(Thethaovanhoa.vn) - GS. TS Ngô Đức Thịnh, một trong những nhà nghiên cứu tiểu biểu về văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu, đã qua đời ở tuổi 77 vào sáng nay 6/6.
Thông tin trên được xác nhận bởi Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) – cơ quan do GS Thịnh sáng lập và làm Giám đốc kể từ năm 2008. Được biết trước đó, ông đã có một thời gian dài ở trong tình trạng sức khỏe yếu và thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện.
GS Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944 tại Nam Định, tốt nghiệp khóa đầu chuyên ngành Dân tộc học tại khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1967. Ông từng làm việc tại Viện Dân tộc học, làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô rồi về công tác tại Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Văn hóa Việt Nam). Từ năm 1994 - 2008, ông làm Viện trưởng tại đây.
Được đào tạo về dân tộc học, GS Ngô Đức Thịnh đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về lĩnh vực này, đặc biệt là mảng sử thi Tây Nguyên. Từ thập niên 1990, ông còn đi sâu tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam và dần trở thành chuyên gia có những đóng góp quan trọng trong việc giúp loại hình văn hóa – tâm linh này được tiếp cận đầy đủ, đa chiều và nhìn nhận dưới góc độ khoa học.
Có thể khẳng định, việc UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2016 đã có phần đóng góp không nhỏ của GS Ngô Đức Thịnh. Ngoài ra, từ năm 2008, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam do ông thành lập cũng có nhiều hoạt động quan trọng như kêu gọi cộng đồng – đặc biệt là các thanh đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu - cùng phát huy giá trị và hạn chế các biến tướng quanh di sản văn hóa này.
- Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Hướng dẫn cúng cỗ 30 Tết và những món ăn ngày Tết
- GS Ngô Đức Thịnh: Lễ hội đang 'loạn chuẩn'!
- Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Văn hóa chính trị - độc đáo tín ngưỡng thờ Hùng Vương
Từng là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore Châu Á, GS Ngô Đức Thịnh nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. Một số công trình tiêu biểu của ông gồm có Đạo Mẫu ở Việt Nam, Luật tục Ê Đê; Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam (2 tập); Sử thi Tây Nguyên; Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận.
Lễ viếng GS Ngô Đức Thịnh được cử hành từ 9h30 đến 10h45 ngày 8/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông). Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ. An táng tại Lăng họ Ngô, nghĩa trang Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định cùng ngày.
Sơn Tùng
Tags