(Thethaovanhoa.vn) - GS Trịnh Thị Minh Hà (Giải thưởng Thành tựu trọn đời vì sự nghiệp phê bình nghệ thuật của Mỹ); Lữ Lương Vỹ (ngôi sao sáng của TVB, đến nay đã đóng hơn 100 phim): Tony Bùi (phim Ba mùa); “chiến binh” Kim Nguyễn… là những tên tuổi gốc Việt phải kể đến đã và đang hoạt động điện ảnh ở nước ngoài.
- 'Eternité' của Trần Anh Hùng: Cái chết bất lực trước cái đẹp
- Hồi ức về giải Sư Tử Vàng Venice duy nhất của nước Việt
- Những ngôi sao gốc Việt 'mọc mũi sủi tăm' ở Hollywood
Thật khó để gọi hết những danh xưng mà nữ lưu hào kiệt sau đây đạt được một cách xứng đáng. Gói gọn nhất, bà là nhà nữ quyền luận hàng đầu thế giới, có thể sánh ngang tầm với Simone de Beauvoir (1908 - 1986) - nhà văn, nhà triết học, nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp.
Bà là giáo sư đại học và sau đại học về chính trị văn hóa, hậu thực dân, lý thuyết phê bình đương đại và nghệ thuật, lý thuyết nữ quyền, lý thuyết điện ảnh và thẩm mỹ… Bà đã xuất bản gần 15 cuốn sách về những điều vừa kể, trở thành tài liệu nghiên cứu, trích dẫn của rất nhiều đại học trên thế giới.
Bà là giáo sư về nữ giới tại Đại học Berkeley, về phim ảnh tại Đại học San Francisco, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại các đại học danh tiếng như Harvard, Smith, Illinois...
Trịnh Thị Minh Hà
Riêng khía cảnh phim ảnh, bà là nhà làm phim tiền phong, từ 1982 đến 2015, bà đã làm gần 10 phim, được vinh danh tại nhiều liên hoan phim thể nghiệm trên toàn thế giới. Những phim nổi tiếng như Reassemblage (40 phút, 1982), Surname Viet Given Name Nam (108 phút, năm 1989), Shoot For The Contents (102 phút, 1991), A Tale Of Love (108 phút, 1995), Forgetting Vietnam (90 phút, 2015)… Phim của bà đã thành giáo trình tiêu biểu cho việc dùng phim để nghiên cứu nhiều bộ môn khác, trong đó có văn hóa, bản sắc, chính trị, nữ quyền…
Người mà chúng ta vừa nói đến là Trịnh Thị Minh Hà, tên trong tiếng Anh: Trinh T. Minh-Ha.
Bà sinh năm 1952 tại Hà Nội, học tiểu học tại Việt Nam, học trung học tại Philippines, đến Mỹ học đại học năm 1970. Ngoài tiếng Việt, bà còn thông thạo tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức…, và có thể làm việc với một vài tiếng địa phương khác.
Ngoài ra, bà còn thực hiện hơn 30 triển lãm và trình diễn, phát hành một số tác phẩm thơ và âm nhạc. Hiện bà đang là giáo sư môn nghiên cứu về nữ giới tại Trường đại học California, Berkeley và môn phim ảnh tại Trường đại học San Francisco. Ngoài ra bà còn là giáo sư thỉnh giảng của một số trường đại học danh tiếng như Harvard, Smith, Illinois...
Gọi bà là bậc thầy phim thể nghiệm, vì nói như lời nhận định của nhà phê bình Steve Dickison: “Với những tác phẩm điện ảnh độc đáo và được dàn dựng đẹp đẽ của chị, Trịnh T. Minh-Ha quả là một nhà thơ trữ tình hàng đầu, một kiến giả và tư tưởng gia giàu tưởng tượng. Nghệ thuật của chị lật đổ những phương thức điện ảnh tự sự từ gốc rễ, bằng cách triệu dẫn rồi tái khám phá những công cụ của nhà nhân chủng học, của nhà thơ và nhân chứng chính trị, của nhà mỹ thuật và nhà soạn nhạc”.
