(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia, liên hoan mini văn hóa Việt Nam đã được tổ chức tại Perth (Australia) với sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Perth Lê Viết Duyên. Một trong những sự kiện chính tại liên hoan này là triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam - Bốn mùa (Vietnam - Four Seasons). Người tổ chức triển lãm là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (84 tuổi).
Nhân dịp này, tờ báo The West Australian đã đăng tải một bài viết về bà Nguyễn Thị Xuân Phượng và báo Thể thao & Văn hóa xin được giới thiệu về bài viết này.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng hiện là chủ Phòng tranh Lotus ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ về cuộc sống đa màu sắc của mình, bà Phượng nói với phóng viên của tờ The West Australian rằng: “Nếu trong đời bạn gặp nhiều khó khăn thì phải luôn bước tiếp chứ đừng bao giờ lùi lại”.
Triển lãm nghệ thuật đương đại lớn đầu tiên tại Perth
Cuộc triển lãm Việt Nam - Bốn mùa tại Perth là triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam lớn đầu tiên ở Perth, trong đó trưng bày tác phẩm của 9 họa sĩ và một nhiếp ảnh gia.
Ông Lê Viết Duyên, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Perth, cho biết với 4.000 năm lịch sử văn minh, Việt Nam có nền văn hóa sâu sắc và đa dạng. “Thông qua các hoạt động trong liên hoan văn hóa này, người dân Australia có thể khám phá được vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam”.
Bà Phượng là nhà tài trợ chính của dự án này. Bà thường chi tiền vé máy bay, nơi ăn chốn ở và các phí sinh hoạt khác cho 4 - 5 họa sĩ chính của Phòng tranh Lotus tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài.
Triển lãm Việt Nam - Bốn mùa là sự hòa trộn giữa các phong cách của một nhóm nghệ sĩ ở các độ tuổi khác nhau, trong đó có họa sĩ “lão làng” Đỗ Xuân Doãn (SN 1937), một trong những họa sĩ theo trường phái ấn tượng nổi tiếng nhất Việt Nam.
Bà Phượng giải thích về các phong cách vẽ tranh đa dạng ở Việt Nam, từ tranh đương đại cho tới tranh lụa: “Năm 1921, Pháp mở trường Đại học Mỹ thuật đầu tiên ở Hà Nội. Giáo viên trong trường đều là người Pháp và đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Paris. Trường đào tạo ra các nghệ sĩ theo trường phái ấn tượng, theo chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa hiện thực mới và trừu tượng. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người ở lại làm giáo viên trong trường và tiếp tục truyền nghề cho các sinh viên của mình”.
Từ phóng viên chiến trường trở thành chủ phòng tranh
Thoát ly từ 16 tuổi để tham gia cách mạng, bà Phượng ở trong rừng 9 năm và sau đó trở thành phóng viên chiến trường của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong chiến tranh, bà từng đưa các nhà báo nước ngoài tới các vùng chiến, qua đó góp phần làm cho thế giới bên ngoài hiểu được về cuộc chiến ở Việt Nam. Nhiều khi gặp bom nổ ở phạm vi gần, bà bị vùi dưới đất. “Song người ta đã kéo tôi lên và chúng tôi lại đi tiếp” - bà Phượng kể.
Sau khi nghỉ hưu, bà mở Phòng tranh Lotus và đây là một trong những phòng tranh tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Bà Phượng nảy ý tưởng mở phòng tranh sau khi tổ chức thành công triển lãm tranh Việt Nam đầu tiên ở Paris hồi năm 1991. Lúc đó, bà nghĩ mỹ thuật sẽ thể hiện được nền văn hóa Việt Nam một cách ưu việt nhất.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 2011 |
Khi quyết định mở phòng tranh, bà tới các vùng nghèo, hẻo lánh để tìm kiếm các nghệ sĩ vô danh và quảng bá họ. “Có lần tôi tìm thấy một nghệ sĩ sống dưới một cầu thang. Mọi người nghĩ tôi điên. Song tôi vẫn kiên trì. Chỉ sau 3-5 năm làm việc cùng tôi, các nghệ sĩ đã có thể bán được tranh ra nước ngoài. Nhiều khi tôi phải bán đồ trang sức và đồ đạc của mình để mua tranh của họ. Khi chồng tôi, một giáo viên dạy Vật lý tại một trường đại học, hỏi các bức tranh đó bao nhiêu tiền. Tôi chỉ nói với ông 1/10 giá trị thực. Song trước khi ông qua đời cách đây 2 năm, tôi đã đưa ông tới nhiều triển lãm ở các nước khác nhau và cuối cùng ông đã hiểu được công việc của tôi. Tại buổi lễ tôi nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì đã góp phần tạo nên một cầu nối văn hóa giữa Pháp với Việt Nam và các nước khác, ông rất tự hào và trông còn hạnh phúc hơn tôi” - bà Phượng kể.
Khi được hỏi bản thân định tiếp tục điều hành Phòng tranh Lotus trong bao lâu, bà Phượng nói rằng bà muốn đi theo con đường của nhà soạn nhạc Pháp thế kỷ 17 Moliere. Moliere đổ bệnh trong một màn trình diễn và qua đời vài giờ sau đó. Tờ báo đặt vấn đề rằng bà có muốn rơi vào cảnh chết ngay khi đang khai mạc một triển lãm không? “Tại sao không? Chết trên giường cũng là chết. Vậy tại sao không chết giữa những bức tranh?” - bà Phượng thẳng thắn nói.
Với những đóng góp xuất chúng cho văn hóa và nghệ thuật, tháng 7/2011 bà Phượng đã được Chính phủ Pháp tôn vinh với Huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng. |
Thể thao & Văn hóa