(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Đường đến trường luôn là con đường đẹp nhất với trẻ thơ. Vậy nhưng, dịch bệnh đã khiến ngày trở lại con đường đó trở nên diệu vợi. Không chỉ thành phố lớn, mà ở nhiều miền quê xa xôi, việc học cũng phải qua không gian mạng. Biết bao chuyện đáng thương liên quan đến trẻ em trên dải đất hình chữ S này, trong những ngày đầu năm học mới.
Đấy là cảnh 2 cha con anh Phạm Văn Dem (40 tuổi, dân tộc Hrê, ở thôn Xà Râu, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) phải “vét sạch túi” xuống thị trấn mua điện thoại phục vụ việc học online. Không đủ tiền, họ được anh chủ tiệm điện thoại thương cảm bán lỗ vốn. Qua câu chuyện, chủ tịch UBND xã Ba Nam cho biết toàn xã này chỉ có 16/188 học sinh có điện thoại để học online.
Đấy là clip về ông bà cụ ở Đắk Nông lặn lội lên đồi dò sóng 4G, dựng chòi cho cháu nội học online.
Đấy là cảnh 2 em học sinh Vân Kiều ở bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã phải dựng lều tạm bên miệng vực, cách nhà 5km mới có sóng điện thoại 3G, để tham dự các buổi học trực tuyến.
Tôi biết còn rất nhiều hoàn cảnh tương tự, có điều chưa được cộng đồng mạng chạm tới mà thôi. Dịch bệnh đã khiến những hoạt động bình thường trong xã hội, ở nhiều khu vực địa lý, bị xáo trộn.
Nhưng dù sao, con đường đến trường của trẻ em ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vẫn có thể còn sáng sủa hơn ở một số thành phố lớn. Bởi thành phố là nơi dân cư tập trung đông đúc, dịch bệnh rất dễ lây lan, nhất là khi ý thức tuân thủ các quy định phòng chống dịch còn thấp.
Mới nhất, cả nước đã “chết khiếp” trước biển người Hà Nội đổ ra đường trong đêm Trung Thu.
Thật khó lý giải vì sao, người ta lại bất chấp nguy hiểm, dịch bệnh có thể ập đến để chở cả gia đình, trong đó có trẻ con, nô nức đi bát phố? Bài học lây nhiễm dịch từ các lễ hội chẳng lẽ đã không còn lơ lửng trong tâm trí họ?
Cuộc đời còn rất dài để vui chơi, để thụ hưởng, để chăm lo cho con, đâu phải chỉ mỗi một đêm Trung Thu.
Không phải phụ huynh nào cũng nhớ ra rằng, nếu cứ tiếp tục dẫn con em mình đổ ra đường hoặc tụ tập mà không đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch thì con đường đến trường của chính con em mình sẽ có nguy cơ bị chặn lại. Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11. Trên cơ sở đó, tính phương án cho học sinh trở lại trường học. Giờ chỉ mong đến khi đó không có điều gì đáng tiếc xảy ra, nhất là sau đêm Trung Thu đầy ám ảnh kia. Mong sao tiến trình phủ vaccine mũi 2 được diễn ra đúng kế hoạch để con trẻ hân hoan đến trường như dự tính.
Sophia thân mến!
Tôi để ý thời gian qua, không chỉ vào những dịp như 1/6 hay Trung Thu, các gia đình vẫn có những hoạt động ý nghĩa cho trẻ em mà không cần phải rình rang, tụ tập. Sau 2 năm sống chung cùng dịch bệnh, hầu như đứa trẻ nào cũng được vun xới tình yêu thương, biết chia sẻ khó khăn với cha mẹ, cộng đồng. Chính những gì đã cảm nhận, tận mắt chứng kiến thế giới xung quanh đã khiến các em trưởng thành hơn, sâu sắc hơn. Vậy nên, người lớn cũng đừng quá lo lắng để bù đắp cho chúng thông qua những chuyến dạo phố “nguy hiểm” như đã nói trên.
Dịch Covid-19 đã đẩy rất nhiều trẻ em vào hoàn cảnh mồ côi. Những ngày sắp tới, trên đường đến trường hàng ngày, nhiều em đã khuyết bố, hoặc mẹ, thậm chí cả 2. Con đường đến trường cũng như con đường cuộc đời sẽ cô đơn, xa thẳm hơn với các em. Nói thế để mọi người cùng nhắc nhở nhau hãy thực hiện nghiêm túc hơn với mọi quy định phòng, chống dịch, cũng là để bảo vệ gia đình mình, để con sớm được đến trường và đồng thời cũng thể hiện lòng trắc ẩn với đồng bào.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Tags