01/06/2020 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Kể từ số báo này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Sử Việt đọc chậm” của tác giả Tô Như. Đây là các bài viết được xây dựng trên cơ sở bổ chú và tham chiếu các tư liệu lịch sử, từ đó có các kiến giải về một số vấn đề vẫn ít được chú ý trong sử Việt.
Lịch sử từng ghi chép lại Hội thề thường tổ chức tại Đồng Cổ Thần miếu ở đời nhà Lý với lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Năm 1227 nhà Trần phục dựng Hội thề Đồng Cổ, nhưng lời thề của các quan được đổi thành: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Hội thề Đồng Cổ và Hội thề Long Trì
Thực ra không phải năm nào hội thề cũng cử hành tại đền Đồng Cổ. Đơn cử năm Kiến Tân thứ 2 (1399) đời vua Thiếu Đế nhà Trần, tháng 4 cũng cử hành hội thề nhưng là tại Đốn Sơn, Thanh Hóa. Hội thề năm đó, Trần Khát Chân cùng một số quan viên nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly, nhưng việc bất thành, dẫn tới thảm án giết 370 người liêu thuộc, thân thích của các quan viên dự mưu.
Nhưng bên cạnh Hội thề Đồng Cổ đã rất nổi tiếng mà ai nấy đều hay, thì còn một hội thề mà ít người biết tới, tạm gọi là Hội thề Long Trì.
Long Trì (龍墀) tức thềm rồng - sân thềm của cung điện. Hội thề Long Trì được tổ chức tại “long trì” của điện Thiên An, là cung điện được dựng lại năm Thiên Thành thứ 2 (1029) trên nền cũ của điện Càn Nguyên xưa bị sét đánh sụp. Lần đầu tiên sử sách nước nhà ghi nhận một hội thề tại Long Trì là năm Hội tường Đại khánh thứ 10 (1119), nhưng đây là lễ tuyên thệ trước khi nhà vua thân chinh đi đánh giặc.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa Đông, tháng 10, duyệt 6 binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm... Họp các quân nhân cả nước thề ở Long Trì. Xuống chiếu rằng: Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của 1 tổ 2 tông, đứng trên dân đen, coi triệu họ trong 4 biển đều như con đỏ, cả đến cõi xa cũng mến lòng nhân mà quy phụ, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Vả xét dân động Ma Sa sống ở trong cõi của ta, động trưởng Ma Sa thì đời đời làm phiên thần của ta, thế mà nay kẻ tù trưởng ngu hèn ấy bỗng phụ ước của ông cha, quên việc tuế cống khiếm khuyết lệ thường phép cũ. Trẫm vẫn nghĩ mãi, việc không đừng được, nay trẫm tự làm tướng đi đánh dẹp. Nay các tướng súy 6 quân, các ngươi đều phải hết lòng, tuân theo mệnh lệnh của trẫm”.
Còn lễ tuyên thệ nhậm chức lần đầu tiên được cử hành ở đây là năm Mậu Thân (1128). Mùa Đông năm trước, vua Lý Nhân Tông mất, vua Thần Tông lên nối ngôi, sang tháng 2 năm sau, vua cử hành hội thề ở long trì điện Thiên An.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mậu Thân, Thiên Thuận năm thứ nhất (1128)]... Tháng 2, ngày Canh Ngọ, vua ngự điện Thiên An xem quốc nhân hội thề ở Long Trì. Nhân đó xuống chiếu phát quần áo, tiền lụa trong Nội phủ để ban cho”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (sau đây gọi là Khâm định Việt sử…) chép tương tự, sử quan Quốc sử quán chua thêm rằng: “Hồi Lý Thái Tông mới lên ngôi, có cuộc hội thề ở Thần miếu, đọc lời tuyên thệ rằng: Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thì thần minh tru diệt, vậy cuộc hội thề ở điện Thiên An dưới triều Lý Thần Tông này và 2 triều Lý Anh Tông, Lý Cao Tông sau đây có lẽ cũng là phỏng theo cái ý hội minh từ đời Lý Thái tông còn sót lại”.
Sự khác nhau giữa 2 hội thề
Quốc sử quán triều Nguyễn có lẽ đã nhầm. Hội thề Đồng Cổ hầu như mỗi năm tổ chức 1 lần, căn cứ vào lời tuyên thệ được ghi lại ở cả triều Lý và triều Trần, thì tính chất của hội thề này là bá quan tuyên thệ trung thành với nhà vua. Còn Hội thề Long Trì là khi vua mới lên ngôi, tuyên thệ với quốc dân đồng bào. Thật may là mày mò trong Đại Việt sử lược có được vài thông tin hữu ích.
Đại Việt sử lược chép: “Năm Mậu Thân (1128)... Ngày Canh Ngọ vua ngự tại điện Thiên An nơi Long Trì để thề hẹn với người trong nước”.
Có sự khác biệt nho nhỏ giữa câu văn nguyên gốc trong Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược. Đại Việt sử ký toàn thư chép tiếng Hán: “Quan quốc nhân minh vu Long Trì” còn Đại Việt sử lược chép: “Minh quốc nhân vu Long Trì”; “quan” nghĩa là “xem”, còn “minh” là đích thân nhà vua tuyên thệ. Tôi tin là Đại Việt sử lược chỗ này chép chính xác hơn Đại Việt sử ký toàn thư.
Tới năm Mậu Ngọ (1138), tháng 9, vua Thần Tông mất, vua Anh Tông nối ngôi. Ngày mùng 1 tháng 10, lại tổ chức hội thề ở Long Trì. Lần này Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hội thề quốc nhân ở Long Trì”. Khâm định Việt sử… chép: “Hội họp bầy tôi tuyên thệ ở điện Thiên An”. Đại Việt sử lược chép: “Ngày Ất Mão vua thề hẹn với quốc dân ở nơi Long Trì”.
Vậy là cả 3 pho sử đều chép giống nhau, ngay khi Anh Tông lên ngôi, liền tổ chức tuyên thệ trước quốc dân tại long trì điện Thiên An. Chỉ khác nhau là toàn bộ các sự kiện của năm đó, Đại Việt sử lược chép thành năm Đinh Tỵ (1137), dẫu vậy, sự sai khác này không ảnh hưởng tới việc chúng ta đang đề cập tới, bởi sự việc vua lên ngôi và tổ chức hội thề đều cùng trong một năm.
Lần cuối cùng chính sử ghi nhận hội thề ở long trì điện Thiên An là năm Ất Mùi (1175). Tháng 7 năm đó, Anh Tông mất, Cao Tông nối ngôi. Liền đó cũng tổ chức hội thề. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Họp quốc nhân thề ở Long Trì”. Khâm định Việt sử… chép: “Hội họp quần thần, tuyên thệ ở điện Thiên An”. Đại Việt sử lược chép: “Đầu mùa Đông nhà vua thề hẹn tại Long Trì với người trong nước”.
Sau đó, còn hội thề Long Trì nữa không? Người đọc sử sẽ không tìm thấy trong Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử… bởi trong 2 pho sử ấy bị thiếu rất nhiều ghi chép trong giai đoạn cuối của nhà Lý. Chính điều này mà một nhân vật từng lên ngôi vua đã bị lịch sử vùi lấp. Đó là Nguyên hoàng đế. Đại Việt sử lược chép: “Giáp Tuất, Kiến Gia năm thứ 4 (1214)... Tháng 2... Ngày Quý Hợi thề với người trong nước tại Long Trì. Tháng 3, Huệ Văn Vương lên ngôi vua ở điện Thiên An. Đổi niên hiệu là Càn Ninh và lấy hiệu là Nguyên Vương”. Cần biết rằng, Đại Việt sử lược được lưu trong Khâm định tứ khố toàn thư của nhà Thanh, do vậy các danh hiệu Hoàng đế của nước ta đều bị hạ xuống thành vương. Ở đây ta hiểu là Huệ Văn đế lên ngôi, tôn hiệu là Nguyên hoàng đế.
Chính sử chỉ chép việc bọn Quách Bốc lập Hoàng tử Thầm lên làm vua năm Kỷ Tỵ (1209): “Bọn Quách Bốc xông vào, lấy chiếc chiếu của vua bó xác Bỉnh Di và lấy xe của vua chở xác Bỉnh Di, vượt qua cửa thành, rút ra bến Đông bộ đầu; rồi lại quay vào cung Vạn Diên, lập con thứ vua là Thầm lên làm Hoàng đế” (Khâm định Việt sử…).
Tôi không có thông tin cụ thể nào về sự tồn tại của Huệ Văn Vương hay Nguyên Vương (Nguyên Đế). Năm Giáp Tuất đó, tháng 2 cũng không có ngày nào là Quý Hợi mà chỉ có Đinh Hợi, Kỷ Hợi, Tân Hợi; mà tháng 3 mới có ngày Quý Hợi, tức ngày 12 Âm lịch. Như vậy Đại Việt sử lược có lẽ đã chép lộn thứ tự 2 cụm này với nhau, phải là “Tháng 3, Huệ Văn Vương lên ngôi vua ở điện Thiên An. Đổi niên hiệu là Càn Ninh và lấy hiệu là Nguyên Vương. Ngày Quý Hợi thề với người trong nước tại Long Trì”. Vừa đúng khớp với thứ tự lên ngôi rồi tuyên thệ với quốc dân.
Tôi không thấy ghi chép về Huệ Tông lên ngôi rồi hội thề ở năm 1210, nhưng Hoàng đế cuối cùng của nhà Lý - tức Lý Chiêu Hoàng thì có lễ tuyên thệ. Đại Việt sử lược chép: “Ất Dậu Kiến Gia năm thứ 15 (1225)... Tháng 6, nhà vua nhường ngôi cho con thứ 2 là Công chúa Chiêu Thánh. Chiêu Thánh lên ngôi lấy thụy hiệu là Chiêu Vương, tôn vua Huệ Tông làm Thái thượng vương, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Ngày Kỷ Mão thề với người trong nước tại Long Trì”. Ở đây, có lẽ Đại Việt sử lược chép nhầm, không phải “Thụy hiệu” mà phải là “Tôn hiệu”. Thụy hiệu là tên được đặt sau khi người đó qua đời. Chiêu vương đúng ra là Chiêu Hoàng đế, còn Thái thượng vương tức là Thái thượng hoàng.
Hai bộ Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử… đều không có ghi chép về 2 hội thề này. Đó là lý do Quốc sử quán triều Nguyễn không nhận ra Hội thề Long Trì khác hẳn tính chất của Hội thề Đồng Cổ. Hội thề Long Trì đích xác đó là lễ tuyên thệ sau khi đăng cơ của Hoàng đế triều Lý. Khác với Hội thề Đồng Cổ, lễ tuyên thệ này không được phục dựng ở triều nhà Trần.
Tô Như
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất