Vì sao Việt Nam ít tham gia các hội chợ nghệ thuật quốc tế?

Thứ Tư, 24/01/2018 19:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 25/1 tại Singapore, phiên bản thứ 8 của hội chợ nghệ thuật Art Stage Singapore sẽ ra mắt báo giới và khách mời đặc biệt, trước khi khai mạc đại trà vào sáng 26/1/2018. Với 97 phòng tranh đến từ 38 thành phố lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, đây được xem là cuộc hội tụ thương mại nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. Cũng ít ỏi như mọi khi, năm nay Việt Nam chỉ có phòng tranh Cúc (Hà Nội) tham dự.

So với năm 2017, với hơn 130 phòng tranh từ 27 quốc gia, Art Stage Singapore 2018 đang bị cho là “mất mùa”. Khác với hội chợ của các lĩnh vực có tính “nhu yếu phẩm”, hội chợ nghệ thuật là cuộc chơi của “xa xỉ phẩm”, nên khó khăn luôn rất lớn. Bởi thực tế cho thấy vô vàn gia đình dư ăn dư mặc nhưng cả đời không cần mua một tác phẩm nghệ thuật nào.

Chi phí là một thách thức

Phòng tranh Cúc hiện có tác phẩm của Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường, Đinh Ý Nhi, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Phúc, Lý Trần Quỳnh Giang, Tulip Dương, Lại Diệu Hà, Nguyễn Bạch Đàn… Với những không gian đắt đỏ và khá giới hạn diện tích như Art Stage Singapore, Cúc sẽ khó trưng bày hết các tên tuổi này, đó cũng là một thách thức.

Chú thích ảnh
Tác phẩm sắp đặt "Hà Nội - Hà Nội" (chất liệu tổng hợp, 2018) của Nguyễn Sơn được phòng tranh Cúc trưng bày tại Art Stage Singapore 2018

Ước tính giá thuê mặt bằng và các chi phí bắt buộc để xuất hiện một gian hàng nhỏ tại Art Stage Singapore vào khoảng 60 ngàn USD (hơn 1,3 tỷ đồng).

“Không riêng gì Việt Nam đâu, các nước lân cận khác cũng vậy thôi, khởi đầu họ rất hăng hái, nhưng làm sao để hòa vốn hoặc bội thu là rất nan giải. Hội chợ chỉ vài ngày, mà chi phí thì rất lớn, các phòng tranh nhỏ lại chưa có nhiều quan hệ, đối tác, nên thường gặp rất nhiều khó khăn. Các phòng tranh lớn đến với hội chợ bằng tâm thế khác, họ xem đây là cơ hội quảng bá, trưng bày tuyệt vời, mà mục đích chính là thu hút người xem, chứ không phải để xúc tiến thương mại hoặc bán hàng trực tiếp” - chị Nguyễn Thị Phượng, chủ phòng tranh ArtBlue Studio (Singapore) khẳng định.

Giám tuyển Trần Lương cũng đồng tình với khía cạnh chi phí là một thách thức lớn. Anh phân tích: “Với những hội chợ như Art Stage Singapore, chỉ những phòng tranh trường vốn hoặc có “chống lưng” thì mới dám tham gia thường xuyên. Mục đích chính không phải bán hàng tức thời, mà để phát triển thị trường hoặc đầu tư dài hạn, để tạo dựng những khuôn mặt có tiềm năng lớn, kích hoạt những tác phẩm đặc biệt. Với mục đích và điều kiện như vậy thì Việt Nam chẳng có mấy phòng tranh đủ sức tham gia”.

Chú thích ảnh
Art Stage Singapore luôn có đông đảo người tham dự

Anh Lương nói thêm: “Nhà đầu tư có tầm nhìn không có, nghệ sĩ đủ điều kiện tài chính cũng không có, giá tác phẩm thì còn quá thấp… vậy mơ làm gì. Ở khía cạnh này, Việt Nam chỉ có phòng tranh Quỳnh (TP.HCM) là tương đối đủ tiềm lực, họ đang làm khá tốt cho nghệ thuật đương đại Việt ở các hội chợ quốc tế”.

“Giá tác phẩm của Việt Nam còn quá thấp, khi tham gia các sự kiện như Art Stage Singapore, nếu bán được thì phải bán bao nhiêu tác phẩm mới hòa vốn. Đây là một cái vòng luẩn quẩn, sợ thua lỗ nên ngại đi các hội chợ quốc tế, mà không đi thì khó nâng giá tác phẩm và giá trị thương hiệu, khó bán được tác phẩm giá cao” - họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thiên hà của tôi 1” (chất liệu tổng hợp, 2017) của Nguyễn Sơn. Tại Art Stage Singapore 2018, phòng tranh Cúc đưa tác phẩm của Nguyễn Sơn đi trưng bày

Câu chuyện hòa nhập

Art Stage Singapore không chỉ có trưng bày, bán hàng và xúc tiến thương mại, mà còn tạo ra những diễn đàn chuyên môn về nghệ thuật. Năm này họ có diễn đàn Đông Nam Á về vấn đề trưng bày thương mại trong khu vực và quốc tế, nhằm giới thiệu các nghệ sĩ nội địa ra châu Á và thế giới. Đây rõ ràng là vấn đề rất bổ ích, nhưng vì không tham gia trưng bày, các phòng tranh tại Việt Nam cũng ít có động lực để tham gia chuyên môn.

Lê Kinh Tài nói thêm: “Các tổ chức phát triển nghệ thuật ở Việt Nam thì quan tâm nhiều tới các hoạt động thể nghiệm, thực hành nghệ thuật mới, hơn là chuyện mua bán tác phẩm, khác nhau về mục đích, nên khó tham gia. Hơn nữa, nguồn kinh phí hoạt động của họ chủ yếu đến từ các đơn vị tài trợ, đâu thể trích ra để tham gia các hoạt động thương mại được”.

Một phòng tranh (muốn giấu tên) chia sẻ rằng vấn đề ngoại ngữ và nhân sự rành rẽ các hoạt động của hội chợ quốc tế là điều cũng rất đáng suy nghĩ. Nếu không có được thì việc tham dự chỉ như “người mù đi đêm”, hiệu quả về thương mại khó đạt, mà hiệu quả về nhận thức cũng yếu kém.

Còn các tổ chức thiên về sáng tạo, thể nghiệm và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam như Sàn Art, New Space Arts Foundation, The Factory… thì không bao giờ chủ động tham gia các hội chợ nghệ thuật, trừ khi họ được mời và được tài trợ. Mà sự xuất hiện của họ cũng chỉ nhằm bổ túc về chuyên môn, chứ không phải để phát triển thương mại, bán hàng trực tiếp.

Hội chợ nghệ thuật - nhìn từ một khách hàng

Hội chợ nghệ thuật - nhìn từ một khách hàng

Hội chợ nghệ thuật đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thật sự gặp nhiều hiểu lầm do tên gọi bị đổi thành triển lãm, như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đề cập chi tiết.

Văn Bảy

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›