(Thethaovanhoa.vn) - Đêm nhạc Beethoven do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM hợp tác với Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/ Dioxin - VAVA tổ chức biểu diễn sẽ diễn ra lúc 20h ngày 3/8 tại Nhà hát TP.HCM.
Hai tác phẩm chính trong đêm diễn này là Triple Concerto dành cho violin, cello và piano của nhà soạn nhạc Beethoven và Giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc của nhạc sĩ Hoàng Vân - thân phụ nhạc trưởng Lê Phi Phi.
- Nhạc trưởng Lê Phi Phi: 'Không thể bắt tôi làm gì đó vì tiền'
- Nhạc trưởng Lê Phi Phi tham gia 'Giai điệu mùa Thu 2012'
1. Beethoven nổi tiếng với những bản sonate, giao hưởng mang nhiều kịch tính, nội tâm sâu sắc hoặc triết lý của thời đại, nhưng tác phẩm Triple Concerto là tác phẩm rất đặc biệt của ông - nó thiên về tính giải trí. Tác phẩm được Beethoven sáng tác năm 1803, được xem là một tác phẩm “giải trí lịch thiệp” dành cho giới quý tộc.
Đặc biệt Triple Concerto có cấu trúc không mang tính chân phương của âm nhạc cổ điển. Tác phẩm có 3 chương, nhưng chương II rất ngắn (khoảng 5-6 phút, không tương xứng với 1 chương của thể loại concerto). Giữa chương II và chương III được biểu diễn liên tục, không có sự ngừng nghỉ.
Có thể nói đây là một tác phẩm “lạ” để khán giả trải nghiệm thêm về âm nhạc của Beethoven.
Cùng biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng trong tác phẩm này là 3 solist khá nổi tiếng: Nguyễn Hữu Nguyên (violin), người đã “ăn cơm” của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp đã tròn 20 năm. Đảm trách phần solo cello là người đồng nghiệp của Nguyễn Hữu Nguyên tại Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp - nữ nghệ sĩ Emma Savouret. Còn phần solo piano là nghệ sĩ Hồ Đắc Thủy Hoằng. Chị từng là giảng viên piano của Nhạc viện TP.HCM, hiện nay Hồ Đắc Thủy Hoằng sống ở nước ngoài, từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình hòa nhạc giao hưởng, thính phòng ở Mỹ.
2. Tác phẩm “đinh” khác trong chương trình là Giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Hoàng Vân được công chúng âm nhạc Việt Nam biết đến là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng thời chống Pháp và chống Mỹ như: Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò, Bài ca xây dựng…
Tuy nhiên, ông cũng viết nhiều tác phẩm khí nhạc như: Rhapsodie cho violon, độc tấu fagot Hành khúc con voi, độc tấu flute Vui được mùa, Concerto Tuổi trẻ và tình yêu… Trong đó, Giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc đã được biểu diễn tại Macedonia và biểu diễn khá nhiều lần tại Việt Nam. Tuy vậy, đây cũng là dịp hiếm hoi, một tác phẩm giao hưởng Việt Nam được biểu diễn tại TP.HCM.
Giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác khoảng năm 1960-1961, tác phẩm này nằm trong số những tác phẩm giao hưởng thơ thời kỳ đầu của âm nhạc giao hưởng Việt Nam, cùng với những tác phẩm như: Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Giải phóng Điện Biên (Hoàng Đạm), Đồng khởi (Nguyễn Văn Thương)…. Tác phẩm chỉ dài khoảng 12 phút, nhưng nó được xem là một thiên anh hùng ca về con người và mảnh đất miền Nam anh dũng kiên cường, nơi đầu sóng ngọn gió vẫn vững vàng đi tới thắng lợi cuối cùng.
Trong tác phẩm, nhiều đoạn với âm hưởng kèn đồng hùng tráng như nói lên tấm lòng trung kiên của người dân miền Nam và nhiều đoạn dàn dây réo rắt, đầy chiêm nghiệm như những dự báo về tương lai của đất nước.
Chỉ huy tác phẩm này (và cũng là chỉ huy của đêm diễn) là người con trai của chính nhạc sĩ Hoàng Vân - nhạc trưởng Lê Phi Phi. Anh đang sinh sống và làm việc tại Macedonia và được xem là một trong những nhà chỉ huy tài năng của âm nhạc Việt Nam gặt hái khá nhiều thành công ở nước ngoài.
Hy vọng với nhiều “sao” của âm nhạc hàn lâm như đã nói trên, đêm nhạc sẽ mang lại nhiều mới mẻ, thú vị cho khán giả.
Ngoài ra, trong Đêm nhạc Beethoven (3/8) còn có sự tham gia biểu diễn của những nghệ sĩ Nhật Bản. Các nghệ sĩ Nhật sẽ biểu diễn một tiết mục trống truyền thống do Nhóm hòa tấu bộ gõ Ryuko Mirai thể hiện, cùng 3 ca khúc nhạc pop với phần đệm guitar acoustic. Những tác phẩm do các nghệ sĩ Nhật Bản biểu diễn với thông điệp “Kêu gọi hòa bình, chống chiến tranh” nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam”.
Thanh Thảo
Tags