Hoặc ngựa với người như những người bạn đồng hành, nương tựa vào nhau để khỏa lấp sự cô đơn. Người gùi măng, sắn nặng trĩu, ngựa thồ củi lún lưng. Cả hai cùng chúi đầu, lầm lũi bước đi trong chiều sâu hun hút của điệp trùng đá núi và hoa tam giác mạch (như trong bức Dặm trường, Chiều muộn).
Hay hình tượng những con ngựa phiền não đứng giữa đám đông dân bản cười nói khiến nhiều người thấm thía (Bức Chợ phiên). Trong bức tranh này, thần thái con ngựa biểu đạt cảm xúc của con người.
Họa sỹ Đỗ Đức tự bạch: “Con ngựa với người miền núi là một thành tố trong gia đình, chỉ khác con người ở chỗ là không có tấm chứng minh thư. Đó không phải là một suy nghĩ tếu, đó là sự thực. “Ngựa trên núi” là vậy”.
Thấy người viết vẫn chau mày nghi hoặc, Đỗ Đức nói tiếp: Có lần tôi lên Hà Giang công tác. Trong một quán ăn sập sệ, tôi thấy một người đàn ông người Mông đang say. Người chủ khó chịu lắm, đóng cửa quán đuổi anh ta về. Trong cơn say, anh ta bơ vơ giữa điệp trùng núi đá. Lúc sau, thấy thương hại, người chủ khệ nệ vắt anh ta lên ngựa. Và con ngựa lững thững bước trên những phiến đá sắc lạnh, đưa chủ về.
Để củng cố thêm niềm thương yêu dành cho “ngựa trên núi”, Đỗ Đức kể tiếp câu chuyện về cảnh bán ngựa ở chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai). Ông thấy một người đàn ông người Mông khi bán ngựa nước mắt ròng. Tò mò, Đỗ Đức dừng lại xem. Ông thấy người đàn ông xoa đầu con ngựa nói: “Tao thương mày lắm! Nhưng tao nghèo quá. Chỉ có mày mới cứu đói được nhà tao lúc này. Thôi, về với chủ mới nhớ tốt với ông ấy như tốt với tao. Bao giờ có tiền, tao sẽ chuộc lại mày”!
2. Triển lãm trưng bày tranh Đỗ Đức vẽ ngựa suốt từ năm 1981 tới năm 2013. Khoảng thời gian khá dài với bao thăng trầm của đời nghệ sĩ cũng như những đổi thay của cuộc sống vùng cao. Song, hình tượng con ngựa vẫn không đổi. Chúng vẫn buồn, nỗi buồn cô đơn tịch mịch của nơi thâm sơn cùng cốc.
Đỗ Đức lý giải: “Tôi không sao vẽ con ngựa vui được. Bởi suốt những năm sống ở vùng cao, tôi thấy người dân vùng cao tốt mà khổ quá! Cứ nhấc cọ lên vẽ ngựa, tôi lại hình dung tới những người bươn chải cả ngày trời giữa những hộc tai mèo. Hay những dải đá bầm dập dấu chân người dắt ngựa đi bán. Bán mà như vĩnh viễn rời xa người bạn tri ân. Bán mà như cắt từng khúc ruột...”
“Hình tượng ngựa trong tranh Đỗ Đức rất mới và độc”- Họa sĩ Lê Trí Dũng, người vẽ ngựa hơn 30 năm nay đánh giá về triển lãm- “Vì con ngựa trong tranh của Đỗ Đức không giống con ngựa béo tốt, quý tộc của Hàn Cán hay con ngựa chiến dũng mãnh, khí thế của Từ Bi Hồng của Trung Quốc. Ngựa trong tranh Đỗ Đức là ngựa thồ chân ngắn, mình bé, bờm rộng. Nó mang sức mạnh dẻo dai, bền bỉ đậm chất ngựa Tây Bắc Việt Nam”.
Còn họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN nhận xét: “Trong tranh Đỗ Đức, người với ngựa quện vào phong cảnh đá núi lạnh căm tạo cảm giác ngợp. Những bức tranh khiến người xem không những được thưởng ngoạn mà còn thấm cảnh, người và nỗi lòng của đồng bào vùng cao, nơi địa đầu Tổ quốc.”
Thể thao & Văn hóa