(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 4/7, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH, TT&DL) đã ra văn bản gửi Sở VH-TT TP.HCM, yêu cầu báo cáo về Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" (tiếng Anh là "Mysteries of the Human Body"). Triển lãm này được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM từ ngày 21/6 đến ngày 31/12/2018 nhưng trước đó nó đã đến nhiều nước trên thế giới.
Triển lãm này được tổ chức nhằm nhằm giáo dục sức khỏe cộng đồng, kết hợp giáo dục khoa học và cung cấp thông tin về giải phẫu, sinh lý học cũng như sức khỏe đời sống thông qua các mẫu vật từ cơ thể người thật, thực hiện bằng công nghệ Plastination, được phát triển bởi tiến sĩ người Đức Gunther Von Hagens.
Trước khi tới Việt Nam, triển lãm được trưng bày ở nhiều nước trên thế giới và nhận nhiều sự ủng hộ của công chúng cũng như gây tranh cãi.
* Nhật Bản: Phụ nữ khúc khích cười, đàn ông thì tái mặt
Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" đã thu hút nhiều khách tham quan khi được trưng bày tại Tokyo International Forum ở khu Chiyoda đặc biệt của thủ đô nước Nhật.
Nhiều phụ nữ thì cười khúc khích, còn đàn ông thì mặt tái đi khi đến tham quan triển lãm. Tuy nhiên, không giống với nhiều khách tham quan ở châu Âu, người Nhật tới triển lãm này không hề có bất cứ lo lắng gì về đạo đức khi họ chạm tay, sờ mó vào những mẫu vật được trưng bày.
Được nhiều tổ chức như Hiệp hội Y khoa Nhật Bản hỗ trợ, sự kiện này được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về cơ thể người và sức khỏe nói chung.
Triển lãm trung bày 16 cơ thể mổ xẻ hoàn toàn và 160 bộ phận cơ thể, bao gồm tim, não và hệ thống tiêu hóa. Một cơ thể được cắt thành các phần dày 2cm từ đầu tới chân. Triển lãm còn trưng bày cả 7 phôi thai.
"Rất mềm mại mà không có chút thịt nào!" - Yumi Katagiri, một khách tham quan 24 tuổi nói khi cô nhét ngón tay của mình vào bụng một cơ thể.
Còn Chifumi Magoshi (23 tuổi) cho biết: "Tôi thực sự tò mò về triển lãm này. Tôi không muốn bỏ lỡ".
Giống như 2 cô gái này, nhiều người tới triển lãm một mình vì bạn trai của họ không dám.
Trong khi đó, Takayuki Yoshida (19 tuổi), tới triển lãm để nghiên cứu giải phẫu con người do đang học thiết kế. Nhưng anh cho biết "tôi không biết mình làm gì ở đây. Tôi cảm thấy buồn nôn".
Tuy có nhiều phản ứng khác nhau, song triển lãm này cực kỳ thành công. Masaharu Igarashi, người phát ngôn của các nhà tổ chức triển lãm cho biết: "Sau khi được trưng bày ở Osaka hồi tháng 3/2002, triển lãm này đã tới Hiroshima, Fukuoka và Nagoya trước khi tới Tokyo. Đến tháng 11/2002, triển lãm đã thu hút được 1,37 triệu khách tham quan, trong đó gần 70% là phụ nữ".
Các cơ thể trong triển lãm được bảo tồn bằng việc sử dụng kỹ thuật được gọi là “plastination", trong đó các chất lỏng của cơ thể được thay thế bằng nhựa.
Đây là triển lãm thứ hai về bí ẩn cơ thể người ở Nhật Bản. Triển lãm đầu tiên từng được trưng bày ở 8 thành phố từ năm 1995 đến năm 1999 nhằm kỷ niệm 100 năm Hiệp hội các Nhà giải phẫu Nhật Bản và từng được coi là triển lãm mang quy mô lớn nhất về cơ thể người trên thế giới.
