Văn hóa tuần này: lễ hội 'Hò dô' quốc tế và lễ hội dân gian Việt Nam

Thứ Hai, 09/12/2019 07:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Xem thấy nghe đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Lễ hội Âm nhạc quốc tế - “Hò dô” 2019 (Hozo HCMC International music festival) tại TP.HCM và Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống dương đại diễn ra tại Hà Nội.

Lễ hội Âm nhạc quốc tế đầu tiên của TP HCM 'Hò dô 2019'

Lễ hội Âm nhạc quốc tế đầu tiên của TP HCM 'Hò dô 2019'

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2019 (Hozo HCMC International music festival 2019) sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 13 đến 15/12/2019.

1. Lễ hội Âm nhạc quốc tế - “Hò dô” 2019 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15/12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Lễ hội âm nhạc này được xem là “đối trọng” của Liên hoan Âm nhạc gió mùa (Monsoon Music Festival) ở Hà Nội, đã tổ chức trong nhiều năm qua. TP.HCM được xem là thị trường âm nhạc lớn và sôi động nhất của cả nước, vì vậy mà TP rất quyết tâm trong việc xây dựng một lễ hội âm nhạc gây được tiếng vang.

Sẽ có nhiều nghệ sĩ, ban nhạc chất lượng đến với lễ hội lần này như: Vocal Tempo (nhóm a cappella của Tây Ban Nha), Chiva Galtiva (nhóm nhạc Latin Colombia), Cheeze (nhóm indie Hàn Quốc), Esse Quintet (nhóm nhạc dân tộc Nga chơi nhạc đương đại)… Đặc biệt, có 2 nghệ sĩ tầm cỡ thế giới đó là Nguyên Lê - nghệ sĩ rất thành công với world muisc và cây trumpet Cường Vũ đã từng đoạt giải Grammy.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Moskapela sẽ trình diễn trong lễ hội

Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ Việt Nam như Trần Mạnh Tuấn, Trần Thu Hà, Ngô Hồng Quang… cũng sẽ kết hợp biểu diễn cùng các ban nhạc nước ngoài. Phía Việt Nam còn có ban nhạc Allstars với 2 ca sĩ chính là Thu Minh và Hồ Ngọc Hà, ban nhạc được xem là quy tụ những nghệ sĩ giỏi nhất của 2 miền Bắc - Nam như: Hoài Sa, Dũng Đà Lạt, Hồng Kiên, Anh Quân, Phan Thanh Tân, Nguyễn Quân...

Ngoài ra, lễ hội còn tạo điều kiện để các ban nhạc trẻ của Việt Nam có điều kiện giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và biểu diễn trước công chúng như: Yellow Star Band, The Chillies, Windrunner…

Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc của lễ hội, những gì đem đến cho lễ hội sẽ là loại âm nhạc có chất lượng cao, độc đáo mà ở Việt Nam khó có thể tiếp cận để thưởng thức,với mục đích nâng cao thưởng thức âm nhạc của công chúng và cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu những nét đặc sắc trong âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

2. Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 sẽ diễn ra tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm và vườn hoa Lý Thái Tố (Hà Nội) trong các ngày cuối tuần tới, từ 13 đến 15/12. Đây là sự kiện hưởng ứng việc Hà Nội được UNESCO ghi danh vào hệ thống các thành phố sáng tạo trên thế giới.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, người xem sẽ được thưởng thức nhiều thể loại diễn xướng văn hóa độc đáo vốn là truyền thống của Hà Nội và vùng phụ cận như ca trù, hát xẩm, chèo tàu, trống quân…Bên cạnh đó, khu vực trưng bày trong thời gian diễn ra lễ hội bao gồm các gian hànggiới thiệu sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống và sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại như nghề gốm Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái…

Chú thích ảnh
Điệu múa “Con đĩ đánh bồng” của dân làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) sẽ xuất hiện tại Liên hoan

Ở một góc độ khác, du khách có thể tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và những nỗ lực bảo tồn, phục hồi các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ; dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải… do các nghệ nhân, phụ nữ và trẻ em khuyết tật tái hiện lại những bức tranh dân gian, phong cảnh và di sản văn hóa Thủ đô; tranh gốm và tranh ghép gốm sứ; tranh thêu tay…Đặc biệt, tại đây sẽ có không gian để du khách trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân dân gian.

Thực tế, trong các đô thị trên cả nước, Hà Nội là thành phố sở hữu hệ thống di sản văn hóa đồ sộ với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có hàng trăm ngành nghề thủ công truyền thống, lễ hội… cùng nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian. Và, hầu hết các di sản văn hóa truyền thống ấy vẫn được cộng đồng bảo vệ, trao truyền và phát triển, cho dù chưa có nhiều cơ hội được giới thiệu một cách thường xuyên và rộng rãi tới cộng đồng.Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại được tổ chức từ thực tế này và dự kiến sẽ được duy trì thường niên kể từ năm sau.

Anh Bảo - Bình Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›