(Thethaovanhoa.vn) - Dù chẳng được nhắc đến theo cách quá rình rang, nhiều nhà làm phim độc lập trẻ đã âm thầm lập thành tích trong năm 2016. Và thực tế, nhiều năm nay, chỉ có phim độc lập đem chuông đi đánh xứ người và mang vinh quang quốc tế về cho điện ảnh Việt Nam.
- Phim độc lập khổ vì... phát hành
- Cộng đồng phim độc lập Việt rùng mình chuyển động
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn lại nói về phim độc lập
Âm thầm chinh chiến
"Mạnh như điện ảnh Đài Loan nhưng không phải năm nào cũng có phim được đề cử tại LHP Berlin. Chiến thắng của Phạm Ngọc Lân không phải ngẫu nhiên" - đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Như phân tích của anh, Phạm Ngọc Lân đã đi theo một quy trình rất bài bản: có dự án phim ngắn tốt, giới thiệu tại các chợ dự án nước ngoài, tìm tài chính, làm thành phim và đem phim đi các LHP quốc tế.
Đạo diễn Đào Thanh Hưng (trái) và nhà sản xuất Phạm Phương Thảo thuyết trình dự án tại Hàn Quốc
Rõ ràng, dù không đoạt giải, nhưng được đề cử tại một trong ba LHP quan trọng nhất thế giới là một thành tích rất ấn tượng. Và thực tế: phim ngắn vào vòng dự thi chính thức của LHP lớn thì cơ hội mở ra rất nhiều. Sau Một thành phố khác, Phạm Ngọc Lân đã có ngay một dự án khác đem tới LHP Busan vào tháng 10/2016 và đang chuẩn bị làm phim dài đầu tay.
Ngoài tin vui từ Phạm Ngọc Lân, năm 2016 còn nhiều nhà làm phim độc lập chiến thắng tại các chợ dự án phim quốc tế và được các quỹ điện ảnh nước ngoài tài trợ.
Trong đó, phải kể tới Nguyễn Phương Anh giành Giải thưởng lớn (trị giá 20.000 USD) từ Diễn đàn Tài chính Điện ảnh châu Á (thuộc LHP QT Hong Kong) với dự án Người vợ thứ ba; Lê Bảo giành Giải Dự án phim truyện xuất sắc tại Chợ dự án LHP quốc tế Singapore với Vị; Đào Thanh Hưng đạt Giải nhất (trị giá 10.000 USD), hạng mục Dự án châu Á xuất sắc tại Chợ dự án phim tài liệu châu Á ở Incheon (Hàn Quốc) với Tiếng hót sau những chấn song.
Được các chợ dự án quốc tế mời là một cơ hội rất lớn với các nhà làm phim trẻ. Vì tỷ lệ "chọi" ở quốc tế rất cao, được chọn vào top 10 đã là may mắn. Chiến thắng còn tuyệt hơn khi ngoài tiền thưởng, họ sẽ kiếm được nguồn tài trợ nhiều hơn tiền thưởng nhiều lần, gây ấn tượng với các giám tuyển phim. Đó là những bước đi đầu tiên để đến với các LHP quốc tế.
Ở mảng phim tài liệu, dự án của nhà làm phim Nguyễn Phương Thảo và Phạm Thu Hằng được quỹ của Hàn Quốc đầu tư. Đạo diễn Bùi Kim Quy đã được Trại sáng tác của LHP Berlin 2017 mời, một cơ hội mà Phạm Ngọc Lân đã từng giành được với Một thành phố khác khi phim còn nằm trên giấy.
Rồi, phim dài Gần mà xa, khu rừng của tổ tiên của đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã được chọn tham dự liên hoan phim Vesoul lần thứ 22 tại Pháp vào tháng 2/2017 và là một trong tám bộ phim tài liệu tranh giải Xích lô Vàng.
Dù thành tích của các nhà làm phim độc lập năm 2016 không ấn tượng bằng Bi, đừng sợ, Đập cánh giữa không trung, Cha, con và... của những năm về trước, nhưng số lượng các dự án đi ra quốc tế nói lên rất nhiều điều về trình độ của các nhà làm phim độc lập Việt Nam.
"Họ năng động, chủ động hơn và làm việc đúng tinh thần độc lập", nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.
"Một thành phố khác" - phim ngắn đạt thành tích cao nhất năm 2016
Hy vọng từ Quỹ điện ảnh
Một tin rất vui cũng đến với các nhà làm phim độc lập: Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD) đã quyết định thành lập Quỹ phát triển Điện ảnh trẻ.
"Chúng tôi vẫn tài trợ cho các nhà làm phim trẻ thuộc cộng đồng Chúng ta làm phim của TPD. Nhưng ngoài kia còn rất nhiều nhà làm phim tài năng khó tìm nguồn tài trợ" - ông Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Điện ảnh CDJ (thuộc TPD) cho biết. "Quỹ điện ảnh trong nước thì chưa có, quỹ nước ngoài thì khó xin, nên TPD muốn thành lập một Quỹ nhằm hỗ trợ cho các tài năng điện ảnh".
Theo lời ông Phương, quỹ này có khả năng ra mắt vào tháng 4/2017 và tạm thời trước mắt chỉ tài trợ cho các nhà làm phim trẻ ở khu vực Hà Nội.
"Trong lúc chờ mãi mà chưa thấy quỹ điện ảnh quốc gia thì cuối cùng cũng có một quỹ điện ảnh xuất hiện" - đạo diễn Phan Đăng Di hào hứng khi nghe thông tin. "Như vậy, những người lập quỹ đã đồng thuận với một quan điểm: tài năng trẻ không đi được đường dài thì không có cách gì để hy vọng vào tương lai.
Cũng theo lời Phan Đăng Di, chương trình mục tiêu điện ảnh của Việt Nam hiện tại nhắc tới những vấn đề rất quan trọng, nhưng nhân tố đầu tiên là con người thì lại vẫn... chưa được quan tâm.
"Tôi vẫn nghĩ phát triển tài năng nghệ thuật là nhiệm vụ tầm quốc gia" - anh nói. "Nhưng rất vui là các cá nhân đã không ngồi chờ nhà nước. Họ đều vận động để cùng tìm kiếm hy vọng".
Cuối năm phim dài chạy nước rút Những tưởng năm 2016, giới làm phim độc lập sẽ có rất ít phim dài. Nhưng gần cuối năm nhà làm phim độc lập Síu Phạm đã hoàn thành Con đường trên núi. Hoặc, dự án Thằng Ròm, của nhà làm phim trẻ Trần Dũng Thanh Huy, cũng đang đi tới giai đoạn hậu kỳ. Đặc biệt, đạo diễn Lương Đình Dũng đã đi tới giai đoạn làm hậu kỳ cho Cha cõng con. Bộ phim này đang rất được người trong nghề chờ đợi sau 10 năm "thai nghén". |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags