Văn hóa, Giải trí Việt - nỗ lực 'phá băng' sau Covid-19: Sân khấu phía Bắc 'lấy đà' sau mùa dịch

Thứ Ba, 14/07/2020 20:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành giải trí thế giới đang trải qua những thử thách vô cùng nghiệt ngã. Mới đây, Tập đoàn giải trí Cirque du Soleil (Gánh xiếc Mặt trời) nổi tiếng của Canada đã phải nộp đơn xin phá sản, bởi đại dịch Covid-19 khiến đoàn xiếc lừng danh này phải hủy bỏ hơn 40 show diễn khắp thế giới cùng món nợ gần 1 tỷ USD. Làng giải trí Việt tất nhiên cũng không nằm ngoài những hệ lụy tất yếu của dịch bệnh.

Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'

Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'

20h tối tối 23/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam diễn phục vụ khán giả vở Bệnh sĩ. Tác phẩm mở màn chuỗi chương trình khởi động trở lại 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.

Tuy nhiên, đời sống văn hóa nghệ thuật Việt đã có những tín hiệu tích cực khi xã hội thiết lập “trạng thái bình thường mới” với những nỗ lực từ cả nhà quản lý và giới nghệ sĩ.

Tìm lại lượng khán giả và duy trì một lịch diễn sau những ngày giãn cách vừa qua là điều không dễ với các sân khấu phía Bắc. Đơn giản, ngay từ trước dịch Covid-19 diễn ra, bộ môn nghệ thuật này cũng đang có quá nhiều vấn đề của riêng mình. Thế nhưng, ở hướng ngược lại, chuỗi thời gian phải ngưng diễn trong mùa dịch lại là một cú hích đặc biệt, để nhen lên sự háo hức và quyết tâm “tăng tốc” ở từng nhà hát.

Tìm khán giả...

“Nóng vậy, chứ nóng nữa thì anh em vẫn phải cố gắng. Bởi, đặc trưng của xiếc là sự phối hợp nhuần nhuyễn và ăn ý giữa các nghệ sĩ. Quãng thời gian mọi người tự tập tại nhà vừa qua không thay được đâu” - NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ với người viết trong một buổi tập, giữa cái nắng gay gắt của tháng 7.

Tính tổng cộng từ sau Tết Nguyên đán, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc có khoảng 4 tháng “ngồi chơi” vì dịch bệnh, trước khi trở lại biểu diễn vào cuối tháng 5. Để rồi, trong bối cảnh tâm lý khán giả vẫn còn chút ngần ngại để... ra đường, anh và các đồng nghiệp cũng phải vắt óc tìm cách “biến bị động thành chủ động” như lời anh nói.

Chú thích ảnh
Một tiết mục trong chương trình "Gala xiếc 3 miền 2020". Nguồn: VOV

Một giải pháp mới được đưa ra: Thay vì chờ các trường học ký hợp đồng cho các em tới xem biểu diễn như trước kia, phía Liên đoàn chủ động đề nghị họ tổ chức luôn các chương trình bế giảng, liên hoan cuối năm học... tại rạp Xiếc. Tất nhiên, ngoài sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, những chương trình ấy cũng không thể thiếu được phần góp vui từ những tiết mục xiếc dành cho học sinh.

Khoảng chục buổi diễn như vậy đã được triển khai. Thêm vào đó, các chương trình biểu diễn định kỳ như Tân cướp biển 2020, Xiếc truyền thống... cũng vẫn được duy trì. Sơ sơ, khoảng 12 đêm diễn như vậy đã được tổ chức, chưa kể 3 đêm diễn chật kín khán giả tại Quảng Ninh trong chương trình Gala xiếc 3 miền 2020.

Nghĩa là, khoảng 25 buổi diễn đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức sau mùa dịch. Thực tế, con số ấy chỉ bằng khoảng... 20% so với cùng kỳ năm 2019, khi dịch bệnh chưa diễn ra. Và mỗi buổi diễn, cũng chỉ có khoảng 800/1.300 chỗ ngồi tại rạp Xiếc Trung ương có người ngồi. Nhưng rõ ràng, đó là một nỗ lực rất lớn để “ngược dòng” của những người làm nghệ thuật.

Cũng chung sự quyết tâm ấy - và được dư luận nhắc tới như một trường hợp đặc biệt trong dịp “hậu Covid-19” - là sân khấu Lệ Ngọc, đơn vị tư nhân hiếm hoi tại miền Bắc. Trở lại với đêm diễn đầu tiên từ ngày 21/5, vở kịch thiếu nhi mang màu sắc cổ tích Cây tre thần của đã có liên tục 20 suất diễn tại rạp Đại Nam (Hà Nội) với lượng khán giả đều đặn vào khoảng 500 người/đêm. Để rồi tiếp đó, trong gần chục ngày kể từ 25/6, kịch Lệ Ngọc còn mạnh dạn tổ chức chuyến lưu diễn tại TP.HCM với 16 suất diễn cho các vở Thị Nở - Chí Phèo, Cây tre thần, Hoa sen lửa... trong đó lượng vé bán ra vào khoảng 400 ghế cho một suất diễn.

