Nhà văn Phong Thu (Kỳ 4): Chúng ta chưa có “Văn học nhà trường”

Chủ nhật, 06/09/2009 13:46 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Có thâm niên trên 50 năm chuyên viết cho thiếu nhi, là tác giả của những tác phẩm quen thuộc trong SGK như “Cua đồng thức giấc”, “Xe lu, xe ca” …  nhà văn Phong Thu cho  rằng, ở Việt Nam chưa có nền văn học thiếu nhi, chưa có cái gọi là “Văn học nhà trường” mà mới chỉ có những sáng tác về đề tài nhà trường. Theo ông “để có văn học nhà trường thì nó phải có một khối lượng đồ sộ vượt cao lên đề tài nhà trường”.

* Chưa có “Văn học nhà trường” mà chỉ có SGK văn học

“Để có một nền văn học cho thiếu nhi thì về mặt hình thức cũng phải có một tổ chức chăm lo cho nó - nhà văn Phong Thu phân tích - Ở Việt Nam thì trước tiên đó phải là Hội Nhà văn, làm sao tối thiểu hàng năm phải có sách văn học cho thiếu nhi, có những nhận định (kể cả lý luận phê bình) về văn học viết cho thiếu nhi. Mặc dù Hội Nhà văn có Ban văn học thiếu nhi nhưng vẫn chưa làm được nhiều việc. Chúng ta mới chỉ làm được những việc lẻ tẻ, thỉnh thoảng tổ chức một cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi, xong rồi để đó. Dường như ai muốn viết cho thiếu nhi thì viết, ai không muốn viết thì thôi, không có một khích lệ nào cho những người sáng tác văn học cho thiếu nhi.

Nhà văn Phong Thu


“Chúng ta chưa tập hợp được tác giả văn học thiếu nhi thì lấy đâu ra những tác phẩm viết cho thiếu nhi!” – ông nhấn mạnh.

Nhân nói về văn học thiếu nhi, ông nói sang chủ đề “Văn học trong nhà trường”: “Trong nhà trường không có hay nói cho đúng hơn là chưa có văn học. Nói văn học nhà trường là không chính xác mà nhà trường chỉ có SGK văn học. Văn học nhà trường là cái gì? Các thầy cô giáo không phải là “người văn học” mà chỉ là những người truyền thụ, thực hiện chức năng quảng bá kiến thức về văn học cho học sinh mà thôi. Trong khi chúng ta chưa có một nền văn học cho thiếu nhi, không có một đội ngũ chuyên nghiệp viết cho các em thì lấy đâu ra cái gọi là văn học nhà trường. Tôi cũng chưa, và chắc chắn không bao giờ có ai dám vỗ ngực bảo tôi là người làm văn học nhà trường cả. Việc những tác phẩm văn học được in trong SGK rồi các thầy cô giáo giảng về những tác phẩm đó chỉ là việc làm truyền thụ văn học trong nhà trường mà thôi”.

* Người thầy phải tìm cách “thu phục” được các em

Là người từng tham gia giảng dạy và công tác lâu năm trong ngành giáo dục, nhà văn Phong Thu cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc học sinh thiếu cảm hứng học văn nói riêng (chứ không phải hoàn toàn là các em không thích) và các môn học khác nói chung là do tác động của xã hội, tác động của nhà trường và tác động của gia đình.

 “Đừng nói đến chuyện học thêm mà chỉ cần học đúng như trong chương trình thôi thì đối với chúng cũng đã là một cực hình rồi, bởi vì có rất nhiều bài các cháu phải học thuộc…Dạy văn hay dạy môn gì cũng vậy, khi người thầy bước vào cửa lớp thì mọi chuyện đời thường xin hãy để ra ngoài sân. Hãy đi lại trước mặt các học sinh khác với cách đi lại ngoài đường, ở nhà. Hãy nói với các em học sinh bằng giọng điệu khác với khi gặp các em ở nơi khác ngoài trường học. Và quan trọng nhất là người thầy phải biết tìm cách “thu phục” được các em bằng chính chuyên môn của mình về môn học đó. Khi làm được việc đó rồi, tôi tin rằng các em sẽ cảm thấy bị môn học cuốn vào mà ham học hơn. Người giáo viên hãy hoàn thành bài giảng một cách hiệu quả để các em không cảm thấy thiếu kiến thức, phải “dạt nhà” đi học thêm. Học lắm cũng mệt, chơi lắm cũng chán, chúng ta là những thế hệ đi trước, hãy cân đối giùm các em chứ không nên tăng thêm áp lực cho chúng…”

Ông phân tích thêm: “Thay đổi SGK cũng là việc cần thiết, nâng cao trình độ giảng dạy cho giáo viên (GV) cũng là cần thiết nhưng người ta lại ít làm cái việc là nâng cao phẩm chất, nâng cao phẩm giá của người GV. Phẩm chất, phẩm giá của người GV càng thấp bao nhiêu thì nó càng “tàn phá” ngành giáo dục bấy nhiêu mà không cần đến lũ, đến lửa, bom đạn. Tuy nhiên, nếu cứ khăng khăng đổ lỗi do thái độ vô trách nhiệm của người thầy thì cũng “oan” cho những người là người thầy chân chính. Không phải 100% người thầy đều như vậy, nhưng số người còn say nghề, yêu nghề GV, hết lòng vì học sinh ngày càng ít. Nhưng mà nếu chỉ được một con số ít ỏi những người thầy tốt thì làm sao gánh nổi trách nhiệm cho ngành giáo dục, trong khi giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia…?”

Huy Thông (ghi)

Kỳ sau: Nguyễn Xuân Sanh với “Cô giáo lớp em” (Sáng nào cô đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi/ Đáp lời chào cô ạ/ Cô mỉm cười thật tươi…)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›