'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn' (kỳ cuối): Cuộc đời Nguyễn Du và những khoảng mờ dành cho văn chương

Thứ Tư, 23/09/2020 07:27 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khi sáng tác văn học, nhà văn tự do phát huy trí tưởng tượng, mặc sức hư cấu. Nhưng với đề tài về nhân vật lịch sử, một mặt nhà văn chịu sự ràng buộc của lịch sử, mặt khác họ phải luôn tính toán, cân nhắc, tiết chế cảm xúc để hư cấu trên cơ sở cái khung lịch sử đã có. Nói như Alexandre Dumas: “Lịch sử chỉ như cái đinh để tôi treo bức tranh của mình”. Vậy bức tranh Nguyễn Du đã được văn chương Việt Nam vẽ lên như thế nào?

 

'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…' (kỳ 5): 'Vận' Kiều trong đời sống và nghệ thuật

'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…' (kỳ 5): 'Vận' Kiều trong đời sống và nghệ thuật

Không lạ khi ngôn ngữ Truyện Kiều đã được dân gian hóa bằng nhiều hình thức: Đề Kiều, vịnh Kiều, hát Kiều, đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều… Điều thú vị là trong đời sống hiện đại, Truyện Kiều vẫn được “vận” vào trong các sáng tác, các bài phát biểu, vẫn được “phái sinh” qua các loại hình nghệ thuật khác.

1. Ngoài cách tiếp cận từ lịch sử, tôi lần theo tác phẩm văn học của các tác giả Nguyễn Thế Quang, Hoàng Khôi, Đinh Công Vỹ… để thêm một cách “giải mã” hành trình cuộc đời Nguyễn Du. Đây được coi như một "vĩ thanh" cho loạt bài "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn...".

Trong tiểu thuyết Nguyễn Du (xuất bản lần đầu năm 2010, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương hạng A), Nguyễn Thế Quang đã tái hiện cuộc đời Nguyễn Du từ lúc ra làm quan thời vua Gia Long (1802) cho đến khi qua đời (1820).

Sau khi đọc bản thảo đầu tiên tiểu thuyết Nguyễn Du, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã góp ý với tác giả: “Cách viết còn tuyến tính, tuần tự mà tiểu thuyết không phải là kể chuyện, phải dựng lên nhân vật và số phận, phải có tư tưởng”. Nhận xét trên chính là gợi ý quan trọng giúp tác giả hoàn thiện tiểu thuyết Nguyễn Du. Tác giả không tiếc gỡ bung toàn bộ bản thảo cũ, kết cấu thành 5 phần gắn với hành trình làm quan của Nguyễn Du. Những yêu cầu viết tiểu thuyết lịch sử, độ hư cấu đến đâu, Nguyễn Thế Quang thực hiện khá nghiêm cẩn.

Chú thích ảnh
Bìa tiểu thuyết “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang

Với đặc trưng tiểu thuyết, tác giả đã dành một số cảnh hư cấu hết sức sức sinh động, như: cảnh Nguyễn Du đi sứ, cảnh Nguyễn Du gặp Hồ Xuân Hương… Trong đó, cảnh vua Gia Long đối thoại với Nguyễn Du được tác giả viết như kẻ “nhập đồng” đầy cảm xúc và nhờ thế tình tiết truyện khá độc đáo, hấp dẫn:

“- Thơ khanh viết hay lắm. Sao khanh không có bài nào ca ngợi ta nhỉ?

Nguyễn Du chậm rãi trả lời:

- Xin bệ hạ cho thần được làm điều thần nghĩ.

Gia Long cười sảng khoái:

- Khá lắm! Thế mới là Nguyễn Du của ta chứ. Ta có cần gì ngợi ca. Ta chỉ cần những bề tôi có tài, có cốt cách như khanh. Xung quanh ta biết bao kẻ xu nịnh nhưng nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kỳ ai kể cả quyền lực và mỹ nữ...”.

2. Trong tiểu thuyết Nguyễn Du trên đường gió bụi (2013), Hoàng Khôi đã tái hiện cuộc đời Nguyễn Du từ thời thơ ấu đến ngoài tuổi 30 trong 14 chương tiểu thuyết.

Tác giả trở về những ngày thơ ấu của Nguyễn Du: Cha mất, quyền huynh thế phụ, anh cả Nguyễn Khản đưa em về Bích Câu chăm dưỡng. Đọc thư anh, chàng Nguyễn xúc động tình anh em: “Chú Bảy! Chú sớm về Bích Câu để lên Thái Nguyên. Anh đã thu xếp cho chú một chức quan nhỏ trên đó. Cũng đã phải tuân theo lẽ xuất xử rồi”.