Chú thích ảnh
“Bệnh sĩ” của Nhà hát kịch Việt Nam được biểu diễn tối 23/5

... Và tìm vở diễn

"Trong rủi có may” - đó là nhận xét của những người trong nghề, khi quãng thời gian nghỉ vì dịch bệnh vừa qua ít nhiều lại khơi dậy nhu cầu được xem sân khấu của khán giả. Và bên cạnh khả năng tổ chức, một số đơn vị còn rất biết cách chọn thời điểm dịp Quốc tế thiếu nhi (1/6) - cũng như chuỗi ngày Hè tiếp sau - để để “tái xuất”.

Bởi thế, không có gì lạ khi nhiều vở diễn đầu tiên trở lại trên sân khấu Hà Nội đều ưu tiên phục vụ các khán giả nhỏ tuổi. Ngoài những trường hợp của kịch Lệ Ngọc và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, với việc tung ra cùng một lúc 3 vở diễn dành cho thiếu nhi (Vaxilixa và Phù thủy độc ác, Cuộc chiến vô cực, Trống Choai đi đâu thế?), Nhà hát Tuổi trẻ cũng có hơn 20 suất diễn trong dịp quanh 1/6 và tiếp tục duy trì với nhịp độ 1 hoặc 2 suất diễn vào mỗi cuối tuần.

Chú thích ảnh
“Cuộc chiến vô cực” - vở diễn thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ được ra mắt trong dịp 1/6 năm nay

Ở một góc độ khác, nhiều nhà hát cũng chọn những vở diễn tốt nhất trong kịch mục hiện có của mình để bắt đầu cho cuộc tái xuất. Đó là Bệnh sĩ (cố tác giả Lưu Quang Vũ - đạo diễn NSND Tuấn Hải), vở hài kịch từng có hơn 100 đêm diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam và được lựa chọn biểu diễn vào ngày 23/5 để mở đầu cho chuỗi đêm diễn của 12 Nhà hát Trung ương sau mùa dịch. Khoảng 2 tuần/lần, tại các điểm diễn lớn nhất của Hà Nội (chủ yếu là Nhà hát Lớn), các vở diễn này nối nhau tổ chức và đều là những cái tên đã quen thuộc với đời sống sân khấu vài năm qua: Vân dại (Chèo Việt Nam), Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Chuyện tình Khau Vai (Nhà hát Cải Lương Việt Nam)...

Không chỉ có vậy, việc dàn dựng các vở diễn mới cũng dần được triển khai tại nhiều Nhà hát. Ở thời điểm Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an chuẩn bị khai mạc vào 16/7, khá nhiều vở diễn trên sân khấu Hà Nội đã được dàn dựng như Bão ngầm (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Bộ cảnh phục (Nhà hát Tuổi Trẻ), Nữ cảnh sát SBC (Nhà hát kịch Việt Nam)... và được trông đợi sẽ đi vào kế hoạch biểu diễn dài hơi sau khi Liên hoan này kết thúc.

Tất nhiên, tất cả những tín hiệu lạc quan ấy chỉ là bước khởi đầu cho quãng đường dài tiếp theo của một nền sân khấu. Ở đó, sự háo hức của khán giả sau những ngày cách ly cũng sẽ không thể duy trì mãi, nếu nó không được tiếp sức bởi nỗ lực về nghệ thuật của những người làm nghề...

Cú hích từ Bộ VH,TT&DL

Để giải quyết những khó khăn trước mắt trong việc kéo khán giả trở lại rạp diễn, Bộ VH,TT&DL đã triển khai chương trình hỗ trợ cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ. Theo đó, từ 23/5, các nhà hát trực thuộc Bộ đã được hỗ trợ để lần lượt luân phiên tổ chức biểu diễn tại những sân khấu lớn của Hà Nội như Nhà hát Lớn, nhà hát Âu Cơ, Nhà hát Chèo Kim Mã... Ngoài ra, nhiều đơn vị trực thuộc Bộ VH,TT&DL cũng mua vé ủng hộ cho các đêm diễn này.

Kể từ vở diễn đầu tiên Bệnh sĩ (Nhà hát Kịch Việt Nam), một số vở diễn thuộc chuỗi chương trình này đã được triển khai như Xiếc Cướp biển (Rạp xiếc Trung ương), vở chèo Vân dại ( Nhà hát Chèo Kim Mã), vở rối Thân phận nàng Kiều và vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (Nhà hát Lớn)... Ngày 22/8 tới, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ trình diễn vở Hồ thiên nga tại Nhà hát Lớn và hoàn thành chuỗi đêm diễn này.

Cúc Đường

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›