Vĩnh biệt PGS Đào Thái Tôn - Hết rồi duyên nợ chữ Nôm!

Thứ Tư, 08/06/2011 14:28 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Một đời gắn bó với chữ Nôm, cái sự yêu - ghét tới mức cực đoan mang lại cho PGS Đào Thái Tôn đủ mọi vui buồn cho đến tận khi ra đi vào chiều ngày 4/6/2011 vừa qua.

1. Chỉ cần gõ cụm từ “Đào Thái Tôn” trên mạng tìm kiếm google, bạn đọc có thể tìm ra hàng chục bài báo liên quan. Mà quanh quẩn, những gì liên quan ấy gói gọn cũng chỉ trong vài từ ngắn: Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, tranh luận và... tranh luận!

Ông Tôn giỏi chữ Nôm và yêu Kiều, ai cũng biết. Và ai cũng biết nốt, cái sự yêu của ông được nâng hẳn lên tới mức cực đoan đến thế nào. Đơn cử, trong lịch sử pháp đình lẫn văn học, vụ kiện giữa ông và một nhà nghiên cứu khác hẳn không có “phiên bản” thứ hai: cả chục năm bút chiến chán chê, những bài “nói đi” và “nói lại cho rõ” ấy được tập hợp, in thành sách và cũng thành nguyên cớ trực tiếp khiến hai nhà “Kiều học” cùng dắt nhau... đáo tụng đình!

PGS Đào Thái Tôn (phải) và một trong những tác phẩm thể hiện sự đắm đuối của ông với chữ Nôm và truyện Kiều.


Từ trận lượt đi (sơ thẩm) cho tới lượt về (phúc thẩm), vụ kiện ấy lấy hết tâm lực của ông Tôn trong cả năm trời – khi ông vừa sống bằng đồng lương công chức, vừa bỏ hết công việc để dành thời gian đọc về Luật Bản quyền. Ấy vậy, nhưng lý do gặp gỡ giữa ông và người viết trong năm 2008 lại bắt đầu từ cuộc tranh luận của mình với một nhà Kiều học khác về cách cắt nghĩa... 21 chữ trong bản Kiều cổ Liễu Vân Đường 1871. Rồi cứ thế, một vụ tranh luận khác lại là lý do cho cuộc gặp tiếp theo...

Nếu biết thêm rằng cũng vì những rắc rối liên quan tới việc nghiên cứu... thơ Hồ Xuân Hương mà ông Tôn từng rời Viện Văn học và làm “trái nghề” trong 18 năm, hẳn nhiều người sẽ hỏi: có nhiều cách yêu, mấy ai vì cái sự yêu chữ Nôm của mình mà phải lận đận và khó khăn như thế?

2. Người viết còn được gặp một Đào Thái Tôn khác, sau những rắc rối, hệ lụy về duyên nghiệp.

Đó là một Đào Thái Tôn trong căn phòng đóng kín ken đầy sách, gần như chỉ có điện thoại và bàn máy tính là cầu nối giữa ông với thế giới bên ngoài. Đơn giản, bệnh viêm tĩnh mạch khiến ông chỉ còn cách bó gối tại nhà trong suốt những năm cuối đời. Chân ủ trong gối sưởi, ông hỉ hả kể rằng mấy tháng nay, cái thuốc công hiệu nhất khi đau là ngồi trước máy tính, tập trung dò câu sửa chữ để quên được cảm giác nhức buốt của mình. Tất nhiên, vào ban đêm, khi ngủ, cái chân đau ấy vẫn bắt ông mỗi tiếng một lần ngồi dậy, xoa xoa nhẹ như dỗ trẻ con.

Đó là một Đào Thái Tôn rất nghiêm cẩn và khắt khe với bản thân mình. Một bài viết, như lời ông, được sửa đi sửa lại không dưới chục lần cho kín kẽ. Một bài báo gửi tới TT&VH, ông đếm cẩn thận đủ 1176 chữ, rồi nhất định tự viết lại để rút xuống tối đa 876 chữ - chứ không cho ai “động thủ” trên những dòng chữ của mình. Cũng giống như cái cách ông hút thuốc lá mỗi ngày. Nghiện thuốc lá nặng nhưng điếu Thăng Long của ông chỉ được rít vài hơi rồi dụi đi, cứ đều đặn mười phút một lần như thế.

Đó là một Đào Thái Tôn hân hoan chống nạng tới dự lễ trao giải thưởng John Balaban - giải thưởng do Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Hoa Kỳ dành tặng ông. “Mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” - ông nhắc lại câu ấy khi nói về số tiền 1.000 USD trao tặng cho một đời nghiên cứu của mình. Rồi kể rằng 7 năm trời viết cuốn Nghiên cứu văn bản truyện Kiều bản Liễu Văn Đường 1871 (năm 2006), số tiền nhuận bút tính theo giá bìa chỉ mang lại vẻn vẹn 9 triệu đồng thôi...

Như nhiều nhà Kiều học khác, PGS Đào Thái Tôn không hứng thú lắm với việc nghiên cứu Lục Vân Tiên. Nhưng, “bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”, câu thơ ấy ông từng nhắc tới trong một lần ngồi cùng người viết. Khắt khe với mình, với nghề trong suốt 70 năm cũng chỉ vì quá yêu chữ Nôm, như thế chính ra ông là người hạnh phúc rồi...

Hoàng Nguyên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›