Chú thích ảnh
Bìa tiểu thuyết “Nguyễn Du đời và tình” của Đinh Công Vĩ

Lo thu xếp sự nghiệp cho Nguyễn Du nhưng Nguyễn Khản vẫn còn canh cánh nỗi lo cậu em giỏi thơ phú yêu đương lãng mạn, không theo định hướng gia thế. Nỗi lo lắng là có cơ sở. Nhưng Nguyễn Khản đâu biết dẫu chỉ đạo sao sát là thế nhưng trái tim yêu của em trai không tuân thủ sự sắp đặt.

Thế nên từ giã Hải An về Thăng Long, Nguyễn Du đau đáu, luyến lưu, nhung nhớ mối tình đầu. Hình ảnh cô lái đò ngang chở chàng qua lại Nhị Hà thụ giáo với thầy giáo người Kinh Bắc choán đầy tâm trí “không biết thân phận cô gái đã từng gắn bó với mình bây giờ ra sao?”. Chàng Chiêu Bảy nhớ tài ứng đối thông minh của cô lái đò Đỗ Thị Nhợt sau câu thơ tán tỉnh “tình tang” của cậu học trò “dài lưng tốn vải”:

“Cô ơi chèo chống tôi sang

Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại lại qua

Giúp cho nhau nữa để mà…

- Cậu đọc đã hết đâu?

- Còn hai câu nữa muốn nhờ cô gợi cho…”.

Những vần thơ tình yêu cứ tràn trào tuôn chảy “Cùng nhau se mối tơ vương chữ tình”, “Yêu nhau những muốn gần nhau/ Bể sâu trăm trượng tình sâu gấp mười”. Nhưng bi kịch tình yêu cũng bắt đầu từ đó. Bỗng một ngày chàng Chiêu Bảy hẫng hụt, thẫn thờ bên bến đò quạnh quẽ vì thiếu vắng người thương. Cô Đỗ Thị Nhợt bỏ lại con đò ngang một cách bí ẩn. Xa nhau từ đó và vần thơ đau chà xát trái tim cứ dày thêm: “Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ, con đò thuở xưa”. Câu hỏi xoáy sâu không lời đáp “Vì đâu cách trở đôi nơi/ Bến nay còn đó nào người năm xưa” (Hoàng Khôi)…

Trong tiểu thuyết này, Hoàng Khôi đã dành viết một chặng đời “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi) của Nguyễn Du. Trong 10 năm (1786-1796) lưu lạc gắn với quê vợ Thái Bình, sử sách ghi rất vắn tắt và đây là khoảng trống tác giả thỏa sức sáng tạo. Bên cạnh chính sử, phần hư cấu đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn, xúc động.

Chú thích ảnh
Bìa tiểu thuyết “Nguyễn Du trên đường gió bụi” của Hoàng Khôi

Nguyễn Khản gửi em trai về nhà Đoàn Nguyên Thục - vị đại khoa từng giữ chức Đông Các Hiệu thư Thiêm đô ngự sử, tước Quỳnh Xuyên bá, triều Lê - Trịnh. Con trai vị đại khoa là Đoàn Nguyễn Tuấn đỗ hương cống, chưa ra làm quan. Nguyễn Khản mong muốn Đoàn Nguyễn Tuấn hướng dẫn cậu em chưa thật trưởng thành, lại dễ xúc động bước đầu sự nghiệp và thêm một lý do nữa muốn em quên mối tình lãng mạn với cô lái đò.

Gặp Đoàn Nguyễn Tuấn năm 16 tuổi, Nguyễn Du nhận ra Đoàn Nguyễn Tuấn (hơn mình 15 tuổi) uyên bác, suy nghĩ chín chắn, không mặn mà với con đường quan lộ và giỏi làm thơ. Tìm thấy nhiều điểm hòa đồng, Nguyễn Du ủng hộ Đoàn Nguyễn Tuấn ý tưởng xây dựng trong vườn nhà lầu cao “Phong nguyệt sào” (Tổ gió trăng).

Cuộc đàm đạo thơ phú giữa Nguyễn Du và Đoàn Nguyễn Tuấn rất thú vị. Đoàn Nguyễn Tuấn hẹn với Nguyễn Du về “Phong Nguyệt Sào” kết nối duyên đôi lứa, gả em gái út Đoàn Thị Huệ đang tuổi trăng tròn cho Nguyễn Du.