Mãi tới siêu triển lãm ngũ niên Documenta 11 (năm 2002) tại Kassel, Ðức, 3 bộ phim của Trinh T. Minh-Ha vẫn được chọn chiếu nhiều lần. Phim Surname Viet Given Name Nam chiếu 15 lần, phim Shoot For The Contents chiếu 7 lần, phim Reassemblage chiếu luân phiên.
Ngày 23/2/2006 Trịnh Thị Minh Hà đã được trao giải thưởng Thành tựu trọn đời vì sự nghiệp phê bình nghệ thuật của Mỹ. Người nhận giải phải là cá nhân có tác động sâu rộng đối các với lĩnh vực nghệ thuật của nước Mỹ và thế giới.
“Anh hùng bến Thượng Hải” Lữ Lương Vỹ
Thuộc thế hệ diễn viên vàng của Hong Kong (sinh vào thập niên 1950), Lữ Lương Vỹ là một tên tuổi khó phai mờ tại thành phố cảng này. Sinh năm 1955 tại Việt Nam, đến năm 12 tuổi thì Lữ Lương Vỹ cùng gia đình sang Hong Kong định cư, đến năm 1980 thì anh bắt đầu đóng các vai phụ cho đài TVB. Năm 1983, khi vào vai Đinh Lực trong Máu nhuộm bến Thượng Hải, đóng cùng Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi… Lữ Lương Vỹ đã vươn lên thành sao sáng của TVB, đến nay đã đóng hơn 100 phim.
Lữ Lương Vỹ
Ngay sau đó anh có một loạt tác phẩm ghi dấu như Tuyết sơn phi hồ, Kế hoạch A, Thần tượng ma ảnh, Giữa làn đạn, Kỳ tích, Đường đời muôn vạn nẻo, Thái Bình thiên quốc… Sau gần hai thập niên gián đoạn với TVB, Lữ Lương Vỹ trở lại với các phim như Phú quý môn (2009), Điệp huyết cô thành (2010), Tân thủy hử (2011), Mộc phủ phong vân (2012), 7 sát thủ (2013), Thiên tài Weibo (2015), The Bombing (2016)…
Vốn tiếng Việt của Lữ Lương Vỹ còn rất ít, nhưng anh thông thạo tiếng quan thoại, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Thái… nên thuận lợi trong nhiều dự án phim quốc tế. Năm 2014 anh đóng trong Transformers: Age of Extinction.
Người đi tìm mùa Tony Bùi
Tony Bùi (sinh năm 1973) là một nhà làm phim độc lập, người Mỹ gốc Việt. Tuy sự nghiệp còn đang ở phía trước, nhưng ngay phim dài đầu tay là Three Seasons (Ba mùa, năm 1999) đã rất thành công. Phim được chọn chiếu tại Liên hoan phim Sundance, trở thành phim đầu tiên giành cùng lúc hai giải thưởng của khán giả và ban giám khảo cho phim có kịch bản xuất sắc nhất. Bên cạnh đó phim còn giành giải phim hay nhất và phim có hình ảnh đẹp nhất.
Khi được hỏi về tựa đề của phim, Tony Bùi cho biết rằng: Ngoài hai mùa nắng mưa khá đặc trưng tại Việt Nam, anh muốn nói đến một mùa khác nữa..., đó là mùa của hy vọng. Xem phim, qua 3 mùa của 3 nhân vật Kiến An, thầy Đào và Hải, chúng ta có thể nhận ra mong uớc về chân, thiện, mỹ, là nhịp cầu thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tony Bùi
Theo bố mẹ sang Mỹ từ năm 2 tuổi, mãi đến 19 tuổi thì Tony Bùi mới trở về thăm Việt Nam. “Lúc đầu tôi ghét chuyến đi ấy... Tôi lớn lên ở một khu phố ngoại ô và đúng là tôi có một cái nhìn giới hạn. Tôi nhớ lại cái nóng, cái ẩm, và cái thiếu tiện nghi trong suốt hai tuần lễ ấy... Nhưng rõ ràng có một cái gì đã xảy ra trong tôi khi tôi ở đó. Tiềm thức tôi đã hóa giải chuyện đó, thúc đẩy tôi và làm tôi trở thành một với mảnh đất ấy. Thật là một kinh nghiệm mãnh liệt. Nó thay đổi đời tôi. Không những tôi đã trở lại nhiều lần nữa, mà nó còn thay đổi tôi từ cách đi du lịch, thay đổi những quyển sách tôi đọc, những cuốn phim tôi xem. Đột nhiên tôi muốn làm những công việc trong đó có ý nghĩa và mục đích”, Tony Bùi nói.
