(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi chiều 20/4, thọ 70 tuổi. Hình như anh đã tiên liệu về cuộc ra đi này – cuộc ra đi nhẹ nhàng như một giấc ngủ an nhiên, thư thái, tự tại trong bài thơ Một mai: “Một mai chết thật tình cờ/ Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay...”.
Sáng 20/4, tôi được Câu lạc bộ Thăng Long mời nói chuyện chuyên đề Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi dành thời lượng nói về điện ảnh Việt Nam của một thời kỳ bão lửa hào hùng, trong đó những bộ phim Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản. Không hiểu sao tôi đọc câu thơ của anh ầng ậng niềm cảm xúc:
Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn...
Tiếc thương “Chiếc lá cuối cùng”
Rồi chiều tối, tôi giật mình đọc trên Facebook nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: “Đau đớn và đột ngột quá anh Cầm ơi!”. Tiếp sau là cuộc gọi từ em Nguyễn Cúc - Thư viện Quân đội giọng nức nở: “Chị ơi, anh Cầm mất rồi… Chiều nay, Thư viện Quân đội có chương trình giao lưu ở Ninh Bình. Cả đoàn đã chuẩn bị cho buổi giao lưu, nhưng anh Cầm nói mệt không thể đi được, đi là anh đi… luôn trên xe đấy. Nghe anh nói thế, em hốt hoảng đến thăm ngay. Anh vẫn luôn coi em như cô em gái. Thỉnh thoảng, anh vẫn nhờ em mua hộ thuốc men. Chị ơi thế là em là người cuối cùng gặp anh ấy…”.
Tôi thảng thốt. Lặng người. Sự thật nghiệt ngã không thể khác khi “Tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ” (Chiếc lá đầu tiên, ban đầu có tên là Trường ơi, chào nhé). Hình như anh đã tiên liệu về cuộc ra đi này – cuộc ra đi nhẹ nhàng như một giấc ngủ an nhiên, thư thái, tự tại trong bài thơ Một mai:
“Một mai chết thật âm thầm
Mấy cành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru
Một mai chết hết hận thù
Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi
Một mai chết thật buồn cười
Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ
Một mai chết thật tình cờ
Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay...”.
Anh đi về “Phương ấy…” chỉ ít phút, tin tác giả Xúc xắc mùa Thu đi về miền mây trắng được đăng tải trên các Facebook của bạn hữu đầy nỗi nhớ tiếc. Ai cũng cảm thấy đột ngột, bất ngờ, sững sờ. NSND Khải Hưng - đồng nghiệp của “Bác sĩ Hoa Súng” xa xót thốt lên: “Một người lúc nào cũng hừng hực sáng tác, lúc nào cũng rượu nút lá chuối, thuốc lào rít sòng sọc và lúc nào cũng… nghèo. Vĩnh biệt anh!". Nhà văn Thiên Sơn viết “Anh Hoàng Nhuận Cầm là một thi sĩ đích thực. Một tài năng bẩm sinh. Tiếc thương anh”. Người bạn anh coi như em gái đã nhắn gửi anh lời yêu thương “Hãy là mây cuối trời, anh nhé!”…
Trở về với những kỷ niệm
Tôi có nhiều dịp gặp gỡ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ở những sự kiện ra mắt sách, công chiếu phim, tham gia hội thảo, giao lưu phim ở tỉnh Quảng Trị, nói chuyện sách ở Bắc Ninh, Thư viện Quân đội... Anh là 1 trong những vị khách thân quen của cơ quan nơi tôi công tác trước đây, Vụ Văn hóa - Văn nghệ. Mặc dù khách đến cơ quan cần có người đón, nhưng sự xuất hiện của anh ở bất cứ lúc nào cũng được các đồng chí cảnh vệ “ưu tiên” cho lên tận nơi.
