Phòng thí nghiệm Sàn Art: Một kênh tái đào tạo nghệ sĩ Việt Nam

Thứ Bảy, 08/08/2015 13:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 18h ngày 8/8 Sàn Art mở xưởng phiên thứ 7 - Phòng thí nghiệm Sàn Art (40/18 Phạm Viết Chánh và 48/7 Mê Linh, Bình Thạnh, TP.HCM) với dự án khởi đầu của Saras, Trân Châu và Thủy Tiên.

1. Sau hơn 3 năm hoạt động liên tục, Phòng thí nghiệm Sàn Art (TP.HCM) đã là một trong những chương trình nghệ sĩ cư trú nổi bật nhất ở Đông Nam Á, cả về tính dài hơi cũng như sức vọt của các nghệ sĩ sau 6 tháng sống và làm việc với nhau...

Thủy Tiên trăn trở: Một ký ức thật đến mức nào? Liệu chúng ta có thể cất giữ những tàn tro của một trải nghiệm, cả về thể xác và tinh thần? Saras (Ratu Rizkitasari Saraswati) nhận thức: Các giọng nói ở trong đầu như những chấn thương tâm lý, chúng có hai thái cực. Trân Châu thì quan tâm: Trang phục vừa che phủ vừa phô bày nhân thân. Vậy thì ba nghệ sĩ này sẽ cùng khám phá như thế nào trong 6 tháng?

Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và Sàn Art khá chuyên nghiệp, nhưng lại đặt trên nền tảng bạn bè và chia sẻ. 3 nghệ sĩ không sống lạc lõng trong không gian riêng của mình, mà liên tục được tổ chức tham gia các hoạt động nâng cao chuyên môn lẫn giải trí, vui chơi. Họ có 6 tháng đẫm mình trong nghệ thuật, với cường độ làm việc dày đặc, giống như trải qua một kỳ “tôi thép”. 

Trân Châu, Saras và Thủy Tiên tại phiên thứ 7 - Phòng thí nghiệm Sàn Art

Phòng thí nghiệm Sàn Art thường kéo dài 6 tháng, mỗi phiên có 3 nghệ sĩ trẻ đến từ Việt Nam (diện ưu tiên) và quốc tế sinh sống, trao đổi, làm, việc với nhau mà không phải vướng bận những áp lực thương mại và tài chính. Cấu trúc được thiết kế đặc biệt dành cho bối cảnh ở Việt Nam. Mục đích của chương trình không chỉ đơn thuần giúp nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm đẹp, hay và ý nghĩa để triển lãm cuối phiên. 

2. Cái đích chính yếu là đào tạo một thế hệ nghệ sĩ thị giác trẻ hoạt động chuyên nghiệp, biết cách nghiên cứu và thể nghiệm, có khả năng biện luận và phản biện về tác phẩm của mình. Họ cũng phải biết cách kết nối nền nghệ thuật trong nước với quốc tế, làm chủ được tình thế khi thương thảo trên thị trường nghệ thuật. 

Chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Thị Thanh Mai, nữ nghệ sĩ gốc Huế của phiên đầu tiên năm 2012. Từ Phòng thí nghiệm Sàn Art, cô đã mở rộng mối quan tâm nữ quyền của mình tới chủ đề nghiên cứu những cộng đồng yếm thế, như dự án gần đây nhất là về cộng đồng ngư dân người Việt sống không căn cước ở Campuchia. Hiện cô đang sống ở Berlin một năm tại Kunsthaus Bethanien - chương trình cư trú hàng đầu của Tây Âu và được giao quỹ bảo trợ nghệ thuật của nghệ sĩ danh tiếng Robert Rauschenberg. 

Tại đây, ngoài vấn đề chuyên môn, các nghệ sĩ còn được hướng dẫn nhưng việc rất cụ thể như viết artist statement (luận điểm nghệ sĩ), nghiên cứu và lưu trữ tư liệu, tinh thần phản biện, việc truyền tải ý tưởng, việc xin tài trợ… 

Tuy đang hoạt động thành công, nhưng Phòng thí nghiệm Sàn Art vẫn đang trầy trật về mặt tài chính để duy trì chương trình. Các quỹ cho văn hóa tại Việt Nam và nước ngoài đang cạn kiệt, Sàn Art đang muốn hướng tới chính những cá nhân yêu nghệ thuật có khả năng đóng góp cho nền văn hóa. Chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter là một trong những bước đầu như vậy (http://kck.st/1Tpxi6t). Chiến dịch này được Art Basel - Hội chợ nghệ thuật lớn nhất thế giới - lựa chọn để quảng bá trong mạng lưới toàn cầu của họ. 

Văn Bảy

Phiên thứ 8 của Phòng thí nghiệm Sàn Art đang nhận đăng ký lưu trú đến hết ngày 15/8/2015. Chi tiết xem tại http://san-art.org, hoặc liên hệ với [email protected].

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›