Văn Vượng - còn mãi giọng guitar

Thứ Sáu, 17/02/2023 08:05 GMT+7

Google News

Ngày Valentine tưng bừng ở TP.HCM bỗng đứt đoạn vì một cuộc gọi từ Hà Nội báo tin NSƯT- Nghệ sĩ guitar Văn Vượng đã tạ thế, hưởng thọ 82 tuổi hôm 11/2. Vậy là cuộc gặp gỡ mừng các đôi tình nhân trẻ lại trở thành cuộc tưởng niệm từ xa đối với một nghệ sĩ guitar tài năng. Tất cả đều trầm lại, lặng thầm nghe chính tiếng guitar của anh độc tấu trường ca Người Hà Nội do chính anh chuyển soạn.

Riêng trong lòng tôi thì ngân nga một giai điệu của Văn Vượng mà tôi đã thuộc từ lâu, song cứ ngỡ là nhạc Nga, giống như sự nhầm lẫn với Ngôi sao ban chiều của Đinh Tiến Hậu, hay Giã từ của Hoàng Trọng và Đêm chia tay của nghệ sĩ guitar Hải Thoại. Sự nhầm lẫn hay phải "cố tình nhầm lẫn" để được lưu truyền những giai điệu đẹp đẽ này ở một thời quá vãng "Hoàng hôn trên sông - Dòng nước xanh xanh - Lững lờ trôi êm êm - Gió ru con thuyền đi muôn nơi - Bóng chiều vàng lặng lẽ ru hồn tôi…" Một bản valse lãng mạn của một thời đạn bom.

Văn Vượng sinh ngày 10/10/1942 Nhâm Ngọ tại Hải Dương. Chàng trai xứ Đông đâu ngờ qua "thập nhị chi" (12 con giáp, tức 12 năm) sau, ngày 10/10/1945 Giáp Ngọ lại là ngày tiếp quản Thủ đô, nơi mà anh đã sớm gắn bó, sớm thành danh và cũng là nơi anh cất cánh bay về chốn Thiên thai cùng các bậc tài danh Văn Cao, Nguyễn Đình Thi v.v… mà anh đã từng chuyển soạn nhạc phẩm của họ chocây đàn guitar.

Văn Vượng - còn mãi giọng guitar - Ảnh 1.

Vợ chồng Văn Vượng trong ngày cưới. Bên phải là nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: T.L

Ở Việt Nam một thời kỳ dài trước cách mạng, bệnh đậu mùa hoành hành như một bệnh nan y. Một trong những di chứng nguy hiểm của đậu mùa là cướp đi ánh sáng của cặp mắt. Văn Vượng mồ côi cha từ sớm, nhưng mồ côi cặp mắt của mình lại vào đúng vào ngày lịch sử toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 tại Hà Nội. Câu chuyện ngỡ như không thật nhưng lại rất thật. Thật đến mức tê dại nhói nhức. Số là sau khi khỏi bệnh đậu mùa, mắt Văn Vượng mờ dần. Năm lên 4 tuổi, một hôm mở mắt ra Văn Vượng không còn nhìn thấy gì nữa. Thấy thế, mẹ anh đưa lên Nhà thương mắt Hà Nội (nay là Viện mắt Trung ương phố Bà Triệu). Bác sĩ hẹn lịch mổ vào ngày 22/12/1946. Nhưng ngay đêm 19/12/1946, người bác sĩ ấy đã theo Vệ quốc quân nhập vào chiến lũy Hà Nội rồi. Vậy là cuộc phẫu thuật không thành. Cũng đêm lịch sử ấy, mẹ Văn Vượng gánh gồng anh cùng đồ đạc về vùng tự do. Vậy là cuộc đời Văn Vượng bắt đầu cuộc sống của người khiếm thị từ đấy.

Trời cướp đi của người đôi mắt thì thường lại cho con người có đôi tai "để nhìn" thay bằng độ cảm âm nhạy bén. Rất nhiều người khiếm thị đã trở thành nghệ nhân "xẩm" với cây nhị và giọng hát những điệu hát xẩm nỉ non để mưu sinh trên các vỉa hè, toa tàu điện v.v… Nhưng riêng với Văn Vượng thì trời lại cho làm nghệ sĩ guitar có hạng của đất nước.

Năm anh 7 tuổi, nhờ một người quen thân gia đình, Văn Vượng bắt đầu được học guitar từ ông ấy. Văn Vượng vừa mải mê học guitar vừa thấy tình yêu âm nhạc lớn dần trong mình cùng tuổi tác. Ngay Tết Nguyên đán Ất Mùi 1955- Tết hòa bình trở lại đầu tiên, Văn Vượng đã được độc tấu Trống cơm do Tạ Tấn chuyển soạn tại thị xã Hải Dương.

Bước ngoặt trong cuộc tu nghiệp guitar là năm 1956, Văn Vượng đã được thầy giáo khiếm thị Phan Đình Toòng dạy cho anh cách đọc - viết nhạc và chữ trên hệ thống chữ nổi braille, sau một lần nghe anh chơi đàn. Bệnh tật đã cướp đi của anh cặp mắt, tình yêu thương và khoa học đã trả lại cho anh sự đọc như người bình thường. Nhờ thế, tài năng guitar của Văn Vượng phát triển nhanh chóng qua các giải thưởng ở Hải Dương, thúc giục anh lên Hà Nội phát triển tài năng ngay từ năm 1958.

Ở Hà Nội, nhờ nhạc sĩ Hồ Bắc phát hiện, Văn Vượng đã được đến thu âm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đấy, tiếng guitar Văn Vượng đã bay xa cùng làn sóng điện qua các bản chuyển soạn từ dân ca, từ các nhạc phẩm do các nghệ sĩ guitar đàn anh như Tạ Tấn, Phạm Ngữ v.v… và cả những sáng tác của anh như Cách một dòng sông, Hoàng hôn trên bãi biển… viết về thời kỳ đấu tranh thống nhất.     

Chính thời kỳ ấy, bản valse Hoàng hôn trên sông của anh với mũ "Nhạc Nga" đã xuất hiện cùng Đêm chia tay của đàn anh Hải Thoại cũng với "cái mũ" an toàn ấy.

Đây là những năm tháng thanh xuân thăng hoa của Văn Vượng. Anh đã chuyển soạn nhiều nhạc phẩm, tiểu phẩm thế giới cho guitar như Thư gửi Elise (L.V. Beethoven), Serénade (F. Schubert) v.v… và cả Người ơi người ở đừng về(Dân ca quan họ Bắc Ninh). Tài năng và lòng thành của Văn Vượng đã khiến các bậc đàn anh cảm động. Văn Cao và Đỗ Nhuận dạy thêm cho anh hòa thanh, sáng tác. Tạ Tấn chỉ cho anh những "ngón đàn" mà ông học hỏi và rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Cũng bởi vậy, Văn Vượng mới tự tin chuyển soạn Trường ca sông Lôcủa Văn Cao và được Văn Cao khích lệ khi nghe: "Không ngờ cái anh chàng lục huyền cầm này lại có thể trở thành một dàn nhạc nhỏ hòa tấu nên cái giọng của sông Lô".

Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cuộc chuyển soạn Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Văn Vượng từng tâm sự, khi đi qua Hồ Gươm, nghe giai điệu Người Hà Nội, anh đã có ý định chuyển soạn nhạc phẩm bất hủ này. Song phải chờ đến khi được Hội Nhà văn mời đến biểu diễn ở trụ sở 65 Nguyễn Du năm 1973, anh đã bỏ ra đêm trước ngày biểu diễn để tập trung chuyển soạn cho kịp công diễn.

Cũng vào năm 1977, trong một buổi biểu diễn Người Hà Nội, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã chạy lên ôm chặt Văn Vượng, nước mắt ông làm ướt áo người nghệ sĩ. Năm 2003, sau khi Nguyễn Đình Thi tạ thế, vợ Văn Vượng đã đưa anh đến chơi đàn trước bàn thờ bậc tài danh đất nước.

Văn Vượng - còn mãi giọng guitar - Ảnh 2.

Nghệ sĩ guitar Văn Vượng nhận Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012

Văn Vượng không chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ guitar tài năng. Chính con người Văn Vượng khiếm thị đã trở thành một tham số trong bảng giá trị "Người Hà Nội". Bởi thế, anh đã được lọt vào ống kính của các nhà làm phim Hà Nội trong mắt ai lưu giữ muôn đời. Ngày 3/2/1997, anh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Anh cũng đã nhiều lần xuất ngoại "mang giọng đàn của mình đi thi, tâm sự với thính giả nước ngoài như Đức, Cuba v.v… Người Cuba nghe anh chơi Siboneymà ngỡ như bãi biển xinh đẹp này đang dào dạt bên họ trong khán phòng. Nhờ lao động nghệ thuật, ở Hà Nội, người ta coi Văn Vượng như một tri kỷ bên nhóm "Thất cầm". Có người còn gọi là nhóm "7+1". Nhiều chuyển soạn của anh được đưa vào giáo trình dạy guitar toàn quốc.

Tôi đã nghe qua làn sóng giọng guitar Văn Vượng kể giai điệu Người Hà Nội từ ngày ở chiến trường, song phải chờ đến "thời đổi mới mở cửa" mới được gặp anh. Nhất là những năm tháng làm tạp chí Âm nhạc, anh hay tạt qua trụ sở 51 Trần Hưng Đạo dạo chơi với tôi. Có lần tôi cũng đã tới tư gia anh ở Hàng Giấy để nghe anh chơi đàn. Và luôn luôn chia sẻ với nhau qua điện thoại chuyện đời, chuyện nghề. Anh quý tôi có lẽ biết tôi hồi bé cũng mắc bệnh đậu mùa. Chỉ may mắn hơn anh là không bị trời cướp đi cặp mắt. Nhưng dù sao cũng dễ đồng cảm với nhau. Có lẽ, những chia sẻ như thế cũng góp phần cho anh thêm tự tin trên bước đường sự nghiệp.

Sang thế kỷ mới, Văn Vượng vẫn sung sức đưa số buổi biểu diễn của mình đến con số 10.000 buổi. Anh liên tiếp ra các CD giọng đàn mình như Nghệ sĩ Văn Vượng với guitar (2004), Âm thanh của thời gian (2005), Hà Nội trong mắt ai (2006), Văn Vượng với những tình khúc Phạm Duy (2006), Văn Vượng - Có một thời để nhớ (2007) để kỷ niệm 65 năm ngày sinh và 25 ngày cưới (Văn Vượng lập gia đình năm 40 tuổi) v.v… và anh đã có truyền nhân chính là cậu con trai - một nghệ sĩ piano trẻ cùng bao nhiêu học trò của mình.

Vẫn biết không ai tránh được giây phút "trời gọi đi" này. Nhưng sau khi nghe tin anh tạ thế, tôi vẫn thấy bùi ngùi thương tiếc một tài năng, đặc biệt về cuộc sống và giọng đàn. Bên trong tôi lại văng vẳng lên điệp khúc bản valseHoàng hôn trên sông:

Đàn chim kia bơ vơ ngơ ngác lặng nhìn

Ngàn lá biếc rung rinh theo gió buốt thì thầm

Hàng cây đang nghiêng mình trước gió xạc xào

Như gợi bao dĩ vãng những ngày xa xưa…

Vâng! Tất cả rồi sẽ trôi về dĩ vãng, anh Vượng nhỉ. Chỉ có những gì ta đã dâng hiến cho đời thì mãi còn lại qua thời gian. Vâng! Còn mãi, giọng guitarVăn Vượng. Xin thắp trước anh linh nghệ sĩ ưu tú - Nghệ sĩ guitar Văn Vượng những dòng tưởng biệt này.

Năm 1977, trong một buổi biểu diễnNgười Hà Nội, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã chạy lên ôm chặt Văn Vượng, nước mắt ông làm ướt áo người nghệ sĩ. Năm 2003, sau khi Nguyễn Đình Thi tạ thế, vợ Văn Vượng đã đưa anh đến chơi đàn trước bàn thờ bậc tài danh đất nước.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›