(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi bài "Tiếng Việt đang đi về đâu?" được đăng tải, Diễn đàn văn hóa nhận được nhiều ý kiến và nhiều bài tham gia bàn luận. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải các ý kiến để độc giả có cái nhìn nhiều chiều về vấn đề này. Cám ơn các tác giả đã gửi bài tham gia diễn đàn, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều bài hơn nữa.
Diễn đàn văn hóa "Tôi yêu tiếng nước tôi" trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Huy Bảo gửi đến điễn đàn từ địa chỉ ([email protected]) sau khi đọc bài "Tiếng Việt đang đi về đâu?" của tác giả Dương Tường,
"Tôi rất kính trọng nhà văn, nhà thơ, dịch giả Dương Tường vì những gì ông làm được cho văn hóa nước nhà. Và tôi cũng chia sẻ nỗi băn khoăn của ông về tình trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay. Nhưng tôi không đồng ý với ông ở một vài điểm…
Thứ nhất, việc tiếng Việt, cũng như nhiều thứ tiếng khác hiện nay, tạm gọi là “bị xâm lăng” bởi tiếng Anh là một chuyện gần như là tất nhiên, vì quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia ngày càng nhiều, nhanh và sâu rộng. Và không thể ngăn cản. Rất nhiều từ vựng tiếng Anh chưa kịp có thời gian thẩm thấu và tìm ra được một từ tiếng Việt tương đương đã có ngay từ khác thay thế rồi. Tôi lấy ví dụ trong ngành công nghệ thông tin mà tôi làm việc thôi là đã thấy rất nhiều từ thuộc lĩnh vực này thậm chí những sinh viên bây giờ còn không biết là gì, ví dụ như: frame relay, mainframe, thin client, terminal… mà những từ đó bây giờ còn rất ít được sử dụng. Thậm chí, một từ có vẻ tiếng Việt nhất trong ngành công nghệ thông tin mà mọi người hay dùng hiện nay là “tin tặc” - mà theo mọi người hiểu có nghĩa là hacker - cũng không hoàn toàn đúng với nguyên nghĩa của nó trong tiếng Anh “a person who uses computers to gain unauthorized access to data./ a person or thing that hacks or cuts roughly”.
Đó mới chỉ là một vài ví dụ trong một ngành hẹp. Và còn rất nhiều như thế nữa. Vậy thì việc kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt một cách cực đoan liệu còn có thể phù hợp không? Bản thân tôi nghĩ là không thể. Và thậm chí, nhiều khi việc cực đoan như vậy còn tạo ra những thứ rất là buồn cười nữa. Ví dụ: dạo gần đây tôi xem trên TV thấy tự nhiên người ta sử dụng cụm từ “quyết định truy nã” thay cho “lệnh truy nã”. Sự khác nhau giữa “lệnh” và “quyết định” thì xin dành cho các nhà ngôn ngữ giải thích.
Một ví dụ khác trong lĩnh vực giao thông: bây giờ nhà nước lại sử dụng từ “Đường tỉnh” - viết tắt là ĐT thay cho “Tỉnh lộ”, điều này dẫn đến một cách nói rất là thừa và buồn cười như thế này: “hiện có kẹt xe tại đường ĐT 746 ” - đọc đúng sẽ là đường đường tỉnh 746. Trong khi nếu là cách cũ thì chỉ cần nói “hiện có kẹt xe tại tỉnh lộ 746”.
Oái ăm nữa là người ta lại không đổi tất cả, mà chỉ đổi một số, ví dụ Quốc lộ sao không đổi thành “Đường nước”(?!?) luôn cho đồng bộ, hay “Hương lộ” thành “đường huyện”. Ngay cả bản thân chữ “Nhà nước” so với chữ “quốc gia” đã thấy không hợp lý rồi, mặc dù chúng có ý nghĩa giống nhau. “Nhà nước” nghe có vẻ như là sở hữu của một nhà nào đấy, không phải tài sản của chung như chữ “Quốc gia”.
