(Thethaovanhoa.vn) - 1. Theo Nghị định của Chính phủ, từ ngày 1/2, việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức Nhà nước khi từ trần không có quá 7 vòng hoa. Trong thông báo tin buồn, ban tổ chức tang lễ cũng ghi rõ: “Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen”. Ban tổ chức sẽ chuẩn bị 2 vòng hoa đặt cố định hai bên bàn thờ và 5 vòng hoa luân chuyển. Đoàn này viếng xong, vòng hoa sẽ được chuyển lại cho các đoàn tiếp theo vào tiễn biệt người quá cố. Ngay cả với mỗi lễ Quốc tang cũng không có quá 36 vòng hoa. Trong đó, 6 vòng hoa cố định và 30 vòng hoa luân chuyển.
Có thể thấy, khi đời sống ngày càng sung túc, “phú quý sinh lễ nghĩa”, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều đám ma rình rang, kéo dài nhiều ngày, vòng hoa tràn ngập mộ phần. Cũng không thiếu cảnh đám tang của thân nhân quan chức thì vòng hoa không có chỗ chất, còn đám tang của dân nghèo cũng chỉ vài vòng hoa cho có lệ bên mộ người quá cố.
Việc hạn chế số lượng vòng hoa tang là việc làm thể hiện tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh trong hiếu hỷ. Quy định này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, vì nó động đến việc tâm linh, đến tập quán lâu đời của người dân Việt Nam, nên cần có thời gian.
2. Nhưng thực tế đã có nhiều dẫn chứng “luật hóa” phong tục thành công, như việc cấm đốt pháo dịp lễ Tết, vốn là tập quán trong bao nhiêu năm cũng đã được thực hiện quy củ.
Để quy định về lễ tang đi vào đời sống, “công chức đi trước, làng nước theo sau”. Đây là bước đi thích hợp, bởi công chức Nhà nước chịu sự ràng buộc trong đời sống nhiều hơn và dễ có chế tài để kiểm tra họ.
Thực tế, đây là quy định đã từng được thực hiện trước đó và đã thành công ở tỉnh Bình Dương. Đó là tỉnh đầu tiên có quy định cấm cán bộ công chức sử dụng quỹ cơ quan đi phúng viếng; cấm đánh bài trong tang lễ; hạn chế tiếng ồn vào ban đêm, đốt tiền, vàng mả, các hủ tục mê tín dị đoan...
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng tình nghĩa không nằm ở những vòng hoa, mà ở mối quan hệ trong đời sống mỗi người nằm xuống. Tôi nhớ năm 2010, nhà văn Băng Sơn, một văn nhân Hà Nội chia tay đời sống ở tuổi 79. Gia đình kể, trước khi mất ông dặn con cháu hỏa táng rồi rắc tro xuống sông Hồng. Để tiết kiệm đất cho người sống để hồn mình được siêu thoát mát mẻ bình yên. Rất nhiều người yêu Hà Nội đến tiễn biệt càng thêm kính trọng ông.
Hay trong Một đêm đưa ma Phụng của nhà văn Nguyễn Tuân, mấy nhà văn bạn Phụng đang chơi bên Gia Lâm thì được tin Vũ Trọng Phụng mất. Tảng sáng, không còn tiền, họ đi bộ qua Cầu Sông Cái về Cầu Mới, rồi nhập vào đám tang đưa tiễn Vũ Trọng Phụng về nơi an nghỉ ở nghĩa trang Quảng Thiện.
Những đám ma giản đơn, ít vòng hoa và không rình rang nhưng người mất mãi ở trong lòng người đang sống.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa