Vấn nạn bản quyền từ 'hiện tượng Going Home' ở Trung Quốc

Thứ Hai, 12/05/2014 13:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bản nhạc Going Home (Về nhà) của nhạc sĩ saxophone nổi tiếng Kenny G được bật lên ở mọi siêu thị, trường học, công sở, nơi công cộng… của Trung Quốc trong hơn 2 thập niên qua, với một thông điệp: “Mọi người, hãy về nhà”. Nhưng câu chuyện còn lớn hơn nhạc phẩm mang tính hiện tượng này.

Phóng viên mảng châu Á – Thái Bình Dương của New York Times ghi nhận hiện tượng văn hóa trên sau khi nhận thấy độ phổ biến kỳ lạ của bản nhạc Going Home tại Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Phải nói thêm rằng, không chỉ với Trung Quốc, ngay tại Việt Nam, nhạc không lời của Kenny G nói chung và bản Going Home nói riêng cực kỳ quen thuộc, hầu như được bật ở mọi nơi, thường được dùng làm nhạc đệm trên truyền hình. Trên trang chia sẻ video Youku của Trung Quốc, Going Home đứng thứ 4 trong số những bản nhạc saxophone được nghe nhiều nhất.

Cứ nghe là muốn về nhà

Going Home được phát hành năm 1989 và trở thành hit toàn cầu. Đây là một trong những tác phẩm giúp nhạc sĩ kiêm nhạc công Mỹ Kenny G trở thành siêu sao trong dòng nhạc smooth jazz. Các bản nhạc của Kenny G (nổi tiếng có Going Home, Forever in Love, Waiting for You, Jasmine Flower, Midnight Motion, Songbird…) rất mềm mại, sâu lắng và làm dịu lòng người nghe, nhưng phổ biến đến mức như ở Trung Quốc vẫn là một hiện tượng lạ.

Mỗi ngày, giai điệu Going Home vang lên ở các trung tâm thương mại, trường học, trạm chờ tàu điện ngầm, trung tâm thể hình, các tòa nhà công sở… như một thông điệp gửi đến người dân: Đã đến lúc, phải về nhà.


Going Home của Kenny G (ảnh) với giai điệu mang đến cảm giác bình yên, là tiếng gọi về nhà đầy tha thiết.

Một chiều thứ Bảy như mọi chiều, khi những nốt nhạc êm ái của Going Home lặp đi lặp lại trong khung cảnh ồn ào của khu chợ nổi tiếng Panjiayuan Antiques của Bắc Kinh, những người bán hàng dọn dẹp các gạt tàn thuốc kiểu cổ, những máy điện thoại thập niên 1930 và những chiếc bùa ngọc bích giả cổ. Trong khi đó, các khách hàng cuối cùng rảo bước về phía cổng chợ.

Giai điệu đó vang lên trong vòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ, dường như người bật muốn chắc chắn không ai không nghe thấy thông điệp “Hãy về đi” của nó. Theo người quản lý khu chợ, họ đã dùng Going Home như một bản nhạc tạm biệt từ năm 2000 đến nay. “Chẳng phải nó được bật khắp nơi sao” – người này nói khi được hỏi tại sao.

9h30 tối một ngày thứ Hai, phòng tập Powerhouse Gym ở Bắc Kinh còn nửa tiếng nữa là đến giờ đóng cửa. Như thường lệ, điệu nhạc Going Home vang lên trên loa hệ thống, thúc giục những người đang nâng tạ và chạy bộ rời khỏi đám máy móc và đi về phía phòng thay đồ. Quản lý phòng tập, ông Zhu Mingde, nhanh chóng tắt đèn và khóa cửa. Ông Zhu không thể nhớ từ năm nào Going Home trở thành giai điệu từ biệt toàn quốc, và cũng chẳng biết đến nhạc sĩ nổi tiếng thế giới đã chơi bản nhạc này. “Tôi chỉ biết khi bật bài này, có nghĩa là đã đến lúc buông bỏ” - ông chia sẻ.

Hàng thập kỷ nghe bản nhạc này, Going Home đã hình thành một thói quen trong lối sống của người Trung Quốc. “Mỗi khi nghe bản nhạc này, tôi hoàn thành công việc nhanh hơn để còn trở về nhà” – Cheng Gang, một nhân viên tài chính 35 tuổi, nói.

Mặt trái của một hiện tượng

Với cả một thế hệ giới trẻ Trung Quốc, nay đã trưởng thành, Going Home có thể coi là “bài hát của cuộc đời”. Mao Xiaojie, sinh viên Đại học Truyền thông Trung Quốc, nói: “Người ta bật đi bật lại bài này ở các đám cưới”. Bạn cùng lớp của cô, Zhang Dawei, bổ sung: “Họ bật mỗi khi muốn đuổi chúng tôi ra khỏi thư viện lúc hết giờ”.

Với một sinh viên khác, Emma Zhang, thì không ở đâu cô không nghe giai điệu này: các quán café, ở trường, hiệu sách, trung tâm mua sắm, viện spa thẩm mỹ và trên đường phố. “Tôi từng nghĩ bản nhạc thật hay và bắt tai, giờ thì tôi chán ngấy” – cô nói.

Tất nhiên, khi một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trở nên đại chúng đến mức thành thói quen trong cuộc sống thì phải chấp nhận một điều rằng nó sẽ trở nên bình dân. Going Home bình dân đến mức khi người ta nghe, cảm xúc trong bản nhạc nhòa đi, nhường chỗ cho những kỷ niệm như một chương trình truyền hình hay một nơi chốn cụ thể nào đó.

Một phụ nữ họ là Subeck nhớ lại rằng bà từng bị hoãn chuyến bay ở sân bay Bắc Kinh cũ và phải ngồi chờ trong nhà hàng. Nhà hàng đã bật Kenny G không ngừng nghỉ trong vài tiếng chờ đợi và ký ức của bà khi nhớ về Kenny G là một cảm giác khó chịu kinh khủng.

Và việc bật nhạc Kenny G tràn lan ở Trung Quốc thực chất cũng vi phạm bản quyền. Chính nghệ sĩ Kenny G cũng biết đến việc này. Từ thập niên 1980, ông đã bán được hơn 75 triệu đĩa khắp thế giới. “Tôi đâu có hy vọng mình được trả tiền đúng cách ở mọi nơi” - ông từng nói với một tờ báo.

Kenny G từng đến Trung Quốc những năm 1990 để lưu diễn, ông nghe giai điệu Going Home ở khắp nơi, từ quảng trường Thiên An Môn cho đến sân golf và “phòng chờ của một nơi nào đó”. “Điều đó khiến tôi thấy thật tuyệt vời vì đúng là âm nhạc vượt qua mọi rào cản” - ông nói.

Nếu Trung Quốc có Going Home là “bản nhạc từ biệt quốc dân"  thì ở Nhật Bản, đó là bài hát Auld Lang Syne (nghĩa là thời gian đẹp đẽ đã qua). Bài này rất quen thuộc với hầu như mọi quốc gia trên thế giới với vai trò ca khúc khép lại năm cũ và đón năm mới. Auld Lang Syne có xuất xứ Scotland, được người Nhật bật khi kết thúc các hoạt động thường ngày và trong các dịp chia tay, tốt nghiệp, tang lễ hay từ biệt năm cũ… Bài hát này cũng được đã đặt lời Việt.

“Giai điệu từ biệt” là một hiện tượng văn hóa thú vị, được hình thành do thói quen của cộng động chứ không vì một lý do chính thức nào.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›