“Vậy là đã đi qua quý 1 của năm 2023 rồi! Cuối năm lấy chồng”: Thật giả, giả thật lẫn lộn đâu cần 1/4 mới nghe

Thứ Bảy, 01/04/2023 14:03 GMT+7

Google News

Chẳng cần Cá tháng Tư đâu vì ngày nào cũng vậy thôi, 3 phần nói dối - 7 phần… như 3.

Vậy là chúng ta đã đi qua quý 1 của năm 2023 rồi! Và xin chào, tháng 4 là lời nói dối đã chính thức gõ cửa.

Chắc sáng nay nếu lướt MXH, hẳn bạn đã thấy vô vàn những bài đăng về ngày đầu tiên đặc biệt này rồi đúng không? Từ hài hước, tích cực thậm chí sâu lắng, trầm tư về ngày 1/4 - Cá tháng Tư này đều có cả. Để đoán thử nội dung xem có đúng không nhé:

“Không cần ngày Cá tháng Tư vì cuộc đời bạn đã như một trò đùa”. 

“Cá tháng Tư - ngày quốc tế tỏ tình đến rồi”. 

“Tháng tư đôi khi thật mỏng manh để mình nói ra những câu chân thật”. 

“Chào mừng ngày Cá tháng Tư, ngày của những lời nói dối. 3 phần là giả, 7 phần đôi khi là thật”. 

Có một thực tế thế này, vì ai cũng biết Cá tháng Tư là ngày nói dối, ngày của những trò đùa nên ai cũng đều nâng cao cảnh giác. Đôi khi, những lời nói, hành động trong ngày này sẽ trở nên bình thường vì mọi người đều đề phòng. 

Nên để thú vị hơn, Cá tháng Tư năm nay thử thay đổi một chút nhé. Không nói dối nữa, mà sẽ nói thật, “lật bài ngửa” về những câu nói tưởng bình thường nhưng lại đầy ý niệm mà ai cũng từng nghe. Đặc biệt là nghe trong suốt 364 ngày trong năm chứ không riêng gì Cá tháng Tư. 

Sự thật đằng sau những câu nói dối nghe suốt 364 ngày chứ không riêng gì Cá tháng Tư - Ảnh 1.

1. Hồi còn đi học, mỗi khi trả bài kiểm tra hay bài thi học kỳ, câu đầu tiên mẹ hỏi khi nhìn thấy mặt chính là: “Trả bài con được mấy điểm? Cứ nói thật đi, điểm thấp cũng nói để mẹ biết, mẹ không mắng đâu”. 

Nhưng bạn ơi, nhầm rồi! Sự thật của câu nói ngọt ngào ấy chính là: “Thử nói ra điểm thấp xem có cơm ngon, canh ngọt ngày hôm nay được không”. 

2. “Đợi tôi 5 phút thôi, tôi gần đến rồi”

Trời ơi, ai tin nổi câu nói này của đứa bạn thân thì đúng là ngây thơ số 1 trái đất rồi. 5 phút, tưởng là khái niệm thời gian cụ thể nhưng thực ra nó có thể kéo dài 15 phút, 30 phút rồi 45 phút,... Sự thật của câu nói này là: “Bây giờ tao mới đang chọn quần áo, chuẩn bị sấy tóc, trang điểm rồi dắt xe để đến với bạn đây”. 

3. “Anh không thể sống thiếu em”

Mấy người yêu đương thắm thiết ra đây làm chứng xem nào! Thú nhận đi, mấy ông con trai đều nói thế này với người yêu phải không? Rồi mấy bà con gái cũng mềm lòng mà tin tưởng. Nhưng thực tế phũ phàng lắm: “Anh không thể sống thiếu em A, em B, C, D,...” hoặc là “Anh không thể sống thiếu em nhưng sau chia tay, thấy anh đã sớm làm đám cưới, một vợ, một con”. 

Sự thật đằng sau những câu nói dối nghe suốt 364 ngày chứ không riêng gì Cá tháng Tư - Ảnh 2.

4. Đã bao giờ, bạn được bố gọi dậy với cú pháp quen thuộc như này chưa: “8h rồi vẫn còn ngủ à, trễ học/ trễ làm rồi kia kìa”. 

Thế là bạn cuống cuồng tung chăn tỉnh dậy, vơ vội cái kính chạy tót vào nhà vệ sinh. Làm xong các thủ tục, gương mặt tỉnh táo đi ra nhìn đồng hồ thấy mới có 6h30… Nên nếu nghe câu này thì cứ yên tâm ngủ tiếp nhé vì sự thật là: “Chưa trễ đâu, bố gọi trước 1 tiếng thôi ý mà”. 

5. “Sếp ơi, em xin phép nghỉ tuần này, gia đình em có việc”

Quen chưa, quen chưa? Thẳng thắn thú nhận đi, gia đình có việc tức là đi du lịch đúng không? Đằng sau lời xin phép nghiêm trọng ấy sẽ là: “Sếp ơi em đi du lịch tuần này, sếp đừng nhắn tin gọi điện cho em. Em hứa sẽ không đăng ảnh đi chơi hoặc đăng ảnh em sẽ chặn sếp hihi”. 

Sự thật đằng sau những câu nói dối nghe suốt 364 ngày chứ không riêng gì Cá tháng Tư - Ảnh 3.

6. “Em không sao” 

Một trong những câu nói dối kinh điển, ai cũng dùng, ai cũng nghe. Sự thật: “Em có sao, rất nhiều sao. Sao anh không quan tâm em, sao anh đến trễ, tại sao anh thả tim ảnh người khác,... Anh mà không dỗ em, em sẽ giận anh mãi mãi”. Đúng chưa các nàng? 

7. “Cuối năm cháu lấy chồng”

Tin được không? Thực ra, câu nói này chỉ để kết thúc một cuộc trò chuyện với bố mẹ, họ hàng hay bất cứ ai hỏi “Bao giờ lấy chồng”. Vì sự thực của câu nói này là: “Cứ bảo cuối năm chứ năm nào thì không nói rõ. Nói vậy, cho mọi người an tâm rồi lảng sang chuyện khác”. 

8. Đây nữa, câu này chắc chắn ai cũng từng nghe: “Hôm nào rảnh cà phê nhé” 

Hôm nào cụ thể là không có hôm nào cả. Người ta nói vậy chỉ để lịch sự thôi, đừng ôm mộng rồi chờ đợi “hôm nào” đó cả. Còn nếu muốn nghe sự thật thì đây: “Thôi chào nhé, không gặp lại lần nữa đâu”. 

Sự thật đằng sau những câu nói dối nghe suốt 364 ngày chứ không riêng gì Cá tháng Tư - Ảnh 4.

Đấy, cuộc đời này đôi khi cứ vậy. Nhiều lúc, lời người ta nói không phải là suy nghĩ trong lòng. Nói dối là xấu nhưng có nhiều trường hợp cần làm vậy để mọi thứ có thể nhẹ nhàng, vui vẻ hơn và không ảnh hưởng đến ai. Nên cứ thả lỏng bản thân, thoải mái và “enjoy mọi cái moment” này nhé!

Ảnh minh họa: Pinterest

Hải My

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›