Nguồn gốc của việc đổi này theo tôi hiểu có lý do của nó nhưng chẳng phải cắm đầu cắm cổ giữ sự cực đoan “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là không cần thiết và phản tiến hóa sao? Tiếng Việt chúng ta có những từ dịch từ tiếng nước ngoài khá thành công như “Vật lý”, “Hóa học” nhưng có ai để ý rằng những từ đó xuất hiện khá lâu rồi, và thời kỳ đó chưa có máy tính, cũng như internet.
Chúng ta có thể dịch được cũng như dịch tốt những từ đó, nhưng phải có thời gian để thấm thấu. Hơn nữa, việc đó dành cho những nhà ngôn ngữ học, chứ không phải những người bình thường. Người bình thường họ chỉ cần biết làm sao để diễn đạt những gì họ muốn nói nhanh nhất có thể, và phải đến được số đông đều hiểu. Họ không thể và cũng không có khả năng làm được điều đó. Làm sao bắt họ dùng từ tiếng Việt “thiết bị chuyển mạch” dài dòng thay vì “switch” ngắn gọn hơn. Hoặc “lệnh giao dịch tương lai” thay vì “lệnh future”, “đơn đặt hàng” thay vì “order”…
Các nhà văn, nhà thơ, dịch giả hãy làm thay cho họ, những người bình thường, vì đây là công việc của các bạn. Thay vì ngồi đó than vãn và chỉ trích, hãy cố gắng làm giàu thêm vốn từ vựng cho công chúng. Bản thân tôi bây giờ kiếm một cuốn từ điển tiếng Việt mà có cập nhật cũng rất khó. Vì có vẻ các nhà ngôn ngữ Việt Nam đang bận than vãn nên không có thời gian cập nhật chăng?
Còn một điều nữa, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Dương Tường cho rằng người Nhật, người châu Âu ít dùng tiếng Anh thì có vẻ không được cập nhật cho lắm. Người Nhật Bản không những dùng tiếng Anh và tiếng nước ngoài khác nhiều mà họ còn có cả một bộ chữ Katakana để làm việc này. Tất cả tiếng nước ngoài mà họ không có chữ tiếng Nhật thay thế thì họ phiên âm sang Katakana hết, ví dụ camera -カメラ, pianist =ピアニスト… tiếng Hàn quốc có từ “selca” để chỉ hành động chụp ảnh tự sướng là ghép từ chữ selfie và camera. Tiếng Pháp, Đức, Italy, Nga cũng có rất nhiều từ xuất phát từ tiếng Anh và họ dùng hàng ngày. Thậm chí, ngay cả tiếng Anh - Anh và tiếng Anh - Mỹ bản thân cũng có sự khác nhau do sự du nhập văn hóa. Chúng ta thích nghe người nước ngoài dùng chữ “phở bò” hay là “beef noodle”, hay gần đây có một anh đầu bếp người Mỹ bị “ném đá” không thương tiếc khi anh ta nói phở là một loại “ramen mới”.
Tóm lại, tôi đồng ý rằng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc cần làm. Nhưng không phải theo cách hiểu như nhà văn, nhà thơ, dịch giả Dương Tường nói. Cái cần làm hiện nay theo tôi là chuẩn hóa tiếng Việt, vì có rất nhiều cách sử dụng tiếng Việt hiện nay theo tôi là thừa thãi, sính chữ. Thậm chí ngay trong văn bản của Nhà nước là nơi đáng lẽ không nên xảy ra mà cũng đã có, hoặc các BTV của đài truyền hình quốc gia cũng dùng sai. Các nhà viết quảng cáo tiếng Việt hiện tại thì trời ơi, kinh hoàng luôn. Ví dụ thì rất nhiều, quý vị đi ngoài đường là thấy liền. Còn việc thay thế từ nước ngoài bằng từ tiếng Việt tương đương thì như đã nói ở trên, rất khó và mất thời gian; vì đặc thù tiếng Việt không phải một ngôn ngữ mang tính khoa học, đơn nghĩa, mà là ngôn ngữ của văn thơ, âm điệu lên bổng xuống trầm, đa nghĩa. Và cuối cùng, làm ơn biên soạn một cuốn từ điển tiếng Việt thật sự cho ra hồn, cập nhật thường xuyên, và mang nó online để nhiều người có thể sử dụng được".
Trân trọng".
Huy Bảo ([email protected])
Tags