Từ đó, Tony Bùi cùng với anh trai là Timothy Linh Bùi (sinh 1970) đã dành nhiều thì giờ cho điện ảnh quốc nội.
Tân “chiến binh” Kim Nguyễn
Sinh năm 1974 tại Montréal, Canada, Kim Nguyễn là một tên tuổi đáng trông chờ của phim ảnh thế giới. Anh được biết đến với các phim như Le Marais (2002), La Cité (2010), Rebelle (2012)..., đặc biệt phim War Witch (Phù thủy chiến tranh) của anh đã vào chung khảo Phim nước ngoài hay nhất của Oscar 2013. Phim này được trình chiếu tại LHP Berlin hồi tháng 2/2012, nơi Rachel Mwanza (thủ vai chính Komona) đã giành giải Gấu bạc cho hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Cũng từ phim này, Rachel Mwanza giành thêm giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, và giải Phim tự sự hay nhất tại LHP Tribeca.
Kim Nguyễn
Kim Nguyễn đang có phim Two Lovers And A Bear (2016), được trình chiếu tại dêm của các đạo diễn ở LHP Cannes 2016. Phim cũng được trình chiếu tại LHP quốc tế Toronto ngày 9/9/2016, nhận về những phản ứng tích cực. Ngay sau đó, 20th Century Fox và Netflix mua quyền phát hành tại Mỹ. Phim dự kiến phát hành tại Canada vào 7/10/2016, thông qua hệ thống Entertainment One.
Cung Lê - một quyền cước huyền thoại
Trước khi bước vào phim ảnh, Cung Lê (sinh 1972) là một võ sĩ quyền cước kickboxing và võ tự do mixed martial arts chuyên nghiệp, nổi danh với tên gọi “Cơn ác mộng châu Á”. Anh đã thành huyền thoại sống trên võ đài San Shou kickboxing với thành tích 17-0.
Cung Lê
Gần đây Cung Lê dành nhiều thời gian cho việc huấn luyện võ thuật và phim ảnh. Cung Lê từng tham gia bộ phim bom tấn The Man With The Iron Fists (2012), từng đốt cháy phòng vé Bắc Mỹ trong tuần đầu ra mắt.
Anh còn nổi tiếng với các phim như Thập nguyệt vi hành (Bodyguards And Assassins, 2009), Triệt quyền thủ (Tekken, 2010), Dragon Eyes (2012)... Cung Lê đang có dự định về Việt Nam làm phim với Johnny Trí Nguyễn, với Dustin Nguyễn…, nhưng hiện tại lịch đóng phim quốc tế của anh đang kéo dài đến năm 2020.Và nhiều gương mặt nữ đang lên Những tên tuổi gốc Việt còn có thể kể đến như Phạm Linh Đan (1974 , Pháp), Coralie Trinh Thi (sinh 1976, Pháp), Tila Nguyen (Nguyễn Thị Thiên Thanh, sinh 1981 tại Singapore), Brenda Song (sinh 1988, Mỹ), Levy Tran (Trần Lê Vy, sinh 1983, Mỹ), Loan Chabanol (sinh 1982, Pháp), Lana Condor (Trần Đông Lan, sinh năm 1997, Cần Thơ), Bảo Hòa (Nguyễn Huỳnh Bảo Hòa, sinh năm 1985, TP.HCM)… |
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags