Thanh An mà anh hằng mong mỏi ư? Cầu mong anh được thế! Vĩnh biệt anh, một người anh, người thầy trong tâm tưởng của tôi…
Hà Nội, 18/4/2019
Nguyễn Phi Nga
Tags