(TT&VH) - “Cái mà chúng tôi gặp phải ở trong nước là việc hiện nay các tài liệu lưu trữ quý hiếm của chúng ta còn nằm rải rác trong dân rất nhiều: ở các đền, miếu, đình, chùa, trong gia phả của các dòng họ…” - bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức vào ngày 30/10 vừa qua tại TP.HCM.
Với gần 100 đại biểu, báo cáo viên đến từ 40 cơ quan quản lý, cơ quan lưu trữ trung ương, địa phương và 17 đơn vị chức năng, sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Hội thảo là dịp để đánh giá việc thực hiện Đề án Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 644/QĐ-Ttg phê duyệt vào ngày 31/5/2012 và đang trong giai đoạn triển khai đến năm 2020.
Với nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam đã được sưu tập trong thời gian qua, theo thống kê sơ bộ, đến nay có khá nhiều tài liệu về biên giới, hải đảo. Đơn cử như tài liệu về Châu bản của triều Nguyễn có liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia và những “Mộc bản” cùng nội dung nói trên tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt) và nhiều tài liệu khác từ thời phong kiến đến chế độ Sài Gòn cũ hiện đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (TP.HCM).
Tuy nhiên, dù Đề án được triển khai trong bối cảnh Luật Lưu trữ có hiệu lực, nhưng công tác sưu tập vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế.
Một trong những khó khăn chủ yếu là việc “xã hội hóa lưu trữ”. Việc sưu tập tư liệu quý, hiếm đã tiến hành nhưng chưa có hiệu quả cao bởi cách tổ chức còn đơn lẻ, thiếu tính toàn diện và chưa có cơ chế kinh phí hợp lý cho các đoàn đi khảo sát. “Hiện nay chúng ta chưa có chế độ chính sách khuyến khích, động viên, bồi dưỡng đối với những cá nhân, gia đình có sử liệu quý, hiếm” - bà Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết.
Bên cạnh đó, một nội dung được nhiều đại biểu trong hội thảo quan tâm là vấn đề khai thác hiệu quả những tư liệu quý đang lưu giữ tại Việt Nam. Hội thảo này hy vọng sẽ góp phần thay đổi tư duy hài hòa giữa trách nhiệm lưu trữ và trách nhiệm đối với việc khai thác tài liệu lưu trữ của người nghiên cứu.
Ngoài việc số hóa các châu bản mà UNESCO hỗ trợ, công tác bảo vệ an toàn các tài liệu lưu trữ nguyên trạng cũng cần phải tập trung thực hiện. Tại Hội thảo, tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cũng đề nghị các “Mộc bản và Châu bản của triều Nguyễn” nên được lưu giữ tại Đà Lạt là tốt nhất so với những địa phương khác vì khí hậu không khắc nghiệt và không có nguy cơ bị lũ lụt.
Được biết, hiện những tài liệu quý, hiếm đã sưu tập theo đề án Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam đang được biên tập, sắp xếp, chỉnh lý để đưa vào khai thác, phục vụ.
Anh Đức