Trước khi chia tay, Nguyễn Du tặng Đoàn Nguyễn Tuấn bức tranh mực nước có cảnh đêm trăng sáng ở đồng quê. Trên ao sen rộng chỉ còn lơ thơ vài bông sen tàn, nhiều gương sen lô nhô. Vầng trăng ở trên cao tràn trề ánh sáng… Tác giả khéo léo kết hợp phần hư cấu để làm nổi bật tính cách, tâm trạng của 2 anh em ở phương Bắc một niềm thao thiết nhớ cố hương...

Trong chương Đất Nghi Xuân, Hoàng Khôi viết sự kiện Nguyễn Du lấy Đoàn Thị Huệ ở Thái Bình hết sức ngắn gọn, kiệm chữ hơn rất nhiều nói về mối tình của Nguyễn Du với cô lái đò và nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Nguyễn Du phong tình đã “cố tình quên” không cho Xuân Hương biết tin mình đã yên bề gia thất trước khi từ biệt Thăng Long về Tiên Điền. Một chi tiết khá thú vị về cuộc hôn nhân này đã được Hoàng Khôi đề cập tới. Có thể chi tiết này được coi là hiếm hoi, vì rất ít tác giả viết về quan hệ Nguyễn Du - Đoàn Thị Huệ: “Đoàn Thị Huệ vui mừng báo với Nguyễn Du rằng anh sắp được làm cha. Chuyện tốt lành lại khiến Nguyễn Du lo. Anh sẽ chuẩn bị cái gì đây để đón đứa con sắp chào đời? Bao nhiêu năm giang hồ, nhà cửa, tiền nong, công danh… đều không có. Dù có thấm nhuần lời Phật dạy sắc không, không sắc nhưng đối diện với sinh linh là máu huyết của mình sắp hiện hữu thì người cha phải có trách nhiệm với con mình…”.

3. Là nhà nghiên cứu Hán Nôm, TS Đinh Công Vĩ có nhiều tư liệu quý viết về cuộc đời Nguyễn Du gắn với những biến động của lịch sử và gia đình trong tác phẩm Nguyễn Du đời và tình. Tác giả khéo léo xử lý hài hòa giữa những sự kiện lịch sử ngồn ngộn với tính văn chương thấm đậm viết về vùng Hới Gạo lịch sử có “Tổ trăng gió” mộng mơ là quê hương của Đoàn Thị Huệ - chính thất của Nguyễn Du, con gái thứ 6 cụ Đoàn Nguyễn Thục. Có những buổi chiều Nguyễn Du đã cùng vợ đến đây đàm đạo. Những đêm thanh gió mát, Nguyễn Du cùng anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn đối tửu, bàn thơ, luận bàn thế sự. Bài thơ Quỳnh Hải nguyên tiêu được Nguyễn Du sáng tác thời gian ở đây. Những đêm trăng thanh gió mát ở “Phong nguyệt sào” có còn tạo thi hứng cho Nguyễn Du viết 8 câu thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích” - một trong những đoạn thơ cảm động nhất trong Truyện Kiều:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Ngoài Nguyễn Du đời và tình, Đinh Công Vĩ viết Trường ca Nguyễn Du từ khi là học sinh cấp 3 theo thể thơ song thất lục bát. Trong 10 năm gió bụi, ngoài khổ nạn, đói nghèo, tật bệnh, năm 1795, một nỗi đau lớn nhất đến với Nguyễn Du là cái chết của người vợ hiền quý: Ôi số phận dập vùi dữ dội/ Đoàn Thị nàng sao vội ra đi/ Mơ màng giấc ngủ lâm ly/ Những trang “Ký mộng” còn ghi nỗi sầu.

Khoanh vùng phạm vi đề tài khác nhau, cả 3 tác giả Hoàng Khôi, Đinh Công Vĩ và Nguyễn Thế Quang đều khai thác sâu mối tình của Nguyễn Du với cô lái đò Đỗ Thị Nhợt, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tôi cảm nhận cả 3 nhà văn viết về phần này đầy cảm xúc, thăng hoa.

Khoảng mờ lịch sử cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du vẫn là mảnh đất màu mỡ mời gọi sáng tạo văn chương. Niềm mong những khoảng trống văn chương được lấp đầy và điểm mờ lịch sử sẽ được dần được làm sáng tỏ.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›