Triển lãm đầu tiên từng sử dụng những cơ thể người đã "qua tay" xử lý của nhà giải phẫu học Đức Gunther von Hagens, người đã phát minh ra kỹ thuật "plastination" hồi năm 1977.
Theo các nhà tổ chức, triển lãm thứ 2 trưng bày các cơ thể người do người Trung Quốc hiến tặng vì sự tiến bộ của y khoa cho một công ty ở Nam Kinh.
Ông Biten Yasumoto, giáo sư tâm lý trường Đại học Sanno, cho biết phụ nữ tới triển lãm nhiều hơn nam giới là bởi họ ý thức hơn về cơ thể của mình, do thiên chức nuôi con và do ý thức giữ dáng.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng còn do bởi có nhiều người nhận thấy trong thế giới vật chất hiện nay còn có rất ít thứ để khám phá.
"Trong bối cảnh hầu hết mọi thứ đã được giải thích, hiện chỉ còn 3 bí ẩn, gồm vũ trụ, thế giới nguyên tử và sự phức tạp của cơ thể người. Triển lãm này giúp công chúng tới gần hơn với bí ẩn thứ 3" – giáo sư Yasumoto nói.
Một số người đến với triển lãm theo đúng mục đích của các nhà tổ chức, như một cặp đôi đã quyết định cai thuốc lá sau khi xem lá phổi của một người nghiện thuốc lá nặng được trưng bày tại triển lãm.
Yuji Sasaki, sinh viên tâm lý tại trường Đại học Tokyo cho biết: "Một số khách tham quan, đặc biệt là người trẻ, rất sợ khi nhìn những cơ thể người trưng bày trong triển lãm song họ lại thấy an tâm khi cơ thể mình không mắc bệnh như những mô hình trưng bày. Với nhiều người, tới triển lãm cứ như thể họ đi xem phim rùng rợn".
* Phương Tây: Trưng bày cơ thể người gây tổn hại tới 'sự thiêng liêng'
Trong khi nhiều người Nhật chẳng hề có bất cứ lo lắng nào về đạo đức nào khi tới triển lãm, thì nhiều nhóm tôn giáo và cá nhân ở châu Âu đã chỉ trích và đặt vấn đề với những triển lãm tương tự do nhà tiên phong về kỹ thuật "plastination" Von Hagens tổ chức và bắt đầu "chu du" thế giới từ năm 1997.
Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" đã tới Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Hàn Quốc và đảo quốc Singapore.
Nhiều người châu Âu cho rằng trưng bày các cơ thể người thật gây tổn hại tới sự thiêng liêng của họ. Trong khi một số người đặt câu hỏi liệu những người hiến tặng cơ thể có đồng ý để cho cơ thể mình được trưng bày theo cách này.
Ryosei Yamamichi, tham gia tổ chức triển lãm ở Tokyo, khẳng định hai cuộc triển lãm khác hẳn nhau. Triển lãm của Von Hagens mang cả khía cạnh khoa học và nghệ thuật thì triển lãm ở Tokyo đơn thuần là khoa học.
Tuy gây tranh cãi, song trong thời gian diễn ra triển lãm của Von Hagens ở Berlin hồi năm 2001, mỗi ngày có tới 5 người nguyện hiến tặng cơ thể. Ở Nhật Bản, chỉ có một người là bác sĩ thú y viết trên trang web của triển lãm rằng sự kiện này khiến bà nghĩ tới chuyện hiến xác.
Kiroku Echizen, giáo sư tôn giáo tại trường Đại học Sophia ở Tokyo, tin rằng người Nhật gắn bó với cơ thể mình bởi nền tảng tôn giáo và văn hóa hình thành khái niệm của họ về cuộc sống sau khi chết.
Echizen cho rằng trong khi nhiều người phương Tây có thể không ân hận gì về việc hiến xác vì họ coi thân xác mình chỉ như những container chứa linh hồn thì người Nhật tin cõi âm là một "phiên bản lý tưởng của cuộc sống hiện tại" và cảm thấy có thể đồng hành cùng họ tới thế giới bên kia.
Việt Lâm
Tổng hợp
Tags