(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Hoàn toàn có thể khẳng định kịch nói (trước đây nhiều nơi gọi là thoại kịch) đã hòa cùng cải lương, mỹ thuật, phim, nhiếp ảnh… và một số lĩnh vực, ngành nghề khác để mở ra tinh thần hiện đại cho nghệ thuật Việt Nam nói chung từ thập niên 1920.
Điều đáng quý là ngay từ ngày đầu, các tác phẩm của Việt Nam đã ý thức rất rõ về bản sắc văn hóa, nên dù kể câu chuyện gì, có khi nội dung được du nhập, thì dân tộc tính vẫn hiện rõ.
Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam từ diễn ra từ ngày 21 đến 27/10/2021 tại Hà Nội. Nếu lấy đêm công diễn vở kịch Chén thuốc độc (kịch bản: Vũ Đình Long) hồi 21/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội làm cột mốc, thì kịch nói Việt Nam vừa tròn 100 năm, nhìn lại đa số các vở diễn tiêu biểu, vẫn luôn thấy sự song hành giữa tinh thần hiện đại và tính dân tộc. Còn bài viết dưới đây là một câu chuyện nhìn từ TP.HCM.
NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) cho biết Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có đề nghị Hội trong này tham gia. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nên phía TP.HCM không thể tổ chức biểu diễn đêm gala trực tiếp cầu truyền hình vào tối 27/10 cùng với Hà Nội được. Do đó, Hội Sân khấu TP.HCM giao cho Ban Lý luận phê bình tổ chức chương trình tọa đàm 120 phút để phát sóng vào lúc 20h ngày 26/10 trên các nền tảng số của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM và Tổ hợp sản xuất truyền thông số - Digital Media Hub để hưởng ứng.
Các chủ để chính của buổi tọa đàm là Lời tri ân (NSND Trần Ngọc Giàu đảm trách chính), Thế hệ kế thừa (NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn - Kịch IDECAF, NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP.HCM), Thách thức và đổi mới (NSƯT Thành Hội, biên kịch Trần Văn Hưng, đạo diễn Trần Quý Bình - PGĐ Nhà hát kịch TP.HCM).
Điểm nhấn xã hội hóa
Đạo diễn Thanh Hiệp (Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM) cho biết: “Có thể nói sự phát triển của sân khấu xã hội hóa ngoài công lập ở TP.HCM là sự công nhận chính thức phong trào sân khấu tự phát, dù được tư nhân bỏ vốn đầu tư hoặc sự góp vốn của nhiều cổ đông. Ngay từ khi thành lập mô hình này thì đã nhận được sự định hướng về mặt tư tưởng, hình thức thể hiện, nội dung mang tính nhân văn và hoạt động theo cơ chế thị trường để từng bước thu hút khán giả đến với chiếc nôi đầu đời như CLB Sân khấu thể nghiệm (còn gọi là Sân khấu nhỏ 5B, Kịch 5B), đến năm 1997 được UBND TP.HCM thành lập Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM”.
Đến nay, Kịch 5B vẫn có một “ma lực” thu hút khán giả. Điển hình là các vở diễn mới, cũng như các vở diễn dàn dựng lại khi công diễn vẫn thu hút được khán giả, không chỉ khán giả lớn tuổi mà ngay cả khán giả trẻ tuổi cũng hưởng ứng rất nhiệt tình.
Đặc biệt, số lượng các bạn thí sinh đăng ký học ngành diễn viên và đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Đại học Văn hóa, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn… vẫn đông đảo. Cũng như các khóa học ngắn hạn tại các sân khấu vẫn được các bạn trẻ nhiều ngành nghề và độ tuổi ghi danh. Sự tăng trưởng này cũng là một tin đáng mừng cho ngành sân khấu nói chung.
Hơn nữa, Kịch 5B đã trình làng CLB Diễn viên trẻ do NSND Việt Anh phụ trách, quy tụ 80 diễn viên, sinh viên, đạo diễn trẻ xuất thân từ các trường nghệ thuật. Hoạt động chính của CLB là tập huấn cho các tác giả trẻ viết kịch bản, đạo diễn dàn dựng vở trong không gian nhỏ với dàn diễn viên trẻ làm chủ lực. Với các định hướng mới do Hội Sân khấu TP.HCM cùng sự cải cách tại các sân khấu lớn nhỏ ở TP.HCM, hy vọng thời hoàng kim của sân khấu sẽ không còn xa.
“Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại nhất là phải thoát khỏi tư duy bao cấp, những người làm sân khấu kịch thời đó đã phải tự tìm lấy con đường nghệ thuật của mình, hơn 80 đạo diễn, diễn viên đã liên kết với nhau, trau dồi kinh nghiệm và đốt lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết để chỉ được làm nghề một cách tử tế, không toan tính, để từ chiếc nôi của Kịch 5B, hình thành những tên tuổi được xem là thế hệ vàng của sân khấu kịch nói TP.HCM trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất như: Thành Lộc, Việt Anh, Thành Hội, Hữu Châu, Hồng Vân, Thanh Thủy, Ái Như, Công Ninh, Minh Nhí, Minh Hải, Phú Hải, Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Phương Linh, Quốc Thảo, Minh Ngọc, Minh Phượng, Minh Hoàng, Thanh Hoàng…” - Thanh Hiệp nhận định.
Để rồi sau đó phát triển thành thành các đơn vị nhỏ để biểu diễn, rồi thành lập các công ty biểu diễn nghệ thuật độc lập như Công ty Thái Dương (Kịch IDECAF), Công ty Vân Tuấn (Kịch Phú Nhuận), Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Minh Nhí, Sân khấu Quốc Thảo, Sân khấu Thế giới trẻ, Sân khấu Nụ cười mới, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Hồng Hạc… Và sau đó nữa là mô hình kịch cà phê, với hàng chục điểm đến dành cho khán giả thích mô hình diễn xuất trong một không gian nhỏ, ấm áp, có sự tương tác gần hơn với khán giả. Kịch Cà phê Bệt, Kịch Cà phê Đời, Kịch Cầu vồng, CLB Sân khấu Lạc Long Quân… ra đời cũng từ cột mốc này.
Họ đã cống hiến nghệ thuật của mình với nhiều vai trò như đạo diễn, tác giả, diễn viên… và trong số này đã có nhiều nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND như Hồng Vân, Trần Ngọc Giàu, Việt Anh, Kim Xuân…; các NSƯT như Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Thanh Hoàng, Mỹ Uyên, Thành Hội, Công Ninh, Trịnh Kim Chi… Danh sách này còn rất dài, nên chỉ xin kể vài gương mặt làm ví dụ...
- Vở kịch 'Chén thuốc độc' và hành trình về... đương đại
- Tái dựng vở 'Chén thuốc độc': Tôn vinh mốc son 100 năm kịch nói Việt Nam
- 90 năm "Chén thuốc độc"
Các hoạt động bổ ích
Song song đó, Hội Sân khấu TP.HCM đã mở nhiều lớp bồi dưỡng các tác giả trẻ kịch, các trại sáng tác kịch, các cuộc thi, giải thưởng dành cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói; phối hợp trong chấm giải các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp... Dấu ấn đẹp nhất có lẽ là Liên hoan Sân khấu xã hội hóa năm 1995 tại TP.HCM, khi ban giám khảo cùng ngồi xem kịch với khán giả, đặt mình vào vị trí của khán giả để phân định cao thấp của việc tranh tài giữa các đơn vị.
Khi kết hợp với Hội Sân khấu TP.HCM, các sân khấu tư nhân cũng đã xây dựng được một số tác phẩm tiêu biểu như: Bí mật vườn Lệ Chi, Mẹ và người tình, Vua thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử, Nỏ thần, Cánh đồng bất tận, Nửa đời ngơ ngác, Trò chơi tham vọng, Dấu xưa, Rặng trâm bầu… Điều đáng mừng hơn chính là công tác lý luận phê bình sân khấu kịch đã được vực dậy, tích cực thúc đẩy sân khấu xã hội hóa phát triển.
Chính tính chất năng động, sự nhanh nhạy trong giới thiệu, đánh giá tác phẩm của người làm công tác lý luận phê bình và báo chí thời đại 4.0 đã động viên và thúc đẩy những nỗ lực phát triển sân khấu; đồng thời làm tốt việc hướng dẫn dư luận. Qua đó, góp phần phản ánh kịp thời đời sống sân khấu, cung cấp thông tin về thị hiếu người xem để người làm sân khấu nắm bắt thị hiếu của công chúng nhiều hơn.
(Còn tiếp)
Văn Bảy
Tags