Mua góp 4 năm mới đủ 1 chiếc xe đạp
Thời bao cấp, mỗi một năm, mỗi một cơ quan có được khoảng 1 - 2 phiếu mua xe đạp, công đoàn bầu cho ai thì người đó mới được mua. Vì không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt mình, năm 1961, nhà văn Phong Thu đã nảy ra một kế hoạch là tự lắp xe đạp để lấy phương tiện đi lại.
Ông đi mua khung xe cũ, tự sơn lại cho mới rồi mang về, tạm treo vào góc nhà. Các bộ phận còn lại cho chiếc xe đạp, ông đã phải mua góp trong vòng 4 năm trời mới đủ. Ông tự mình lắp xe nhưng lại không thể cân vành nên việc duy nhất đó ông đành phải nhờ đến thợ. Ông bảo: “Vì mình tự lắp lấy xe đạp nên mình cũng có thể sửa được xe đạp. Giờ bảo móc lốp, cân vành, thay trục, rút phanh, xếp bi, tra mỡ... tôi làm vẫn ngon lành...”.
Nhà văn Phong Thu
“Chuyến vi vu xe đạp 5 tỉnh phía Bắc ngày đó chỉ “tan” một đôi lốp, nhưng bù lại, tôi đã viết hàng trăm mẩu truyện xinh xinh, ngăn ngắn, hàng trăm bài báo viết về lứa tuổi thiếu nhi ở những địa phương khác nhau mà tôi ghé tới...”. Trong số những tác phẩm được ông sáng tác khi đang vi vu xe đạp như thế, đã có nhiều tác phẩm được tuyển chọn in vào SGK mà rất nhiều thế hệ học sinh đã biết, trong đó có Xe lu, xe ca...
Nhận ra giá trị sống từ những điều rất nhỏ
Xe lu, xe ca là một câu chuyện ngụ ngôn kể về một chiếc xe ca và một chiếc xe lu. Xe ca cậy mình có tốc độ chạy nhanh hơn xe lu nên đã xem thường, cho rằng xe lu chỉ là kẻ chậm chạp, lù rù. Sau khi xe ca rồ ga phóng trước xe lu, đến đoạn đường xấu, lầy lội, xe ca bị mắc lại, chết máy, đứng im như đống sắt thải thì xe lu xuất hiện, vừa kéo xe ca lên khỏi vũng lầy, vừa lu phẳng lại con đường cho xe ca đi tiếp... Việc làm đó của xe lu đã khiến cho xe ca phải hối hận, nhận ra khuyết điểm của mình.
Cũng giống như tác phẩm Cua đồng thức giấc, Xe lu, xe ca được chọn in vào SGK từ khi nào, nhà văn Phong Thu cũng không nhớ chính xác. “Câu chuyện là một chiêm nghiệm của cá nhân tôi mà thông qua đó, tôi muốn các em nhận ra và hiểu rằng, trong cuộc sống, kẻ nhanh chớ khinh người chậm, kẻ mạnh chớ khinh người yếu, sống trên đời phải biết mình là ai và phải dựa vào nhau, tôn trọng nhau mà sống, để sống cho tốt đẹp...” - ông đúc kết.
Theo nhà văn Phong Thu thì, những tác phẩm trong SGK cần phải có chất văn và đặc biệt phải giáo dục được giá trị sống cho các em học sinh, nhất là với các em học sinh ở cấp tiểu học. Nhà văn nói: “Viết cho trẻ con, mình phải như nó chứ đừng bắt nó phải “ông cụ” như mình. Trẻ con nó trong sáng lắm, hồn nhiên lắm nên đừng nhồi vào chúng, bắt buộc chúng phải tìm ra cho được những “giá trị ảo” được làm bằng văn chương. Tôi có một truyện mà nhiều em nhỏ sau khi đọc xong đã ngay lập tức nhận ra bài học giá trị sống cho mình, nhưng rất tiếc lại không được in trong SGK là truyện Cây cột mốc và con ngựa.
“Theo tôi, mỗi tác phẩm in trong SGK phải là những tác phẩm sau khi các em đọc xong, học xong tự các em sẽ nhận ra được những giá trị sống từ những điều rất nhỏ, rất gần gũi với các em hàng ngày!” - ông kết luận.
Huy Thông
Kỳ 3 (Chủ Nhật, 23/8): “Người thầy cũ”… là tôi chứ ai!