(TT&VH) - Nghĩa trang đầy nắng. Nắng của những ngày đầu mùa Xuân nên rất nhẹ. Tôi ngồi đó, lật giở cuốn nhật ký của anh và đọc những dòng thư, nhật ký anh viết cho PL.
Nhà văn Chu Cẩm Phong
1. Hãy đọc những dòng thư anh viết cho PL, một trong những lá thư cuối cùng của cuộc đời: “... Chúng ta đang đi ngược chiều nhau trên dải Trường Sơn này. Chưa có một cuộc chia tay nào làm anh xúc động như cuộc chia tay này. Bởi vì chúng mình đều có những kinh nghiệm từng trải, những thử thách nghiêm khắc. Nhất định lúc này cả anh và em đều cảm thấy quý mến một tiếng chim, một giây phút gặp gỡ hơn tình cảm của chúng ta đối với những thứ đó trước đây dăm năm.
Chiều hôm qua và ngày hôm nay. Anh nhớ em đến điêu đứng và buồn đến rã rời. Em ạ, anh nói thật điều đó mà không sợ em chê. Anh sẽ mang theo hình ảnh đằm thắm, dịu dàng, ngọt ngào và tha thiết của em ra chiến trường cùng với những thương nhớ cháy bỏng trong tim anh. Anh sẽ đi xa, đến nơi đến chốn, sẽ sống xứng đáng. Anh không bao giờ muốn hai đứa mình là những kẻ tầm thường, tình yêu của mình chật hẹp.
Yêu nhau chúng ta sẽ chiến đấu không mệt mỏi, suốt đời. Chúng ta càng yêu nhau càng nhìn vào những thằng giặc, đối diện với chúng mà ngang dọc. Hôm nay anh nhớ em nhiều. Xuống dưới chiến trường anh sẽ không nguôi hơn đâu, nhưng lúc đó anh sẽ có niềm vui lớn lao hơn, niềm vui được biết có một tấm lòng đang tha thiết theo dõi anh” (Thư gửi PL ngày 1/4/1971).
Đó là những dòng thư, nhật ký tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần trong năm qua. Tôi yêu tình yêu của anh, yêu con người anh của anh trong tình yêu với PL. Làm sao có thể không yêu một con người như vậy, một tình yêu như vậy kia chứ? Tình yêu! Tự bản thân nó có sức mạnh và sự huyền diệu. Và bất giác tôi tự hỏi, có phải chính điều đó đã khiến tôi có cảm giác rất thân quen khi lần đầu đến thăm mộ anh hay không?
“Hãy nhớ rằng tôi quê ở Hội An”! Trong kỳ trước, chúng ta đã được đọc lại lời dặn dò của Chu Cẩm Phong với người đồng đội Lê Yến phút lâm chung: “Anh Yến à, nếu anh còn sống, anh hãy nhớ rằng tôi quê ở Hội An”. Với Chu Cẩm Phong, quê hương Hội An có một vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim. Năm 1968, trong chuyến công tác Hội An, Chu Cẩm Phong đã rất mong gặp lại mẹ nhưng không sao gặp được. Sau đó, bà đã nhờ một cán bộ Khu chuyển cho anh một cái áo len và một tấm dù hoa. Sau này, khi Chu Cẩm Phong mất, chôn cùng với các đồng chí khác ở thôn Vinh Cường (Xuyên Phú, Duy Xuyên), nhờ tấm dù ấy mà người mẹ đã nhận ra con.
Trong lá thư ngày 4/4/1971, lá thư viết trên đường Chu Cẩm Phong xuống đồng bằng công tác, cuối thư anh dặn “.. Em có thể viết thư cho anh. Viết ngắn thôi. Gửi theo địa chỉ này: KG Ban Tuyên huấn Quảng Đà (nhờ chuyển cho đồng chí Chu Cẩm Phong). Nhưng từ giữa tháng 5, thì đừng gửi nữa, sẽ lạc...” . Anh dặn PL như vậy vì từ giữa tháng 5 anh đã xuống đồng bằng Quảng Đà, nơi cuộc chiến đấu chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất, địa chỉ cũng chưa biết cụ thể ra sao, thư dễ lạc. Nhưng giờ đây, mỗi lần đọc lại lá thư với lời căn dặn ấy, tôi thấy nó như một điềm báo. Anh đã hy sinh đúng vào ngày đầu tháng 5 năm 1971.
Trên đường đi công tác tháng 4 năm 1971 ấy, Chu Cẩm Phong đã dừng lại một ngày bên bờ sông ĐăkVin để chia tay PL mà lời đính ước chỉ vừa trao trước đó hai tuần. Lẽ ra sau chuyến công tác ấy, họ sẽ tổ chức một đám cưới tuyệt vời. Nhưng Chu Cẩm Phong đã không thể trở về để ăn chén cơm từ cái rẫy lúa bội thu do chính anh là chủ lực khai phá, không bao giờ còn được gặp lại mẹ, không bao giờ trở thành chú rể. 30 ngày sau buổi chia tay với người yêu, anh hy sinh...
