Vì sao không thể lấy 'độc trị độc' với Barcelona?

Thứ Sáu, 08/05/2015 14:39 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng 3-0 của Barcelona trước Bayern Munich tối thứ Tư là một trong những trận đấu hay nhất ở mùa giải này, diễn ra ở tốc độ nhanh nhất giữa 2 đội bóng đều quyết tâm chơi pressing, chuyền bóng kỹ thuật và tấn công liên tục.

Lý do giải thích cho điều đó là bởi Pep Guardiola, trong lần đầu trở lại Camp Nou, rõ ràng đã quyết tâm dùng chính sách của Barcelona để đánh bại Barcelona. Người tiền nhiệm của ông, Jupp Heynckes, đè bẹp Barcelona 2 năm về trước với cách tiếp cận hoàn toàn khác, một lối chơi có kiểm soát, dựa nhiều vào thể lực, các đường phản công và những tình huống cố định. Cách tiếp cận đó không khác nhiều so với các đội kém thế hơn Barca ở La Liga, nhưng khác biệt là ở chỗ Bayern của Heynckes triển khai các ý đồ phản công ở đẳng cấp thế giới.


Barca giành chiến thắng 3-0 trước Bayern Munich ở Camp Nou

Guardiola, trong khi đó, định lấy độc trị độc. Nhưng không may cho Pep, kể từ khi ông làm HLV Barca tới nay, hiếm có đội bóng nào đánh bại được Barca theo cách đó. Tất nhiên, cũng không nhiều đội dám đối đầu trực tiếp với Barcelona trong một trận đấu mà cả hai bên đều chơi tấn công ở tốc độ cao, dù khi điều đó xảy ra, người hâm mộ sẽ được chứng kiến một trận đấu cực kỳ phấn khích, như ở một hành tinh khác (và khả năng lớn là một cuộc thảm sát của Barca).

Có 4 dấu hiệu chỉ ra rằng một đội bóng sẽ đánh bại Barca bằng chính cách của Barca. Trước tiên, họ gây sức ép liên tục từ xa khung thành đội nhà. Thứ hai, họ tổ chức bóng ngay từ phía sau và chuyền dần lên trên, thay vì những đường chuyền dại vượt tuyến. Thứ ba, họ đẩy cao hàng thủ. Và thứ tư, họ tìm cách khai thác khoảng trống đằng sau Barca với những đường chuyền và sự di chuyển liên tục.

Dưới đây là vài ví dụ

Barcelona 3-1 Villarreal, La Liga, tháng 11/2010

Đây có thể không phải là một trận Clasico, hay một trận đấu lớn ở Champions League, nhưng có lẽ là màn trình diễn kỹ thuật đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua. Villarreal khi đó là một đội bóng rất mạnh và dồi dào cảm hứng, với Borja Valero và Bruno Soriano đá tiền vệ trung tâm, Santi Cazorla và Cani ở 2 cánh, trong khi Giuseppe Rossi và Nilmar tạo thành hàng công, giúp họ có thể hoán đổi liên tục giữa 4-4-2 và 4-2-2-2.

Đội bóng của HLV Juan Carlos Garrido đã đẩy rất cao tuyến phòng ngự, nhất là sau khi để thủng lưới từ sớm bởi một bàn của David Villa (Pedro Rodriguez còn ghi một bàn tương tự, hợp lệ nhưng bị thổi việt vị). Bù đắp cho sự sơ hở phía sau, Villarreal đã có khá nhiều cơ hội nhờ thâm nhập được vào các khoảng trống của Barca, và Rossi cùng Nilmar bỏ lỡ khá nhiều tình huống ngon ăn.


David Villa sớm chọc thủng lưới
Villarreal

Rốt cuộc, trận đấu được định đoạt bởi một bàn thắng ngoạn mục của Lionel Messi, khi anh có 2 pha phối hợp bật nhả liên tiếp với Pedro trước khi gẩy bóng qua thủ thành Diego Lopez đang lao ra, đúng như cách anh đánh bại Manuel Neuer tối thứ Tư.

Arsenal 2-1 Barcelona, vòng 16 đội Champions League, 16/2/2011

Arsenal bị Barca đè bẹp hoàn toàn mùa trước mùa này, thua với tổng tỉ số 3-6 ở vòng tứ kết và chỉ may mắn mới có trận hòa 2-2 trên sân nhà nhờ những pha cứu thua xuất thần của Manuel Almunia. Họ đơn giản là không chịu nổi sức ép từ Barcelona. Nhưng lần này mọi chuyện đã khác.

Hai diễn biến của trận đấu này đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, Arsenal đã chơi pressing ngay từ đầu và ngay từ hàng tiền đạo. Thứ hai, họ thích nghi tốt hơn với việc bị đối phương gây sức ép lại, và Jack Wilshere có lẽ đã chơi trận hay nhất sự nghiệp trong màu áo Arsenal.

Một lần nữa, đẩy cao đội hình khiến hàng thủ trở nên quá mỏng manh trước Barca. Messi và Villa đều có những cơ hội đối mặt: Messi bỏ lỡ, nhưng Villa đã ghi bàn. Aresnal chỉ trở lại với trận đấu vì Guardiola đột ngột chuyển sang chơi phòng ngự, để đối phương đẩy cao đội hình, thay vì tiếp tục tấn công tìm bàn nâng tỉ số. Nhưng ngay cả chiến thắng ở Emirates cũng là không đủ, Arsenal thua 1-3 trong trận lượt về tại Camp Nou.

Athletic Bilbao 2-2 Barcelona, La Liga, tháng 11/2011

Trận đấu phán xét của Guardiola, khi ông đối mặt với người tạo cảm hứng cho ông trong nghề HLV, Marcelo Bielsa. Guardiola cho ra sân một hàng công lạ mắt với bộ ba Messi, Cesc Fabregas và Adriano, có lẽ vì ông muốn tăng thêm sự kiểm soát ở tuyến giữa, nhưng kiểm soát bóng ở trận này tỏ ra rất khó khăn, một phần quan trọng vì cơn mưa như trút nước tại bắc TBN lúc bấy giờ.

Athletic dẫn 2-1 nhờ vào một bàn phản lưới kỳ lạ của Gerard Pique, và chỉ để tuột chiến thắng bởi bàn gỡ của Messi trong những phút cuối cùng. Guardiola đã buộc phải leo thang trong việc tấn công với 3 quyết định thay người đều nhằm tìm kiếm bàn thắng: Alexis Sanchez thay Xavi, Villa thay Adriano và cuối cùng là Thiago Alcantara thay Pique. “Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải một đối thủ chơi quyết liệt và bóp nghẹt các khoảng trống của chúng tôi như thế”, Guardiola thừa nhận sau trận đấu.

Barcelona 2-2 Real Madrid, Copa del Rey, tháng 1/2012

Một trận đấu hấp dẫn hiếm hoi của Jose Mourinho. Real trước đó từng định đá đôi công với Barca và bị đè bẹp 5-0, nên Mourinho có khuynh hướng rút lại vào trong vỏ sò của ông những trận sau đó, với hàng tiền vệ 3 người và không có tiền đạo nào.


Jose Mourinho bố trí Cristiano Ronaldo bên cánh trái

Tuy nhiên, ở trận này, Mourinho đã tìm lại sự tự tin: ông bố trí Cristiano Ronaldo bên cánh trái, Karim Benzema tiền đạo cắm và Kaka cùng Mesut Oezil đều đá chính. Real gây sức ép liên tục và những pha phát bóng yếu ớt của thủ thành Jose Manuel Pinto khiến Barca hay mất bóng trên phần sân nhà. Dẫu vậy, họ vẫn dẫn 2-0 trước giờ nghỉ với một pha dứt điểm gọn ghẽ của Pedro và cú sút trái phá từ Dani Alves, nhưng Real trở lại mạnh mẽ trong hiệp 2 và đá gần như với sơ đồ 4-2-4. Ronaldo và Benzema đều ghi bàn để đảm bảo chiến thắng chung cuộc cho đội bóng áo trắng.

Giờ trở lại với trận gặp Bayern, Guardiola đã sử dụng hàng thủ 3 người cho chuyến làm khách ở Camp Nou, với ý đồ phân công một kèm một: Rafinha-Messi, Jerome Boateng-Luis Suarez, và Medhi Benatia-Neymar. Đó là một sai lầm. Với cả 3 tiền đạo đó, nhất là với Suarez, một người kèm không bao giờ là đủ, ngay cả nếu hậu vệ đó có bám riết lấy anh trong suốt 90 phút.

Bù lại, Bayern có thể gây sức ép từ cao hơn trên sân, nhưng những cơ hội mà họ tạo ra đã không đủ để sửa chữa cho quá nhiều lỗ hổng phía sau.

Trần Trọng
Theo ESPN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›