Tương tự, mỹ nhân Charlize Theron thách thức đám đàn ông phản đối phim Mad Max khi trưng hình thể cơ bắp chẳng kém gì họ và vào vai một nữ thống soái uy dũng.
Diễn viên hài Amy Schumer thẳng thừng tuyên bố: “Tôi nặng 73kg nhưng có thể có bất cứ cái của quý đàn ông nào mà tôi muốn”. Với những phụ nữ mạnh mẽ như thế trong thời hiện đại, áp lực xã hội về hình thể đã không còn đe dọa được họ nữa.
J.K. Rowling lên tiếng bảo vệ Serena Williams
Cuộc tranh cãi về hình thể phụ nữ lại nổ ra khi một trong những phụ nữ tiêu biểu nhất trong năm, Serena Williams (nhà vô địch quần vợt Wimbledon, Australian mở rộng và Pháp mở rộng), bị "ném đá" vì dáng người cơ bắp. Những tít báo về thành tựu và tài năng của Williams dần được thay thế bằng những tít báo về vẻ ngoài của cô, bắt đầu từ một bài báo trên New York Times.
Bài báo nói rằng Williams phải mặc áo dài tay khi ra ngoài để che giấu hình thể của mình và tránh bị nhận ra. Còn các tay vợt nữ khác không ai muốn có một hình thể như cô, vì họ phải trông xinh đẹp và thon thả để nhận được các lời mời chụp ảnh thời trang, đại diện thương hiệu…
Nhưng Vanity Fair cho rằng bài báo trên New York Times, với hướng phản ánh khá tiêu cực về áp lực hình thể của các tay vợt nữ, đã không được hưởng ứng. Bài báo bị phản đối trên Twitter vì đã xúc phạm vẻ ngoài của Williams.
Ngoài cộng đồng hâm mộ, ủng hộ Williams còn có nữ nhà văn có ảnh hưởng J. K. Rowling, tác giả Harry Potter. Khi một độc giả nói tay vợt này trông như đàn ông, Rowling đáp lại bằng cách đăng ảnh Williams mặc váy bó khoe đường cong và nói: “Anh là một gã ngốc”.
Trong lịch sử, truyền thông và công chúng chưa bao giờ lơ là việc phán xét vẻ ngoài của các vận động viên nữ. Gần đây, Marco Aurelio Cunha, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil, tuyên bố rằng bóng đá nữ thu hút được sự chú ý của công chúng là vì ngày càng có những cầu thủ xinh đẹp trên sân đấu, và quan trọng hơn “quần soóc của họ ngày càng ngắn và kiểu tóc cầu kỳ hơn”.
Theo Cunha, vẻ ngoài của các cầu thủ nữ mang trọng trách thu hút lượng khán giả kỷ lục cho vòng chung kết World Cup bóng đá nữ năm nay, chứ không phải màn hattrick ấn tượng của ngôi sao đội tuyển Mỹ Carli Lloyd.
Coi áp lực xã hội nhẹ tựa lông hồng
Nhưng điều đáng nói nhất trong toàn bộ vụ tranh cãi Williams chính là “sự phản kháng” của cô. Tối 11/7, trong bữa tiệc mừng chiến thắng Wimbledon ở London, cô mặc bộ đầm hồng phớt tha thướt đầy nữ tính, nhưng vẫn để lộ bắp tay, để chứng minh bài báo của New York Times đã sai, đồng thời phát thông điệp cơ bắp và nữ tính không mâu thuẫn với nhau.
Hôm 14/7, Williams lại đăng lên Instagram bức ảnh “tự sướng” mặc bikini và nằm trên một bãi biển ở Thụy Điển. Tay vợt muốn gửi đến công chúng một thông điệp: cô tự tin với hình thể của mình chứ không muốn che giấu nó như trong bài báo kia.
Cách hành xử của Williams gợi nhớ đến một số ngôi sao nữ trong giới giải trí Hollywood. Mới tuần trước ở hội chợ truyện tranh Comic-Con, ngôi sao hạng A Jennifer Lawrence tuyên bố: “Nếu bạn đã chứng tỏ được khả năng của mình, người ta sẽ muốn mời bạn đóng phim và họ không quan tâm đến hình thể”.
Năm 2013, Lawrence từng nói với tạp chí Harper’s Bazaar: “Ai đó nói rằng tôi béo, tôi sẽ bị mất việc nếu không chịu giảm một số cân nặng nhất định”. Nhưng cô không bị áp lực vì chuyện đó, nhiều lần xuất hiện trên truyền thông, Lawrence vẫn bảo vệ quan điểm về hình thể: “Tôi thà trông mập mạp trước ống kính và bên ngoài trông như người thật, còn hơn là trông tuyệt đẹp trước ống kính nhưng lại như một con bù nhìn trong đời thực”.
Một ngôi sao nữ “cơ bắp và không hổ thẹn” khác chính là Nữ hoàng nhạc pop Madonna. Việc luyện tập vũ đạo và phong cách sống đã mang lại cho Madonna hình thể gân guốc nhưng chưa bao giờ chị xấu hổ vì điều đó.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Tags