2. Chị PL, người yêu của Chu Cẩm Phong, giờ đã là bác sĩ - Giáo sư H.P.L, sau bao nhiêu năm với những bộn bề công việc, những đổi thay của cuộc sống vẫn không sao nguôi quên những kỷ niệm.
Chị PL viếng bia tưởng niệm Chu Cẩm Phong nhân ngày giỗ (1/5/2010) |
Ngày 1/5 năm ngoái, chị PL về Duy Tân tổ chức đám giỗ anh Chu Cẩm Phong. Chị đã lớn tuổi nhưng khuôn mặt vẫn còn đẹp. Anh Hồ Bé, cán bộ văn hoá xã Duy Tân kể cho tôi nghe chị PL về cùng bạn bè, đồng nghiệp, học trò, mang rất nhiều đồ để cúng anh. Khi tới gặp các cán bộ ở uỷ ban, chị PL rất cởi mở, nhanh nhẹn, có phần vui vẻ nữa. Nhưng khi ra tới nơi đặt bia tưởng niệm Chu Cẩm Phong, chị PL như một con người hoàn toàn khác. Chị như quên hết mọi người xung quanh, chị không lo lắng đến những hành xử xã giao với những lời thăm hỏi ríu rít như lúc trước, chị trở nên chậm chạp, chị như chỉ sống với ký ức và kỷ niệm. Khuôn mặt chị có lúc lặng đi. Khi mọi người rời bia tưởng niệm để đến bên khe suối gần đó, nơi có hầm bí mật mà anh Phong cùng đồng đội đã hy sinh năm xưa, chị PL bị vấp ngã, một anh cán bộ xã nói đùa “Chắc anh Phong đẩy yêu chị đấy!”. Mới nghe nhắc vậy, chị PL đã oà khóc.
Người có “chức vụ” là “Nhà văn”! Trong cuộc nói chuyện với tôi qua điện thoại, anh Trần Mạnh Hùng, em trai của nhà văn Chu Cẩm Phong kể rằng: “Những năm sau giải phóng, mẹ tôi rất nhiều lần đi Duy Xuyên tìm hài cốt anh Phong nhưng không thấy. Mỗi lần nghe người ta hát “Mẹ già lên núi tìm xương con mình” bà lại khóc. Mãi cho đến năm 1980, mẹ tôi và đồng đội mới tìm được hài cốt của anh Phong. Lần đi tìm mộ đó tôi ở Sài Gòn, sau nghe mẹ và mọi người kể lại tôi mới thấy có rất nhiều điều huyền diệu. Lần đó, mẹ tôi mang theo một lít rượu trắng và một thẻ nhang. Sau khi được anh Văn Công Mịch, anh Lê Yến và một số người từng chôn cất anh chỉ chỗ, mọi người bắt đầu đào. Nhưng suốt gần một ngày vẫn không thấy hài cốt anh. Khi chiều đã xuống dần, mọi người rất sốt ruột. Chợt mẹ tôi thắp ba cây nhang, khấn vái lâm râm rồi ngậm rượu phun khắp một vùng. Kỳ lạ thay, một khuôn mả hiện ra cách chỗ mọi người đang đào chỉ có nửa mét. Mọi người xúm vào đào ngay chỗ đó. Một lát sau trước mắt mọi người đã hiện ra tấm dù hoa nọ. Bà mẹ tôi sụp xuống khóc nức nở.
Hài cốt của anh đã được đón về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ Hội An. Hôm tôi đến tìm mộ anh ở nghĩa trang, gặp anh Bản, người mới tới chăm sóc nghĩa trang này gần 10 năm nhưng trước hơn 2.000 ngôi mộ, anh đã chỉ ngay cho tôi vị trí mộ của anh Phong. Anh nói mộ của liệt sĩ Trần Tiến - Chu Cẩm Phong vẫn được một người bà con tới thắp hương chừng chừng, anh em văn nghệ sĩ cũng thường tới thăm viếng nên tôi biết rất rõ. Tôi ngồi trước mộ anh. Một cảm giác rất gần gũi, như đã thân quen từ lâu mà cho đến giờ tôi vẫn không sao lý giải được. Tôi nói: “Anh! Cuối cùng em cũng đến đây”. Nhìn vào tấm bia, thấy dòng chức vụ ghi “Nhà văn” tôi rất bất ngờ. Có cái gì đó đã không đúng mà nói là sai cũng chẳng phải... nhưng rất đáng yêu ở dòng chữ này. Nhà tôi ở Hội An giờ không còn ai ruột thịt. Ba tôi mất năm 1994, mẹ tôi vào Sài Gòn ở với tôi và cũng mất năm 2009. Tôi đã dời mộ ba và chị gái từ Hội An vào Sài Gòn. Nhưng mộ anh Phong vẫn để ở nghĩa trang liệt sĩ Hội An. Tôi và chị gái đã quyết định như vậy vì anh ở với đồng đội sẽ vui hơn”. |
Kỳ 3: Người thờ Chu Cẩm Phong suốt 30 năm