(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần một năm rưỡi phát hành Hộ chiếu tâm hồn - tập tùy bút thứ hai của Vi Thùy Linh, tháng 8/2015 - NXB Kim Đồng vừa tái bản cuốn sách này. Giữa lúc văn hóa đọc đang xuống cấp, việc làm này của NXB Kim Đồng đã chứng tỏ cuốn sách là món quà tích cực góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, nhất là với bạn đọc trẻ hôm nay.
Qua tên tác phẩm và nhất là qua những trang sách có lửa, được viết bằng tất cả sự nhiệt huyết, đam mê và rất nhiều trăn trở của tác giả, người đọc nhận thấy, ẩn sau từng con chữ là khát vọng kiếm tìm tấm thẻ căn cước tinh thần - tấm hộ chiếu văn hóa cho những công dân toàn cầu Việt Nam thế kỷ XXI.
Ăm ắp tình yêu
Dụng công của tác giả và ê kíp tham gia làm sách thể hiện rất rõ. Tập tùy bút 244 trang được làm kỹ càng, đẹp và sang trọng. Bìa do họa sĩ nổi tiếng Đặng Xuân Hòa vẽ trái tim yêu thương nở hoa lá và chim về hót, in màu rực rỡ. Sáu họa sĩ tên tuổi khác tham gia vẽ minh họa.
Sách gồm 34 bài viết, chia thành 3 phần với tít hấp dẫn. Phần 1: Liên Xuân, 10 bài. Phần 2: Link, 11 bài. Phần 3: Visa của ViLi: 13 bài.
Khát khao góp phần định hướng thẩm mĩ cho độc giả bằng đặc trưng của nghệ thuật, Vi Thùy Linh ráo riết chọn cách thể hiện ý tưởng của mình thông qua cái đẹp, nên tấm Hộ chiếu tâm hồn của chị thiên về phản ánh những đề tài đẹp, tình cảm đẹp, lối sống đẹp và cống hiến.
Mỗi con chữ đều ăm ắp tinh thần sống đầy, đều toát lên tính nhân văn mới mẻ. Bên cạnh tình yêu gia đình là thái độ trân trọng bản thân. Song song với tình yêu đất nước, con người là ý thức công dân thường trực. Ngoài tình yêu đất nước hình chữ S là tình yêu Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại...
Sâu đậm hơn tất cả là tình cảm gắn bó với đất thiêng Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn của Linh và chính trầm tích văn hóa Thăng Long nâng đẩy, bồi tụ nuôi dưỡng tâm hồn chị, đã ánh xạ vào trang văn của chị, giúp Linh nhận ra “Bóng nước hồ Gươm là album ảnh đầy phép thuật tích hợp triệu triệu khoảnh khắc Thăng Long” (trang 34).
Bởi, với Vi Thùy Linh, linh hồn của Hà Nội thanh lịch nằm chỉ thuộc về phần Hà Nội tinh hoa, ngàn năm văn hiến.
Tấm "hộ chiếu văn hóa" của công dân Việt
Như luồng gió ấm giữa ngày Đông giá lạnh, là ngọn gió mát lành giữa ngày Hè nóng nực, Hộ chiếu tâm hồn của Vi Thùy Linh đã gửi tới công dân toàn cầu Việt trong thời kỳ hội nhập bức thông điệp bổ ích: hãy sẵn sàng thích ứng với mọi không gian trên khắp thế giới, nhưng đừng bao giờ nguôi quên nguồn cội.
Dù đi đâu thì phần sâu thẳm nhất hãy dành cho gia đình, cho tình cảm truyền thống ngàn đời. Dù bước chân luôn hào hứng những cuộc đi, lòng đừng quên nỗi khắc khoải trở về.
Giữa cuộc đời còn nhiều trái ngang, hãy bình tĩnh, mạnh mẽ đón nhận cuộc sống, bảo vệ và yêu quý thiên nhiên động vật là cốt cách con người văn minh - xu thế phát triển bền vững của nhân loại ngày nay, vì tương lai thế giới. Viết hoa hai chữ Tổ Quốc, đừng quên viết hoa hai chữ Trái Đất thiêng liêng.
Không những thế, qua ý thức lao động của tác giả, Hộ chiếu tâm hồn còn nhắc nhở bồi dưỡng cho bạn đọc tình yêu tiếng Việt thiêng liêng và đặt nó là sứ mệnh đời văn. Bởi vì hiểu rõ đặc thù của nghệ thuật ngôn từ, ViLi cật lực làm việc trên cánh đồng chữ nghĩa và luôn dị ứng trước mọi lối diễn ngôn lười biếng.
Quan niệm này giúp tác giả tạo được một lớp ngôn từ riêng bắng hơi văn tươi mới, hiện đại nên trong Hộ chiếu tâm hồn có không ít từ mới, những biểu tượng mới mang thương hiệu ViLi: Hộ chiếu tâm hồn, ái trình, ái thành, khiết tình, chiết tỏa, khởi hợp, nhiệt lưu, hưởng du, thẩm du, thể mĩ, truyền sinh, tràn phổ, phồn sinh, bí nhiệm, miên hương, nụ lệ, hồng cầu chữ...
Văn của ViLi lạ và sống động với lượng với dữ liệu văn hóa và kiến văn phong phú, ngôn từ tuôn chảy, chồng lớp. Nhà nghiên cứu, PGS.TS Ngô Văn Giá đã coi hiện tượng này là "cuộc bạo động chữ" của Linh. Dường như trong khoảnh khắc thăng hoa đặc biệt, tiềm năng ở người nghệ sĩ đồng loạt chuyển hóa thành câu chữ, gây hiệu ứng nghệ thuật bất ngờ.
Đến với Hộ chiếu tâm hồn của Vi Thùy Linh, bạn sẽ thấy ở đây một tâm hồn đẹp đẽ. Cuốn sách hồng ấy sẽ giúp độc giả của nó di dưỡng tâm hồn và thêm tin yêu cuộc sống, đánh thức những nghĩ suy và niềm tin mai một, thêm trang cho hộ chiếu tâm hồn người đọc.
Và nếu: “Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên…” (*). Thì bằng văn chương, Vi Thùy Linh đã góp phần cùng đồng nghiệp rung ngân hồi chuông, đánh thức những giá trị truyền thống cao đẹp, lấy đó làm điểm tựa cho nội lực của cá tính sáng tạo.
Rồi dưới thứ ánh sáng thông tuệ và minh triết tỏa ra từ tâm hồn dân tộc chúng ta, có thể đến với hệ giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại.
(*): Nguyễn Nhật Ánh, Trích diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thailand 2010).
PGS.TS Trần Thị Trâm
Thể thao & Văn hóa
Tags