Hỏi tôi sống bằng gì à? Tôi xưa nay sống bằng viết báo, vẽ bìa sách, đọc thuê bản thảo, cũng có khi viết kịch bản chuyên đề hoặc viết lời bình phim này phim kia cho bên truyền hình. Những thứ đó làm xong thì cũng mất rất nhiều thời gian. Tôi kể câu chuyện vui này, năm 1997, mua nhà, trong túi lúc ấy chỉ có 5 triệu đồng. Vay bạn bè khắp nơi được thêm 80 triệu. Đúng một năm sau, tôi trả hết nợ. Bạn bè ngạc nhiên lắm, nghĩ tôi sáng tác kiểu gì mà giỏi thế, nhưng kỳ thực là viết báo và viết đủ thứ khác. Một ngày tôi viết một bài, cũng có hôm, một buổi sáng viết được ba bài. Làm được thế cũng là do áp lực trả nợ. Đúng là mỗi ngày múc một thìa não để sống.
Quyển sách người ta trả cao nhất là 35 triệu nhưng không phải sáng tác mà là về phê bình tiểu luận. Năm 1981, tôi được in bản trường ca Con đường và những vì sao (Trường ca Đồng Lộc) bên NXB Thanh Niên, có thể mua được hai cái xe Honda. Thời đó nhuận bút trả cho thơ cao như vậy là bởi họ tính theo dòng in. Trường ca của tôi dài 2.500 câu. Bây giờ thì nhuận bút trả lung tung, chẳng được bao nhiêu. Thường tập thơ của tôi bán được nhưng cũng chỉ in một đến hai ngàn bản. Còn nếu có người mua trực tiếp thơ của tôi hoặc tôi bán cho nơi này nơi kia thì cũng được, có điều nhuận bút tốt phải kèm theo danh tiếng đã có. Tôi làm bìa sách nên rõ lắm, nếu là người nổi tiếng, tên tập thơ sẽ nhỏ, tên nhà thơ to. Ngược lại nếu là người chưa nổi tiếng, tên tập thơ sẽ to, tên nhà thơ thì nhỏ.
Văn chương mang lại và lấy đi của tôi những gì? Tôi đến với văn chương rất tự nhiên. Đọc sách thấy thích, thích thì bắt chước theo, sau đó là đam mê rồi tự giác viết. Chẳng có ai mới sinh ra đã biết viết câu thơ lục bát cả. Văn chương đáp ứng được những say mê, mang đến sự thăng hoa và thêm một lần thăng hoa cho nhà văn. Nó giải tỏa được trách nhiệm, ý thức của nhà văn trước xã hội, con người và cả chính mình. Nhiều nhà văn lớn có tiếng tăm là do họ đến với công chúng bằng tác phẩm. Tác phẩm ở lại trong lòng bạn đọc, đó cũng là mong muốn của những ai làm văn chương đích thực. Chứ nhiều người hão huyền bởi danh nhà văn, ngộ nhận “thiên chức” của mình.
Khi đi theo con đường viết văn, tôi xác định là không sống được bằng nghề này nên phải tìm nghề tay trái. Tuy nhiên, vì văn chương nặng nợ, có làm nghề tay trái thì vẫn phải liên quan đến văn chương. Mở quán cà phê, tôi mở cà phê sách. Lợi nhuận từ quán cà phê không đáng là bao nhưng đó là nơi tôi giao lưu, gặp gỡ bạn văn và độc giả. Mở công ty, lẽ ra có thể kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau, tôi lại chọn mở công ty truyền thông chuyên về sách văn học.
Trong nghề văn chương, cái mất luôn là cái được hoặc được nhiều thì cũng mất nhiều. Nếu nói về được, trước hết được tinh thần, được làm những cái có ích. Mất là những vất vả, gian truân để theo nghề. Văn là nghiệp. Khó thể nói rõ hay lý giải vì sao không từ bỏ được văn chương. Có thời gian, đã tính thôi viết để tập trung làm việc khác, vậy mà một mạch ngầm bên trong thôi thúc tôi viết, lại hăm hở ngồi vào bàn. Rảnh thời gian và có hứng là viết. Viết kể cả khi đang ngồi trong quán cà phê hoặc lúc ở công ty. Tôi mỗi năm gắng đều đặn ra một cuốn, thường là truyện ngắn. Cũng đã ra hai cuốn tiểu thuyết, đều viết trong thời gian rất ngắn, nhưng đó là vì không bận việc gia đình hoặc bị các công việc khác chi phối. Tôi ngẫm ra rằng, được tập trung viết một mạch thì tốt, chứ viết mà cứ bận việc này việc kia thì không hoàn thành được.
Ở ta, bạn đọc văn chương ít và ngày càng ít, giờ họ chỉ đọc những thứ thiết thực phục vụ chính cuộc sống của họ như là sách dạy tin học, kinh doanh hoặc nấu ăn. Vì thế, một tác phẩm văn chương in ra thường chỉ được ngàn bản. Cuốn nào được in đến ba ngàn, đồng nghĩa với việc sách lậu nhảy vào. Viết một bài báo, nếu là bài chỉn chu, sau khi tìm tài liệu xong, chỉ viết nhiều nhất hai tiếng là xong, với một tờ báo thường thường, cũng kiếm được ba đến bốn trăm ngàn. Viết một tác phẩm văn học thì khó thống kê thời gian nhưng thường là dài và rất dài. Với cuốn tiểu thuyết của tôi, thời gian bỏ ra là hai năm. Với hai năm, tôi thu về số tiền nhuận bút là gần năm triệu đồng. Thế thì ăn thua gì! Nếu nghĩ kiếm tiền bằng nghề văn thì có mà điên rồ.
Thế thì nhà văn sống bằng gì trong khi tiền không, danh cũng không? Nhưng, những người theo văn chương và yêu văn chương thực sự, chẳng ai muốn bỏ nghề cả. Nói một cách quá lên, theo nghề văn như là bị “ám” - một đam mê hơi khác thường. Nhưng như tôi, viết văn vì thích, và vui vì được sống với bạn văn, đó cũng là niềm vui có được từ văn chương.