Trải qua 50 năm viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim hoạt hình, tính đến thời điểm này, nhà văn Phong Thu đã có 71 đầu sách, trong đó, có tới 60 đầu sách là viết về “thế giới trẻ thơ”. Trong hàng ngàn các tác phẩm viết cho các em của ông, đã có rất nhiều tác phẩm được chọn in trong SGK từ những năm 1965 cho đến tận bây giờ... Xe ca & xe lu, Chim sẻ, Bàn tay mẹ và đặc biệt là bài Cua đồng thức giấc...
Xắn quần lội ruộng bắt cua cùng tụi nhỏ
Nhà văn Phong Thu năm nay đã gần 80 tuổi, mắt trái đã mờ và tai thì phải cậy nhờ máy trợ thính. Trí nhớ của ông cũng không còn được hoàn hảo như thời đương trai. Ông kể về lần ông viết Cua đồng thức giấc: “Năm 1964 hay 1965 gì đó, tôi làm phóng viên cho báo Thiếu niên Tiền phong. Một lần tôi đạp xe đạp về một vùng quê ở Hải Dương để đi viết bài cho báo, lúc đi ngang qua cánh đồng, chợt thấy tụi trẻ con đang thi nhau bắt cua, vui lắm. Chúng hình như không quan tâm đến sự có mặt của người lạ mà cứ hồn nhiên móc cua, đào lỗ rồi lại thả cua vào đó nói là để nuôi. Tôi hứng thú quá cũng xắn quần tụt xuống ruộng bắt cua với tụi nhỏ. Đêm về, hình ảnh tụi nhỏ cứ ám ảnh mãi, khiến không sao ngủ được, vậy là lồm cồm thức dậy, ngồi viết một mạch, đến sáng thì xong. Quay về Hà Nội, gửi bài viết đó cho tòa soạn thì hôm sau được in..., mừng lắm.
Nói rồi, chẳng cần mở sách, nhà văn Phong Thu tự “trích đoạn” bằng chính giọng của mình: “Mẹ con nhà cua giương mắt lên ngơ ngác. Lại những chuyện máy cày, đèn điện nữa ư, thế thì lạ quá. Chỉ bác trâu tơ khoái nhất. Bác ta nhìn mẹ con nhà cua và lăn ra cười. Có máy cày bác ấy đỡ vất vả hơn... À, thế đấy. Anh em nhà nó chẳng cần phải đi đâu nữa. Lũ cua con lại nhắm mắt lại, ngủ tít...”.
Bài văn dĩ nhiên là dài hơn so với đoạn được trích trong SGK. Đọc xong ông khoe luôn: “Trước đây tôi cũng dạy môn văn. Khi tôi đọc mẫu một bài văn cho học trò nghe cũng giống như tôi vừa đọc cho anh nghe vậy, không bao giờ phải cầm sách và thường đọc mẫu tới ba lần. Học trò thích lắm, nhiều em, cũng muốn “so tài” với thầy nên cũng học hành chăm chỉ lên. Đọc thuộc lòng cả bài văn dài, khiến mình vui, cảm động lắm”.
Nhà văn Phong Thu thành thật: “Cánh đồng Hải Dương hôm ông đi qua viết bài văn trên thực ra không có máy cày. Trong truyện Cua đồng thức giấc có máy cày là do... “ước muốn của mình dành cho cánh đồng đó nói riêng và những cánh đồng trên nước Việt Nam mình nói chung thôi. Có máy cày thì không những trâu bò mà chắc chắn những người nông dân sẽ đỡ vất vả...”.
Bài đọc thêm nên in riêng thành sách đọc ngoài chương trình học
Nhà văn Phong Thu kể tiếp: “Tôi có biết là bài này được in trong SGK, nhưng không nhớ năm nào, người tuyển chọn có báo cho tôi hay không tôi cũng... không nhớ nữa. Có tác phẩm được in vào SGK là vinh dự lắm rồi.
Hỏi ông, tác phẩm Cua đồng thức giấc khi đưa vào SGK thì được làm tác phẩm giảng dạy chính thức hay chỉ là tác phẩm để đọc thêm thì được ông cho ý kiến: “Tại sao lại đặt ra cái tiêu chí ấy nhỉ? Tôi nghĩ, bất kỳ tác phẩm nào, một khi đã được in vào SGK, dùng cho việc giảng dạy rồi thì đều là chính cả chứ phụ là phụ thế nào. Tôi nói vậy là vì có đôi khi tôi thấy tác phẩm đọc thêm còn hay hơn cả tác phẩm được giảng dạy chính ấy chứ, nhưng lại không hiểu sao tác phẩm đó lại chỉ được dùng cho đọc thêm thôi?
Ông bày tỏ: “Theo tôi, chúng ta nên in riêng các tác phẩm đọc thêm ra thành những cuốn riêng và cũng đừng gọi là tác phẩm đọc thêm nữa mà hãy gọi bằng một cái tên khác như là “Sách đọc ngoài chương trình học”. Tên sách như thế có thể hơi dài nhưng có vẻ hợp lý hơn. Các em yêu thích môn văn sẽ tìm đọc, học thêm về môn văn, các em yêu toán khắc có sách đọc thêm về toán, thích sinh học, vật lý thì tìm sách đọc ngoài chương trình về sinh học, vật lý...
“Chúng ta hãy làm mọi cách để các em tiếp cận với kiến thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất chứ đừng làm các em cảm thấy ngại bởi những bài phụ đi kèm bên cạnh bài chính - ông phân tích.
Kỳ sau (Chủ Nhật 16/8): Nhà văn Phong Thu (Kỳ 2): Viết về xe lu khi đang vi vu xe đạp