Mật độ “kêu than” ngày càng dày
Đây không phải lần đầu tiên, NXB Giáo dục tổ chức Hội nghị chống in lậu quy mô lớn với sự tham gia của các NXB uy tín cả nước. Năm 2004, một hội nghị như thế này đã diễn ra do NXB Giáo dục “phát pháo”. Năm 2007, cũng NXB Giáo dục làm tiếp. Trong năm 2009, không riêng NXB Giáo dục kêu gọi hội nghị chống in lậu, mà cả Công ty Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) cũng lên tiếng cùng các NXB nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam.
NXB Giáo dục liệt kê ra hàng loạt vụ in lậu trắng trợn, đầy thách thức, xâm phạm đến lợi ích của đơn vị mình cũng như quyền lợi người đọc trong năm 2009 và 2010. NXB Trẻ cũng liệt kê và chỉ đích danh những nơi, những người đã ăn cắp quyền lợi hợp pháp của mình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM “tổng kết” thực trạng in lậu như sau: “Quy mô của hành vi in lậu và vi phạm bản quyền ngày càng lớn cả về số lượng đầu sách, số bản in và giá trị xuất bản phẩm. Thủ đoạn hoạt động trong vi phạm bản quyền và hành vi in lậu ngày càng tinh vi. Hành vi in lậu và xâm phạm bản quyền diễn ra ngày một công khai và có tính thách thức pháp luật ở mức độ nghiêm trọng. Một số nhà xuất bản quá dễ dãi, bỏ qua nhiều công đoạn trong cấp phép xuất bản, chưa thực hiện nghiêm túc Luật Xuất bản nên đã tạo điều kiện cho hành vi in lậu và vi phạm bản quyền ngày càng nghiêm trọng. Cơ sở pháp luật giải quyết hành vi in lậu và xâm phạm bản quyền hiện nay còn nhiều bất cập”.
Không chỉ có in lậu
Vậy những ai vi phạm pháp luật trong vấn nạn in lậu này? Các tham luận trong hội nghị lần này nêu ra: ngay cả người mua sách in lậu cũng vi phạm pháp luật vì tiếp tay cho các đối tượng làm ăn phi pháp.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty sách Thái Hà đã làm cuộc điều tra xã hội học bỏ túi khi phỏng vấn 116 người thì có đến 98 người mua sách in lậu vì được “chiết khấu cao”. Chiết khấu cao tưởng rằng giá rẻ nhưng thực tế không phải vậy. Vì giá sách in lậu được đẩy lên cao hơn sách thật rồi giảm xuống thậm chí đến 50% để lừa người mua khi họ nghĩ rằng giảm như thế là sách rẻ.
Ông Phạm Sĩ Sáu - đại diện NXB Trẻ, không ngần ngại khi điểm danh các đơn vị phát hành sách “online” đã vi phạm bản quyền: “Các website sahara.com.vn, songhuong.com.vn, muabansach.com.vn, sieuthisach.com.vn... đều là các trang web bán sách trực tuyến và đều có hoạt động tải nội dung sách lên mạng để thu hút khách hàng mà không hề hỏi ý kiến hay xin phép chủ sở hữu hoặc NXB có bản quyền”.
Không chỉ trích đoạn nội dung không xin phép là vi phạm bản quyền, nhiều trang bán hàng online, trong đó có nơi còn ngang nhiên quảng cáo là “chỉ bán sách giả”. Chủ yếu, sách giả được rao trên những trang web bán hàng, rao vặt như muare.vn, raovat.xalo.vn, vinamap.vn, chodientu.vn...”.
Chưa hết, cũng theo ông Phạm Sĩ Sáu: “Ngày 17/2/ 2009, một nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động đã tung ra một loại dịch vụ trong đó cho phép người dùng có thể nhắn tin để tải về nội dung các tác phẩm Trăng non, Nhật ký công chúa, Khi lấy chàng, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (NXB Trẻ), và nhiều tác phẩm của các NXB khác... Điều đáng nói là không NXB nào trong số trên nhận được lời xin phép sử dụng từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Các NXB đồng loạt lên tiếng và yêu cầu nhà cung cấp phải hủy dịch vụ này, thế nhưng cho đến nay họ chưa hề có bất kỳ một động thái nào”.
Càng chống càng tốn kém
Trước sự tham dự của nhiều quan chức lãnh đạo ngành xuất bản trong hội nghị, đại diện các NXB trong tham luận của mình kiến nghị: Nên thành lập Hiệp hội chống sách giả, sách lậu.
Theo ông Phạm Sĩ Sáu: “Các NXB tham gia Hiệp hội, thông báo lẫn nhau tình hình vi phạm bản quyền, góp tay phòng chống in lậu. Buộc các đại lý cam kết không phát hành sách giả, sách lậu. Nếu vi phạm sẽ không giao sách cho các đại lý này phát hành. Phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức các diễn đàn, nhằm góp phần từng bước nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng”.
Tất nhiên, giải pháp rốt ráo vẫn nằm ở pháp luật và thực thi pháp luật. Các NXB cho rằng, nếu phạt đến mức phá sản những ai in lậu hoặc tiếp tay in lậu thì mới hy vọng triệt tiêu vấn nạn này.
Tuy nhiên, đợi đến khi “giải pháp” này được luật hóa và thực thi, các NXB vẫn phải tự “tay chèo tay chống”. Hiện tại, như đại diện NXB Trẻ nói: “Để bắt tận tay một nơi in và tàng trữ sách vi phạm bản quyền của đơn vị mình, chúng tôi tốn thời gian và cả trăm triệu đồng, trong khi nơi in lậu chỉ bị phạt khoảng 10 triệu”.