Ngày 5/11/2011, anh mang tặng tôi tập thơ Thơ tuổi hai mươi (in chung cùng Vũ Đình Văn) với dòng chữ viết nắn nót tròn đẹp bằng 3 màu mực “Rất quý mến tặng Tiến sĩ…” ký tên và thêm dòng chữ “Nhà thơ - Chiến sĩ” cộng số điện thoại có 4 số cuối là năm sinh (1952). Anh hồ hởi báo tin đang làm hậu kỳ phim Mùi cỏ cháy. Anh đọc bài thơ Nửa sau khoảng đời của Vũ Đình Văn và mới đến 2 câu đầu: “Thôi cho mình thắp nhang này/ Khóc Văn nước mắt đã đầy quả tim…” (Nhớ Vũ Đình Văn) trong nước mắt đẫm đìa…
Thường thì anh khá khép nép, ẩn mình, kín tiếng trước đám đông ồn ã. Nhưng khi nhập mạch, đăng đàn, nói về một điều gì anh tâm huyết, thì đừng mong ai xen vào được một câu nào. Chả thế nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét anh là người đọc thơ mê đắm nhất. Cứ để nhà thơ phiêu, bay trong cảm xúc rất thật, rất hồn nhiên ấy. Anh nói về thơ đầy mê đắm như cảm xúc đầu đời xao xuyến trào dâng dịu ngọt như chiếc hôn đầu.
Chả thế, anh đã tự bạch: “Nếu không còn làm thơ được nữa tức là không thể thở, là sẽ chết dần, chết mòn, héo úa hết màu xanh”. Tôi chỉ khẽ khơi khêu “là em rất mê thơ viết trong kháng chiến chống Mỹ của anh. Năm lớp 10, em đã từng được thầy giáo dạy văn cho điểm 9 khi bình bài thơ Nhật ký của anh đấy”. Trời, được lời như cởi tấm lòng, anh đứng phắt lên khỏi ghế như “thách thức” với tôi: “Được, em nói là thích bài thơ đó. Thế thì đọc lên thì mình mới tin”. Tôi đọc ngay bài thơ:
“Sáng: Bình minh ấy là bình minh kỷ niệm
Chiều: Hoàng hôn như lạ lại như quen
Tối: Tắc kè ném lưỡi vào đêm
Có ngủ được đâu
Nằm nghe lá thở
Nằm nghe súng nổ
Đánh giặc lần đầu, ai chả thế
Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ
Cuốn võng vào theo tiếng súng mà đi”.
Anh gật gù vỗ tay tán thưởng, rân rấn cảm xúc, rồi nói: “Cảm ơn chị. Bài thơ Nhật ký, em viết năm 1971 khi mới vào quân ngũ. Rất vui chị không đọc thành “Tắc kè liếm lưỡi vào đêm” như có người đã nhầm. Chữ “liếm lưỡi” làm hỏng cả bài thơ của tôi. Cũng như bài thơ Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, một người yêu thơ đọc thế này có chết tôi không. Tôi viết: “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/ Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm” thế mà dám bịa thay từ lăn lăn của tôi thành lăn tăn”. Tôi đứng ngây ngơ khi thấy anh “xoay” những cặp đại từ nhân xưng ngay trong một câu chuyện chỉ chừng có mấy phút. Lúc đầu, tôi có ngỡ ngàng. Mình kém nhà thơ đến chục tuổi mà “bị” gọi chị xưng em. Nhưng sau này, việc anh xưng em với tôi không phải một lần và tôi cũng chẳng còn ngạc nhiên nữa. Bạn bè tôi cũng đã từng “bị” như thế khi anh thay đổi cách xưng hô đến chóng mặt.
Biết anh là con trai cả của nhạc sĩ Hoàng Giác nổi tiếng với những nhạc phẩm Mơ hoa, Lỡ một cung đàn… tôi hỏi anh sự ảnh hưởng âm nhạc từ cha và anh đưa vào thơ một cách tự nhiên để có những bài thơ đầy âm thanh như: “Anh bộ đội và tiếng nhạc la, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”… Tôi chưa dứt lời, anh vỗ tay reo to” “Tuyệt, tuyệt vời quá Hồng ơi! Một ý hay của các nhà nghiên cứu. Em sẽ thấy tiếng ve của Cầm trong Mùi cỏ cháy”. Rồi anh đọc một mạch những bài thơ của mình. Giọng đọc thơ đầy biểu cảm chắt từ gan ruột của mình ra:
“Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu
Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ
Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có
Một hai ba giọng hát chú ve kim?”
(Bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu).
“Nguỵ trang công sự xong rồi
Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim
Cứ ôm khẩu súng ngồi yên
Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.
Thản nhiên cơn gió chạy qua
Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì?
…Yêu chim mà chẳng lên thăm
Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im”.
(Bài Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt).
- Hoàng Nhuận Cầm – 'cây đàn vàng' đã ngừng tiếng thơ
- Những bài thơ sống mãi với thời gian của 'bác sĩ hoa súng' Hoàng Nhuận Cầm
- 'Bác sĩ hoa súng' Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời do bị tắc phổi
Nhưng bỗng nhiên, anh chững lại, đọc bài thơ “Tái bút của người lính” trầm lắng giọng thủ thỉ ân tình: “Sau chiến tranh/ Gió thổi sáo/ Qua nòng đại bác/ Con sáo/ Co một chân/ Đứng giữa chiến hào/ Bờ ao/ Người thương binh/ Ngồi thổi sáo/ Chiếc nạng/ Cắm trên đất mẹ của mình”…
Anh nói về 2 kịch bản Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri mà tôi đã được đọc từ lúc kịch bản chưa chỉnh sửa lại đầy mê say. Anh “bật mí” cho tôi người sẽ vào vai 4 chàng lính trẻ Hoàng, Thành, Thăng, Long và Đại đội trưởng Phong trong Mùi cỏ cháy (đạo diễn: Hữu Mười, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất). Anh nói về phim Nhà tiên tri với bao cảm xúc và mời tôi xem buổi trình chiếu đầu tiên ở Hãng phim truyện Việt Nam cùng đạo diễn Vương Đức, vợ chồng NSND Bùi Bài Bình - Ngọc Thu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Hữu Việt…
Xem trên Facebook của anh giới thiệu chương trình Khách đến chơi với chủ đề Các con là ngọn lửa, tôi không thể cầm nổi nước mắt khi anh trích những câu thơ của chính mình viết cho các con mà anh yêu hơn tất cả. Yêu hơn bản thân mình. Các con là tình yêu để cho anh xanh tươi cảm xúc thơ, có thêm năng lượng đối mặt với những khó khăn, thách thức:
Các con là ngọn lửa
Các con là mầm xanh
Các con xòe tay đỡ
Cho bố chưa lìa cành…
Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội. Quê quán: Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Năm 1969, anh vào học Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Hưởng ứng phong trào “Gác bút nghiên lên đường chiến đáu”, năm 1971, anh nhâp ngũ vào Binh chủng Phòng không-Không quân. Anh chiến đấu ở các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1976, anh trở về Trường tiếp tục học tập. Tốt nghiệp Tổng hợp Văn, năm 1981, anh về nhận công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam. Sau thời gian công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam tham gia chương trình làm tên tên tuổi “Bác sĩ Hoa Súng”, năm 2005 Hoàng Nhuận Cầm trở về Hãng Phim truyện Việt Nam với vai trò viết kịch bản cho đến khi nghỉ hưu. Anh từng được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn. Và cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Tác phẩm: Văn học: Ngoài tập thơ Thơ tuổi 20 (in chung, 1974), Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của những tập thơ riêng: Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983), Xúc xắc mùa thu (1992), Thơ với tuổi thơ (2004), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007), 36 bài thơ tuyển chọn (2008), Tác phẩm văn học Giải thưởng Nhà nước (Xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến-2015), Điện ảnh: Kịch bản phim Lầm lỗi, Đằng sau cánh cửa, Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Pháp trường trắng, Ai lên xứ hoa đào, Đoạn trường chiêm bao, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri… Giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Xúc xắc mùa Thu năm 1993; Giải Biên kịch xuất sắc với kịch bản Mùi cỏ cháy tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (2011). Với những cống hiến cho sự nghiệp văn học nước nhà, năm 2012, anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 2 tập thơ Xúc xắc mùa Thu và Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến. Lễ viếng và truy điệu nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra từ 14h30 ngày 24/4 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội. |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags