(Thethaovanhoa.vn) - Những lùm xùm không hồi kết liên quan đến câu chuyện tác quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh đã đặt ra sự cần thiết hơn bao giờ hết về một hành lang pháp lý đưa công tác giám định tác phẩm trong hai lĩnh vực nghệ thuật này đi vào nề nếp.
- Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Triển lãm cơ thể người chỉ phù hợp với cơ sở nghiên cứu y học
- Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lọt Top 9 sự kiện mỹ thuật, nhiếp ảnh 2015
Quy chế giám định tác phẩm mỹ thuật – tác phẩm nhiếp ảnh vừa được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) ban hành vì vậy được kỳ vọng sẽ tháo bỏ những búi rối đã khiến cho uy tín của nền mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quy tụ đội ngũ chuyên gia tên tuổi
Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, những câu chuyện thực tế đã đặt ra bài toán khó: Đâu là lời giải để đẩy lùi vấn nạn tranh nhái, ảnh giả khiến cho công chúng và các nhà sưu tập hoàn toàn bị lấy mất niềm tin. “Quy chế Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh hướng dẫn hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh, bao gồm tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và tác phẩm nhiếp ảnh. Đồng thời, điều chỉnh hoạt động giám định việc sao chép tác phẩm, xác định bản quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu giám định tác phẩm để công bố, phổ biến, triển lãm, kinh doanh, đấu giá. Hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh được xác định là dịch vụ công, theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và được thực hiện dựa trên nguyên tắc: tuân thủ pháp luật; trung thực, khách quan, chính xác. “Giám định tác phẩm là việc xác định đó là bản gốc hay bản sao chép, xác định tên, chữ ký, xác định phong cách sáng tác, bút pháp, xác định việc sao chép, sử dụng toàn phần hoặc một phần tác phẩm gốc. Kết quả giám định là kết luận về chuyên môn, về tác giả của tác phẩm mỹ thuật- tác phẩm nhiếp ảnh trong phạm vi nội dung được yêu cầu giám định...”, theo họa sĩ Vi Kiến Thành.
Quy chế cũng nêu rõ những khái niệm cũng như các thuộc tính của tác phẩm gốc, bản sao chép, bản nhái phong cách sáng tác, bản mạo danh... Về thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật – tác phẩm nhiếp ảnh, nội dung Quy chế quy định rõ về hồ sơ đề nghị giám định, Hội đồng giám định... Theo đó, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định gửi hồ sơ đến Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội). Hồ sơ đề nghị giám định gồm: văn bản đề nghị giám định (theo mẫu); tác phẩm yêu cầu giám định và các tài liệu liên quan chứng minh về tác phẩm, tác giả yêu cầu giám định.
Về Hội đồng giám định, theo ông Vi Kiến Thành, Hội đồng do Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định thành lập, làm việc theo các quy định của Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh. Đáng chú ý, Hội đồng quy tụ các chuyên gia chuyên ngành mỹ thuật, chuyên ngành nhiếp ảnh; có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh từ 10 năm trở lên, có uy tín, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công tâm; ý kiến kết luận của Hội đồng phải được 100% thành viên đồng ý.
Hội đồng có từ 5- 11 thành viên. Phiên họp của Hội đồng chỉ hợp lệ khi có từ 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự. Căn cứ vào hồ sơ, nội dung yêu cầu giám định, nếu không đủ điều kiện để tiến hành giám định thì Hội đồng sẽ có văn bản từ chối.
“Hội đồng giám định bao gồm ba hội đồng chuyên ngành: Hội đồng giám định tác phẩm hội họa, đồ họa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn đứng đầu; Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt do PGS. nhà điêu khắc Vương Học Báo đứng đầu. Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh do Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh đứng đầu. Căn cứ vào kết quả giám định của Hội đồng và kết quả kiểm tra của kỹ thuật, công nghệ (khi cần thiết), Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh sẽ trả lời bằng văn bản kết luận giám định cho đơn vị yêu cầu giám định”, ông Vi Kiến Thành cho hay.
Viện Khoa học hình sự hỗ trợ về kỹ thuật
Những lùm xùm chưa hồi kết có liên quan đến câu chuyện tác quyền và vấn nạn tranh giả - tranh thật nhiều năm qua luôn khiến các nhà quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật này lúng túng. Theo ông Thành, Quy chế được xem như một chiếc khoá để “doạ” kẻ gian, với kỳ vọng sẽ đẩy lùi vấn nạn đã khiến cho uy tín của nền mỹ thuật- nhiếp ảnh nước nhà bị ảnh hưởng.
Điều lo lắng nhất được đặt ra trước đây là chuyên môn, kỹ thuật và hệ thống máy móc phục vụ giám định, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, ý tưởng ban đầu là sẽ đầu tư mua hệ thống máy móc này, tuy nhiên sau khi thỏa thuận với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì những lo lắng đã được giải toả. “Phía Viện Khoa học hình sự sẽ hỗ trợ chúng ta về mặt kỹ thuật. Họ có đầy đủ hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giám định trên các chất liệu mà chúng ta cần như carbon, gỗ, sơn, vải... Khi có vụ việc cần giám định bằng máy chúng tôi sẽ ký hợp đồng để Viện hỗ trợ. Như vậy, Trung tâm sẽ không đặt vấn đề tự mua trang thiết bị nữa. Tuy nhiên, việc sử dụng máy móc chỉ diễn ra khi hội đồng không tự tin thẩm định được. Có nhiều trường hợp, với kinh nghiệm lâu năm của các chuyên gia thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể giám định được”, ông Thành cho hay.
Cục trưởng cho biết thêm, dựa trên những căn cứ pháp lý cũng như quy trình giám định thì có thể hoàn toàn yên tâm về tính khả thi của văn bản này. Công việc tiếp theo sẽ sớm được triển khai là xây dựng bảng giá dịch vụ giám định, sau đó là lễ ra mắt chính thức Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (dự kiến trong tháng 11. 2018).
Cũng họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ, trong chuyến thực tế vừa qua tại Hàn Quốc, các cán bộ của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thêm tin tưởng vào tính khả thi của Quy chế. Năm 2003, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm giám định đầu tiên và đến nay, họ đã có tới 15 Trung tâm giám định trong cả nước. “Hàn Quốc cũng bắt đầu như chúng ta hiện nay. Sau 15 năm hoạt động thì đến nay, mỗi năm nước bạn giám định được khoảng 500- 700 tác phẩm...”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành: “Điều lo lắng được nhìn thấy hiện nay là sau khi Trung tâm Giám định đi vào hoạt động, thách thức đối với công tác giám định tại Việt Nam chính là sự phát triển còn ở mức sơ cấp của thị trường mỹ thuật cũng như nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các sàn đấu giá, gallery... là những địa chỉ mà chúng tôi hướng đến trước tiên. Tuy nhiên, mình có dịch vụ nhưng khách hàng có đến hay không lại là chuyện khác. Dư luận vẫn nói đến sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu các trung tâm giám định này nọ nhưng thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tìm cách để... lách luật”.
"Giám định tác phẩm là việc xác định đó là bản gốc hay bản sao chép, xác định tên, chữ ký, xác định phong cách sáng tác, bút pháp, xác định việc sao chép, sử dụng toàn phần hoặc một phần tác phẩm gốc. Kết quả giám định là kết luận về chuyên môn, về tác giả của tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh trong phạm vi nội dung được yêu cầu giám định..." (Họa sĩ Vi Kiến Thành) |
Phía Viện Khoa học hình sự sẽ hỗ trợ chúng ta về mặt kỹ thuật. Họ có đầy đủ hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giám định trên các chất liệu mà chúng ta cần như carbon, gỗ, sơn, vải... Khi có vụ việc cần giám định bằng máy chúng tôi sẽ ký hợp đồng để Viện hỗ trợ. Như vậy, Trung tâm sẽ không đặt vấn đề tự mua trang thiết bị nữa. Tuy nhiên, việc sử dụng máy móc chỉ diễn ra khi hội đồng không tự tin thẩm định được. Có nhiều trường hợp, với kinh nghiệm lâu năm của các chuyên gia thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể giám định được. |
Theo Thu Trang/Báo Văn hóa
Tags