Thảo luận về 'Truyện Kiều' và nghe nhạc thể nghiệm

Thứ Hai, 08/06/2020 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thời hậu Covid-19, các hoạt động văn hóa dần trở lại quỹ đạo. Tuần này, tại Hà Nội diễn ra 2 sự kiện đáng lưu ý: Thảo luận về bản dịch Truyện Kiều tiếng Đức xuất bản cách đây hơn nửa thế kỷ và buổi biểu diễn nhạc thể nghiệm của những nhạc sĩ trẻ đầy cá tính…

'Trăm năm trong cõi…' - hiểu sao cho đúng 'Truyện Kiều'?

'Trăm năm trong cõi…' - hiểu sao cho đúng 'Truyện Kiều'?

Người Việt Nam hầu như ai cũng biết, cũng thuộc (ít nhất là dăm ba câu) trong "Truyện Kiều" - tác phẩm nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du. Đến nay đã có hơn 2.000 thư mục nghiên cứu về tác phẩm bất hủ này.

1. 19h tối nay 8/6, tại Viện Goethe Hà Nội (56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình) sẽ diễn ra chương trình kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020). Có thể nói đây là hoạt động sau thời Covid-19, mở đầu cho những hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tối 8/6 tại viện Goethe sẽ là buổi giao lưu online qua Skype với TS Trương Hồng Quang từ Berlin (Đức). TS Trương Hồng Quang sẽ chia sẻ về chất lượng của bản dịch tiếng Đức tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đó là tác phẩm với tựa đề tiếng Đức - Việt Das Mädchen Kiều, dịch giả là Franz Faber và Irene, sách được in lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Rutten & Loening (Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây) vào năm 1964.

Việc xuất bản Truyện Kiều bằng tiếng Đức đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong giao lưu văn học Đức - Việt, báo chí Đức lúc đó nhận định Das Mädchen Kiều là “cả một kho báu của chủ nghĩa nhân đạo và vẻ đẹp cao quý của nền văn hóa của nhân dân Việt Nam”. Ngoài ra, nó còn góp phần giúp Truyện Kiều và văn học Việt Nam hội nhập vào không gian của văn học thế giới; góp phần thay đổi vị thế của nền văn hóa - văn chương Việt Nam đối với các nước phương Tây.

Chú thích ảnh
Một ấn bản của bản dịch tiếng Đức của Faber và Irene

Franz Faber đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11/1954 đến đầu tháng 2/1955, với tư cách là một nhà báo quốc tế theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một ngày trước lúc trở về Đức, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cuốn Truyện Kiều song ngữ Việt - Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh.

Ban đầu Faber dự định dịch Truyện Kiều qua bản tiếng Pháp, nhưng vợ của ông là Irene đã phản đối và bắt ông phải dịch từ bản tiếng Việt. Irene cũng đã góp phần vào công trình dịch thuật này với tư cách là một dịch giả, một nhà văn bản học và là một nhà khảo cổ văn hóa.

Đây là một công trình dịch thuật mà 2 dịch giả đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, Irene và Franz Faber đã viết trong lời giới thiệu xuất bản năm 1964 rằng: “Chữ “trăm năm” xuất hiện 10 lần trong Truyện Kiều; mười lần nó đòi hỏi cách dịch khác nhau”. Đó là một trong những chi tiết cho thấy dịch giả đã rất cẩn thận và tâm huyết với công trình dịch thuật này.

Hiện nay có rất nhiều bản dịch Truyện kiều của nhiều tiếng nước ngoài, và bản dịch Das Mädchen Kiều của Franz Faber và Irene là một trong những bản dịch được giới chuyên môn đáng giá cao.

2. Những chân trời bụi đỏ là buổi hòa nhạc thể nghiệm, sẽ diễn ra lúc 20h ngày 12/6 tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Buổi hòa nhạc gồm 5 tác phẩm của 5 nhạc sĩ là học viên của khóa sáng tác tự do I-1C thuộc Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm. Đó là các tác phẩm: Dạ Nhiên (sáng tác cho băng âm thanh và đàn bầu của Nguyễn Thuỳ Linh); Một bóng, một hình, sáng tác cho nhạc điện tử, nhạc cụ acoustic và vật dụng của Hà Thúy Hằng; Mẹ yêu, sáng tác cho băng âm thanh và violin của Tuấn Nị; Đi tìm thanh âm đã mất, sáng tác cho băng âm thanh và đàn tranh của Hoài Anh và Đi đi về về sáng tác cho nhạc điện tử, nhạc cụ acoustic và phim thể nghiệm của Nguyễn Quốc Hoàng Anh.

Chú thích ảnh

Ngoài ra còn có 1 tác phẩm Ngẫu hứng nhóm do 5 nhạc sĩ nói trên biểu diễn cùng với Duy Rùa và Nguyễn Xuân Sơn.

Đây là một trong những buổi biểu diễn âm nhạc lạ lẫm, hiếm hoi trong mặt bằng chung của sinh hoạt âm nhạc hiện nay, góp phần làm phong phong phú các loại hình âm nhạc của xã hội. Những khóa đào tạo của Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm là nơi sản sinh những nghệ sĩ cá tính nhằm phát triển âm nhạc âm nhạc thể nghiệm đương đại và sự liên kết với nhiều loại hình nghệ thuật thừ nghiệm khác. Những tác phẩm của họ là những cá tính nghệ thuật, với ngôn ngữ biểu hiện mới lạ mang đầy tính khám phá.

Chương trình đào tạo này do nhạc sĩ Kim Ngọc khởi xướng và phụ trách đã tiến hành từ năm 2013 đến nay, chương trình đã cho ra đời khá nhiều nhạc sĩ góp phần làm lớn mạnh nhạc thể nghiệm Việt Nam.

Bình Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›